CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:58

Phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh thương mại điện tử

 Thế nào gọi là TMĐT                                                           

TMĐT ra đời vào đầu những năm 1990 tại Mỹ, do Hiệp hội Khoa học Quốc gia sáng lập. Có nhiều quan điểm và khái niệm khác nhau về TMĐT. Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ đề cập đến hai khái niệm về TMĐT của hai tổ chức lớn trên thế giới sau đây. Theo Ủy ban châu Âu (EC) thì: “TMĐT là hoạt động kinh doanh thương mại sử dụng các phương tiện điện tử”. Với định nghĩa như vậy, ta có thể hiểu rằng TMĐT bao gồm tất cả các hoạt động trao đổi điện tử cả hàng hóa vô hình (dịch vụ) và hữu hình như: thông tin, bán hàng, cố vấn về luật pháp, chăm sóc sức khỏe,...  TMĐT bao gồm tất cả các bước trong hoạt động kinh doanh từ hoạt động marketing điện tử, đặt hàng, thanh toán cho đến dịch vụ hậu mãi (dịch vụ sau bán hàng) thông qua mạng Internet. Còn theo Ủy ban về TMĐT của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) thì: “TMĐT là công việc kinh doanh được tiến hành thông qua truyền thông số liệu và công nghệ tin học kỹ thuật số”.

Xu thế phát triển của TMĐT                                               

Nếu như số người sử dụng Internet trên toàn thế giới vào năm 1997 chỉ có 18 triệu người thì đến năm 2002 đã lên 128 triệu người và đến năm 2016 tăng vọt lên hơn 3 tỷ người. Theo dữ liệu từ Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), có khoảng 35,3% người dân ở các nước đang phát triển sử dụng Internet, so với con số 82,2% ở các nước phát triển. Riêng đối với các quốc gia kém phát triển, có khoảng 9,5% người được tiếp cận Internet vào cuối tháng 12/2015.

Doanh thu giao dịch thương mại điện tử tăng từ 43 tỷ USD vào năm 1998 lên đến 1.300 tỷ USD năm 2003. Doanh số thương mại điện tử giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) của Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2014, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo Thương mại điện tử 2015, được Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) công bố gần đây. Báo cáo này cũng cho thấy thương mại điện tử Việt Nam bắt đầu bước vào giai doạn tăng trưởng mạnh mẽ. Phần lớn người mua hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán tiền mặt với 91% đối tượng khảo sát cho biết có sử dụng phương thức này, tiếp theo là 48% sử dụng phương thức chuyển khoản qua ngân hàng, 20% người tham gia khảo sát cho biết từng sử dụng các loại thẻ thanh toán. Một trong những điểm đáng chú ý, theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, thì cả doanh số của website bán hàng và sàn thương mại năm 2015 đều tăng mạnh. Theo đó, tổng doanh thu trong 10 tháng đầu năm 2015 của 839 doanh nghiệp có website thương mại điện tử tham gia khảo sát ước đạt 11.624 tỷ đồng. Trong khi đó, trong năm 2014, doanh thu 10 tháng đầu năm của 875 website thương mại điện tử bán hàng tham gia khảo sát là 8.084 tỷ đồng.

Những hạn chế và rủi ro trong kinh doanh TMĐT

Giống như bất kỳ loại hình kinh doanh khác, TMĐT cũng có những mặt hạn chế và rủi ro của nó, doanh nghiệp kinh doanh TMĐT cần sớm nhận biết để lên kế hoạch đối phó kịp thời. Theo điều tra thị trường do E-CommerceNet.com tiến hành điều tra khảo sát, kinh doanh TMĐT có những rủi ro và hạn chế thường gặp sau đây: (1) Vấn đề an minh mạng và mã hóa. Nguy cơ mạng bị hacker tấn công như: bị chặn, phá hỏng, thay đổi giao diện và nội dung, hoặc biến mất không để lại dấu vết cũng đã từng xảy ra; (2) Độ tin cậy thấp và mang nhiều rủi ro trong giao dịch TMĐT; (3) Trở ngại văn hóa trong giao dịch TMĐT. Việc mua hàng tại các chợ truyền thống và các siêu thị đã trở thành thối quen và văn hóa của người tiêu dùng tại các nước Châu Á. Việc đi chợ hay siêu thị không chỉ đơn thuần là mua hàng hóa mà còn là sở thích, là hình thức giao lưu hàng ngày của họ. Đối với đa số người mua, yêu cầu được nhìn thấy và tận tay cảm nhận sản phẩm chính là yếu tố quyết định đến hành vi mua của họ; (4) Đội ngũ cán bộ nhân viên kinh doanh và tin học cho TMĐT còn thiếu và yếu; (5) TMĐT đòi hỏi những thay đổi căn bản trong cơ cấu tổ chức và quản trị, điều hành của doanh nghiệp; (6) Gian lận thương mại và nguy cơ hàng giả là rất cao; (7) Tốc độ kết nối Internet ở các nước kém phát triển là rất chậm. (8) Các vấn đề về luật pháp. Trình độ của chính bản thân những người làm luật và những người thực thi pháp luật chưa đủ theo kịp những ứng dụng và phát triển vượt bật của TMĐT. (9) Khó khăn trong việc xây dựng nhãn hiệu toàn cầu; (10) TMĐT sẽ tạo ra lực lượng cạnh tranh mới. Cạnh tranh từ các thương hiệu ngoại với nguồn lực tài chính và chất lượng đã được thế giới công nhận sẽ gây khó khăn cho các thương hiệu nội địa. (11) Thông tin trên mạng Internet hầu như không theo một cấu trúc nào.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), sự phát triển nhanh chóng, ồ ạt nhưng lại thiếu các quy định kiểm soát và các chế tài đã làm môi trường TMĐT ở nước ta đang mạnh ai nấy làm, dẫn đến thực trạng có rất nhiều vi phạm xâm hại quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh các hình thức xâm hại quen thuộc như thương mại truyền thống, trong TMĐT có những hình thức xâm hại riêng. Ví dụ, do đặc thù giao dịch từ xa, không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa các bên nên thông tin của bên bán và bên mua cần được công khai. Từ đó dẫn đến nguy cơ cao thông tin bị lộ để những người làm ăn bất chính khai thác. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng nhiều người nhận được hàng chục tin nhắn điện thoại mỗi ngày với các nội dung quảng cáo, chào mời... Các tin nhắn này phần lớn có mục đích lừa đảo. Nếu thực hiện theo các hướng dẫn của tin nhắn, người mua có thể ngay lập tức bị trừ tiền trong tài khoản. Bên cạnh đó, lợi dụng khoảng cách trong các giao dịch giữa người mua và người bán, một trong những gian lận tiêu dùng chủ yếu xảy ra trong thời gian qua là quảng cáo gian lận, cố tình gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Những giải pháp phòng ngừa rủi ro trong giao dịch TMĐT

Từ những hạn chế trên, để đảm bảo cho giao dịch TMĐT an toàn và phát triển tốt cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ kết hợp từ phía Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Về phía Chính phủ, cần có chiến lược đầu tư kịp thời, đúng đắn vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp mạng Internet. Bên cạnh đó, cũng cần phải có chế tài, quy định chặt chẽ trong kinh doanh TMĐT nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan như: doanh nghiệp, đối tác, khách hàng,... Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi của người mua, đối với tình trạng tin nhắn rác, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phải có trách nhiệm thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn và chấm dứt hành vi vi phạm này. Mặt khác, liên quan đến chứng từ trong giao dịch điện tử, luật cũng quy định về trách nhiệm của người bán trong việc tạo điều kiện cho người tiêu dùng truy cập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch. Để đáp ứng quy định này, các trang web bán hàng qua mạng cần tích hợp các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo khả năng truy cập, sao lưu chứng từ của người tiêu dùng,…Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã nhấn mạnh: “Các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi giao dịch trong TMĐT cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đều đã có. Quan trọng nhất là ý thức của người tiêu dùng trong lựa chọn và quyết định các giao dịch để hạn chế rủi ro cho mình”.

Đối với doanh nghiệp, xu hướng phát triển TMĐT cũng đòi hỏi các doanh nghiệp có những giải pháp sau: thay đổi cơ cấu kịp thời; chiến lược và phương pháp quản lý phù hợp; thích nghi với xu hướng mới; đầu tư và nâng cấp an ninh mạng để phòng ngừa tội phạm công nghệ cao nhằm khai thác triệt để những cơ hội và hạn chế tối thiểu những rủi ro, hạn chế mà TMĐT mang đến.

Về phía người tiêu dùng, phải thực sự là “người tiêu dùng thông minh”, hiểu rõ luật để tự bảo vệ mình. Pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định rất rõ những điều khoản nhằm đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng khi tiến hành các giao dịch TMĐT. Chẳng hạn, các doanh nghiệp và cá nhân khi giao kết hợp đồng từ xa phải cung cấp cho khách hàng những thông tin cơ bản gồm: tên của tổ chức, cá nhân kinh doanh; số điện thoại liên lạc; trụ sở, địa chỉ cơ sở chịu trách nhiệm về đề nghị giao kết hợp đồng (nếu có); chất lượng hàng hóa, dịch vụ; chi phí giao hàng (nếu có); phương thức thanh toán (chuyển khoản hay tiền mặt khi nhận hàng); phương thức giao hàng; thời hạn giao hàng (bao lâu kể từ khi hai bên đạt được thỏa thuận mua bán); cung ứng dịch vụ,...                                                                                      

ThS. LÊ HOÀNG TRỌNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh