THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 02:42

Đường dây “siêu nóng” nối liền đại biểu với cử tri

.

Do đó, mỗi kỳ họp Quốc hội là một kỳ của những công việc khó khăn đầy thử thách, sự thử thách không dễ biết vì công việc của phóng viên là thầm lặng và vất vả. Độc giả chỉ quan tâm đến vấn đề chuyển tải trên mặt báo, mấy ai biết được các câu chuyện hậu trường cũng như người làm cầu nối thông tin đến bạn đọc cả nước là ai, đã làm việc như thế nào… Phóng viên Quốc hội vẫn thường nói đùa, 500 phóng viên, nhà báo thường xuyên tác nghiệp tại các cuộc họp Quốc hội, chính là mạng thông tin, là đường dây nóng của hàng triệu cử tri.

Hành lang Quốc hội, nơi “nguồn tin” nóng nhất

Hành lang Quốc hội là nơi những gì nóng nhất, tâm huyết nhất mà các đại biểu trao đổi với nhà báo, là vị trí “đắc địa” để tác nghiệp của cánh phóng viên. Giờ giải lao, là “giờ vàng” với nhà báo, vì là lúc đại biểu quốc hội ra hành lang, hoặc tiếp cận đươc ở hội trường, sân sau… và rất nhiêu các câu chuyện hay, thiết thực nhất, những quan tâm canh cánh trong lòng của cử tri được nhà báo chuyển đến đại biểu, và ngược lại, hành lang cũng là nơi đại biểu có cơ hội ày tỏ với báo chí, mong chuyển tải đến độc giả các vấn đề quan trọng nhất, bức thiết nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Do đó, hành lang QH là nơi kết nối giới truyền thông, giới lãnh đạo cao cấp và các đại biểu của nhân dân với nhau trong không khí chan hòa, cởi mở và tin cậy hiếm có. Nhưng không dễ tranh thủ phỏng vấn vào giờ giải lao, vì nhiều đại biểu né tránh, hoặc miễn cưỡng trả lời đúng theo tinh thần… “báo cáo” cho yên ổn. Tuy thế, cũng nhiều đại biểu hồ hởi nói những điều tâm huyết, những câu chuyện người thật việc thật sinh động để minh họa cho các vấn đề đang được đề cập, thảo luận…

Chả thế mà phóng viên vẫn luôn ấn tượng với nhà sử học Dương Trung Quốc, ông luôn là người dễ tiếp cận, mấy kỳ quốc hội liền, hễ giải lao là phóng viên lại quây kín lấy ông, “giữa muôn trùng vây”, nhà sử học thậm chí không có kẽ hở để xoay lưng, hay uống 1 cốc nước cho thư thả nhưng ông luôn vui vẻ trả lời, rất tâm huyết và cởi mở.

Mỗi đại biểu có cái thú vị riêng. Có người là bộ trưởng kiêm đại biểu thì trước đây có cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu. Ông luôn trả lời phỏng vấn và chất vấn rất ngang tai, và gây cười, ai nghe cũng cười nhưng cũng rất khó bắt bẻ vì có nhiều điều ông ấy nói cũng khá có lý và chặt chẽ.

Có những Đại biểu cũng rất khó khăn để hỏi, nhưng hỏi được sẽ có có bài hay như ĐB Nguyễn Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp. Có đại biểu luôn nói rất thẳng thắn, khúc triết, chặt chẽ và có trách nhiệm, đi thẳng vào những vấn đề nóng nhất như ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh).

Các nhà báo thay mặt dân áp sát các đại biểu từng giờ, từng phút để theo dõi những hành xử của họ, đặt ra những câu hỏi phỏng vấn gai góc hay đưa thông tin, tư vấn và tranh luận với họ ở hành lang một cách công khai, thẳng thắn, chân tình, cập nhật những vấn đề sinh động của cuộc sống vào sinh hoạt nghị trường.

Pho Thủ tướng Vũ Đức Đam giữa "vòng vây" báo chí

 

Các nhà báo cũng không câu nệ việc thẳng thắn cho độc giả biết khi phản ánh một số phiên thảo luận tổ thiếu “lửa”, thậm chí có tổ còn nghỉ hẳn nửa ngày trong khi thời gian được bố trí là cả ngày. Chỉ khi được báo chí phản ánh, giờ giấc mới được chấp hành nghiêm túc, và giảm thiểu cảnh… nghị gật như dân gian thường gọi.
ĐB Lê Như Tiến cũng từng cho rằng: “Cơ quan dân cử phải cởi mở hơn với báo chí, phòng làm việc của nghị sỹ không bao giờ được đóng cửa với báo chí, đó là “tuyên ngôn” của tôi và tôi luôn thực hiện đúng như vậy”.

Số lượng nhà báo đưa tin nhiều hơn đại biểu

Các thế hệ nhà báo nổi tiếng đi trước, từng chuyển tải các vấn đề nóng nơi nghị trường, nay họ đã thành danh, đang giữ những cương vị trưởng đại diện báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh Mai Phan Lợi, hay Phó tổng Biên tập báo Thời báo tài chính Ngô Chí Tùng… kể lại nhiều kỷ nệm khó quên. Trong hơn 20 năm qua, đã có kỳ họp số nhà báo được mời tham dự lên đến hơn 600 người, trong khi số đại biểu tham gia kỳ họp chỉ khoảng hơn… 300 vị.

                                                                                                                       Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trả lời phỏng vấn

Với các phóng viên chuyên viết Quốc hội, tấm thẻ báo chí do văn phòng quốc hội cấp để tác nghiệp tại nghị trường, có rất nhiều kỷ niệm. Trước đây, khi Internet chưa phát triển, mỗi ngày hàng trăm trang tài liệu in ra để phát cho các phóng viên, thời đó văn phòng quốc hội cần đến số người lớn bóc băng các phát biểu từng ngày của các đại biểu, và hàng trăm trang tài liệu mỗi ngày gửi các nhà báo. Ngày nay, hệ thống Wifi, mạng đã giúp cho công việc này đơn giản hơn, chỉ cần gửi qua email là các phóng viên dễ dàng có “nguồn” tin để tác nghiệp nhanh phục vụ độc giả.

Các nhà báo kỳ cựu cho biết, thời điểm truyền hình trực tiếp Quốc hội diễn ra đầu tiên năm 1993, cái thuở Internet chưa phát triển, nhân viên ở các cơ quan đến giờ trực tiếp quốc hội, lại dồn nhau lại trước màn hình tivi của cơ quan để nghe các vấn đề nóng. Rồi sáng ra, lại tìm các tờ báo giấy Nhân Dân, Lao Động, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Tiền Phong… để đọc.

Không khí quốc hội từ nghị trường đến tay người đọc luôn nóng như thế. “Vui nhất ở QH trước đây là ở họp ở hội trường Ba Đình cũ. Thời đó ĐBQH rất cởi mở, đa phần không từ chối phỏng vấn. Giờ nghỉ giải lao, người ta bán bia hơi, lạc luộc…các ĐBQH ra uống rất nhiều và cũng có người có biểu hiện say, trả lời p vấn rất hăng, khi vào hội trường, phát biểu vẫn rất hăng, hoa chân, múa tay...hoặc lăn quay ra ngủ. Có lẽ vì thế sau này, việc bán bia đã bị cấm”- nhà báo Mạnh Quân, báo Thanh Niên cho biết.

 

 

Nhà báo Mạnh Quân, báo Thanh Niên đang tác nghiệp tại nghị trường

 

Ngày nay, khi người ta có thể đọc in nhanh chóng qua điện thoại, qua mạng, tác nghiệp của phóng viên lại đòi hỏi nhiều cung bậc khác hơn. Trong một buổi sáng, phóng viên phải cùng lúc đưa được hết các vấn đề nóng tại nghị trường. Phóng viên báo mạng, báo ngày để nhanh chóng, chia nhau theo tốp, hai người bóc băng viết bản thô, rồi chuyền cho nhau bản thô để tùy từng yêu cầu của tờ báo và chính tư duy của người viết, sẽ lựa chọn vấn đề để đưa tin.

Ngay trong một ngày, các vấn đề từ quốc hội có thể lên đến 5, 6 bài viết trong một ngày mới đủ đáp ứng thông tin tới cử tri cả nước, đem lại không khí dân chủ, công khai và cởi mở chưa từng thấy, gây phấn khích cho hàng triệu cử tri.

Trong ký ức của các phóng viên kỳ cựu, thời đỉnh cao của báo giấy, họ vẫn còn nhớ có nhiều tòa soạn đem hàng ngàn tờ báo đến tặng các đại biểu để gián tiếp vận động họ ủng hộ quan điểm của mình trong các bài điều tra, phóng sự hay thời luận, để các vấn đề được đưa ra bàn thảo, có những quyết định đem lại công bằng, lẽ phải cho người dân. Đó là những kỷ niệm vô cùng nhân văn và cho thấy quyền lực của báo chí tác động đến đời sống là rất lớn.

Nhà quốc hội mới, gian nan tác nghiệp 

Khi Quốc hội chuyển sang họp tại tòa nhà Quốc hội mới, điều kiện tác nghiệp của phóng viên có khá nhiều khó khăn. Nhiều phòng họp của tòa nhà Quốc hội mới rất hiện đại, đẹp nhưng quy mô hẹp quá. Ðặc biệt là khi thảo luận ở tổ, những đoàn đại biểu như đoàn TP.HCM, phóng viên tập trung rất đông, dẫn đến không đủ chỗ ngồi và phóng viên phải tìm mọi ngóc ngách để có thể tác nghiệp.

Văn phòng Quốc hội cho biết do phòng báo chí tại tầng B1 của Nhà Quốc hội đáp ứng khoảng 300 chỗ ngồi, trong khi số lượng phóng viên đăng ký tác nghiệp là 500 người nên Văn phòng Quốc hội phải chia làm 2 trung tâm báo chí: Một trung tâm báo chí tại phòng họp báo tầng B1 Nhà Quốc hội mới (thẻ B); một trung tâm báo chí tại Văn phòng QH ở số 37 Hùng Vương (thẻ C).

Điều quan trọng đối với tác nghiệp của báo chí nhằm đưa được thông tin kịp thời đến bạn đọc và cử tri cả nước là phóng viên nghị trường được tiếp cận trực tiếp đại biểu QH bên hành lang hội trường, thế nhưng để lên được khu vực này, mỗi ngày chỉ có 50 phóng viên trên tổng số 500 phóng viên được cấp thêm một thẻ sự kiện hàng ngày. Với mỗi địa điểm chỉ được cấp 20- 25 thẻ/ngày.

Thêm sự khó khăn là 50 phóng viên được cấp thẻ sự kiện hàng ngày cũng không dễ dàng tiếp cận đại biểu Quốc hội vì khi giải lao, các đại biểu sẽ vào khu vực phục vụ uống nước có diện tích khá hẹp nên lực lượng bảo vệ đã phải tạm thời không cho phóng viên vào phỏng vấn để đảm bảo trật tự, tránh ảnh hưởng đến đại biểu. Do đó, phóng viên chỉ có thể tiếp cận đại biểu khoảng thời gian rất hạn hẹp khi đại biểu trở lại phòng họp hoặc được đại biểu tạo điều kiện chủ động để phóng viên phỏng vấn.

 

Hình ảnh các nhà báo gian nan tác nghiệp tại nhà Quốc hội mới

 

Mặt khác, các phóng viên ở trung tâm báo chí 37 Hùng Vương có thẻ sự kiện hàng ngày muốn tiếp cận khu vực hành lang Nhà Quốc hội thì phải chờ giờ giải lao, di chuyển từ 37 Hùng Vương đến đường Hoàng Diệu (khoảng 1 km), gửi xe, đi bộ qua đường Hoàng Diệu, đến đường Độc Lập để vào Nhà Quốc hội. Đặc biệt ngay sau khi chuông báo hết giờ giải lao, phóng viên thẻ B và C phải ngay lập tức ra khỏi khu vực hành lang phòng họp…

Đến mức, năm ngoái, lần đầu tác nghiệp ở trụ sở Quốc hội mới thì cũng là lần đầu tiên, phóng viên các báo đã phải cùng nhau ký vào một bản kiến nghị gửi ban tổ chức đề nghị tạo điều kiện hơn cho báo chí trong quá trình tác nghiệp, đặc biệt là việc tiếp cận đại biểu trong giờ giải lao.

Về điều này, nhà báo ạnh Quân, báo Thanh niên cho biết: những phóng viên lâu năm làm QH đều thấy cực hình nhất là cứ phải tranh giành thẻ sự kiện, khoảng 500 phóng viên mà thẻ sự kiện phát ra chỉ có 50 thẻ, phóng viên nào cũng phải đến thật sớm, “nhanh tay” để có thẻ đó trong ngày mới tiếp cận đại biểu được- trước đây là tranh giảnh tài liệu giấy . Vì thẻ sự kiện, giống như một cái giấy phép con để các phóng viên được tiếp cận đại biểu để phỏng vấn. Rất cực”.

Không chỉ khó khăn hành lang mà cả ở ngay trong phòng họp. Cảnh tượng nháo nhác tại cửa các phòng họp tổ lại diễn ra vì phòng họp chật, phóng viên không có chỗ để tác nghiệp. Đi đến phòng họp tổ nào cũng đều có một cảnh tượng chung là không có ghế, phóng viên nam hay nữ cũng đều phải ngồi la liệt dưới nền đất để tác nghiệp.

Những bức hình này lan truyền trên mạng xã hội và gây bức xúc suốt một thời gian dài trong cộng đồng mạng. Đại biểu ngồi ghế tập trung phát biểu, còn phóng viên ngồi ngay phía dưới tác nghiệp, việc ai nấy làm, nhưng cũng không khỏi phản cảm.

Báo chí: kênh thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và tâm huyết của các đại biểu

Mỗi 1 kỳ họp Quốc hội là cả một chặng đường dài 5 tuần cho biết bao phiên họp liên miên từ đoàn đến tổ. Ra hội trường sau đó lại là cả thời gian quan trọng cho việc “bấm nút” các vấn đề hệ trọng. Nếu làm báo ngày, và tờ báo đó chỉ cử 1 phóng viên làm QH thì trong suốt thời gian 1,5 tháng đó, phóng viên đấy phải tạm gác tất cả các công việc khác, không thể vắng mặt ở nghị trường, để bám sát các vấn đề, trăn trở và mang những băn khoăn của cử tri cả nước đến với các đại biểu, rồi nhanh chóng đưa tin…

Nhà sử học Dương Trung Quốc, luôn nhiệt tình trả lời các câu hỏi của phóng viên

 

Giữa cái nắng của tiết trời tháng 6, phóng viên trẻ Hương Giang, báo Thanh Tra vẫn miệt mài sáng đến sớm để mong “giành giật” được tấm thẻ sự kiện, để kịp có các thông tin nóng hay nhất cho báo mình.

Năm nay, kết thúc phiên họp sau 21/6, phóng viên quốc hội sẽ quên cả ngày lễ của ngành để tiếp tục công việc chuyển tải thông tin đến bạn đọc. Hối hả, việc nối việc không bao giờ nghỉ, mà phóng viên vẫn luôn cảm thấy chuyển tải chưa thể hết và đầy đủ đến sự mong đợi của độc giả, cũng là sự quan tâm của cử tri.

 “Các nhà báo chính là những đường dây siêu nóng nối liên đại biểu QH với nhân dân, đánh thức quyền lực của họ để quyền lực ấy hướng về quyền lợi chân chính của cử tri, nói lên tiếng nói mà hàng nghìn cử tri gửi gắm”- nhà báo Ngô Chí Tùng bày tỏ. 

Dù còn khen chê nhiều chiều, song công bằng mà nói, hiện nay hoạt động của phóng viên theo dõi Quốc hội đã thuận lợi hơn rất nhiều, khi đã không còn phải chen lấn để “tranh” tài liệu, cũng không bị hạn chế khu vực phỏng vấn ở hành lang hội trường.

Và nhất là khi ngày càng có thêm đại biểu chủ động chia sẻ thông tin, trao đổi quan điểm với báo chí, thay vì tỏ thái độ khó chịu khi bị làm phiền 20 phút nghỉ giải lao “vàng ngọc” của mỗi buổi họp.

Có thể nói, bao chí ngoài phản ánh các mối quan tâm của cử tri, độc giả cả nước, thì công bằng mà nói, trên mặt báo cũng cho thấy bản lĩnh, trí tuệ và tâm huyết của các đại biểu, dám nói, dám đấu tranh. Khi các đại biểu QH đã chia sẻ những cảm xúc suy tư đầy trách nhiệm với báo chí, thì nhà báo cũng chia sẻ những bức xúc, những thông tin nóng hổi từ cuộc sống của chính mình và của muôn dân...

 

Những câu chuyện về án oan sai ở các kỳ họp QH luôn đáng coi là những chuyện ám ảnh nhất bởi nó Liên quan đến số phận con người, những oan ức mà không dễ gột rửa cho họ dù QH đã lên tiếng, đại biểu QH lên tiếng mà nhiều khi không cứu được họ, để người dân bị hàm oan, có người chết trong nhà tù, có người bị cướp đất, mất đất, cùng quẫn là những day dứt nhất với các đại biểu cũng như các nhà báo tham dự đưa tin tại nghị trường”- nhà báo Mạnh Quân (Báo Thanh Niên). 

Thanh Nhung- Ngọc Ước

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh