Phong trào "giải cứu tôm hùm": Không có hàng để khách mua
- Huyệt vị
- 00:56 - 24/02/2020
Tôm hùm có cần giải cứu?
Thông tin giải cứu "tôm hùm đại dương" với giá 200.000 đồng/kg trước dịch COVID-19 cứ ngồn ngộn trên các trang mạng xã hội. Nội dung "giải cứu tôm hùm" khiến nhiều người xôn xao, ngỡ mình có thể được ăn món ngon với giá rẻ giật mình.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại thời điểm trước tết Nguyên đán, giá tôm hùm ở mức khá đắt đỏ, dao động từ 1 -2 triệu đồng/kg nhưng sau khi dịch virus corona bùng phát giá tôm đã giảm khoảng 30-45% xuống còn từ 500.000-900.000 đồng/kg (tùy loại và kích cỡ). Trong khi đó, trên các shop bán hàng online giá tôm được rao bán với đủ mức giá khác nhau. Theo đó, loại 5 - 6 con/kg giá 550.000 đồng/kg, loại 4 con/kg giá 650.000 đồng/kg, loại 3 con/kg giá 750.000/kg, loại 2 con/kg giá 900.000 đồng/kg.
Một tiểu thương chuyên bán đồ hải sản trên chợ mạng cũng chia sẻ: "Đợt đầu tiên tôi cũng nhập tôm hùm về giải cứu, nhưng do lượng khách chưa đông nên chỉ dám nhập 10kg, ngày thứ 2 nhập 25kg về cũng hết veo. Hôm qua tôi bán được gần 100kg mà còn không đủ hàng trả cho khách. Giá bán cũng đang tăng theo ngày do phía chủ hàng tăng giá nhập. Đơn cử, ngày đầu tiên tôm hùm loại 3-4 con/kg có giá 670.000 đồng/kg nay đã tăng lên 780.000 đồng/kg đối với loại 4 con và 840.000 đồng/kg đối với loại 3 con. Nhiều khách cũng thắc mắc nhưng tôi cũng giải thích rõ ràng".
Nhiều cửa hàng bắt đầu tăng giá
Chị Lan, chủ một nhà hàng hải sản ở chợ Đầu Mối quận Hoàng Mai (Hà nội), lưu ý việc có nhiều loại tôm hùm, nếu không biết phân biệt rất dễ bị nhầm lẫn dẫn đến mua không đúng giá. Đến thời điểm này, giá tôm dù đã bắt đầu tăng nhưng vẫn còn khá rẻ so với trước Tết. Tôm tại cửa hàng tôi có loại 3-4 con/kg có giá là 750.000 đồng/kg, loại 2 con/kg có giá là 950.000 đồng/kg. Ngoài ra, cửa hàng tôi cũng có tôm hùm giá 550.000 đồng/kg nhưng đây là tôm chết ngộp, đông lạnh. Tôm sống không có giá đó. Trung bình mỗi ngày tôi bán được khoảng 30-50 kg, riêng 2 ngày cuối tuần đơn hàng tăng vọt lên tới gần 120 kg". Nhiều khách có nhu cầu nhưng không có để mua
Trong khi đó, tại một cửa hàng chuyên hải sản trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội), giá tôm hùm baby (loại 0,3-0,4 kg/con) mua sống mang về đã tăng từ 700.000 - 750.000 đồng/kg (tuỳ loại) lên 780.000 đồng/kg. Theo nhân viên tại cửa hàng này, giá tôm hùm bắt đầu thay đổi do giá nhập từ ngư dân tăng cao.
Trong đợt dịch bệnh COVID-19 này, nhiều tổ chức xã hội, nhiều đơn vị, cá nhân chung tay hỗ trợ bà con nông dân, người sản xuất bị tồn đọng hàng. Đó là hành động nghĩa cử tốt đẹp, vừa giúp duy trì được sản xuất, tiêu dùng vừa khuyến khích "người Việt dùng hàng Việt". Giải cứu, giúp những người làm ra sản phẩm vượt qua lúc khó khăn là nên làm và cần làm. Tuy nhiên, một bộ phận thương lái và những người cơ hội đã lợi dụng điều này để tranh thủ bán hàng kiếm lãi. Ngay khi vừa giải cứu thịt lợn (heo) xong thì trước Tết Nguyên đán giá thịt heo tăng chóng mặt. Ngay cả khi có thông tin là giá lợn hơi chỉ còn 70.000 đồng/kg thì ngoài chợ, giá thịt lợn vẫn gấp rưỡi, gấp đôi con số đó. Vừa kêu "giải cứu" thanh long thì ngay sau đó thanh long lại tăng giá. Như vậy không còn đúng với ý nghĩa của việc giải cứu. Hơn nữa, người tiêu dùng cũng không được tiếp cận với thực phẩm giá rẻ.