Phòng ngừa rủi ro cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
- Bài thuốc hay
- 18:27 - 26/10/2021
Theo ước tính của Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam có khoảng 500.000 lao động đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế - xã hội, không chỉ giúp giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận đáng kể lao động, đặc biệt là lao động trẻ mà còn mang lại nguồn thu nhập cao cho người lao động, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho nhiều gia đình, địa phương. Bên cạnh đó, đây cũng là “kênh” đào tạo nguồn lao động có chất lượng cao về tay nghề và tác phong kỷ luật, phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong dòng kiều hối gửi về nước hàng năm, ước tính lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đóng góp từ 2 – 2,5 tỷ USD. Đó là nguồn ngoại tệ bù đắp rất lớn cho nền kinh tế, nhiều vùng quê đã thay da đổi thịt từ dòng tiền người lao động gửi về từ nước ngoài.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài như: số người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng lên, nhiều thị trường mới được mở ra thì một trong những vấn đề đáng lo ngại là tình trạng lao động Việt bỏ trốn hợp đồng ra ngoài hay tình trạng người lao động vẫn chọn con đường đi bất hợp pháp. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của lao động Việt Nam mà còn mang lại cho người lao động rất nhiều rủi ro. Vậy phải làm gì để lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc được an toàn, được bảo vệ, người lao động lựa chọn con đường chính thức thay vì đi bất hợp pháp?
Hiện nay, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định 3 hình thức đi làm việc ở nước ngoài gồm:
Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau đây: Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài; Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài; Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Hợp đồng lao động do người lao động trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.
Theo Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, Luật của chúng ta đã có các quy định thủ tục rõ ràng, điều này cũng được nêu rõ trong luật của nước tiếp nhận lao động. Do đó khi đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài phải phù hợp với luật pháp nước ta và nước tiếp nhận.
Ông Quỳnh cho rằng, việc thiếu sự chuẩn bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng khi đi làm việc ở nước ngoài có thể khiến người lao động gặp phải những rủi ro phát sinh trong quá trình đi làm việc ở nước ngoài. Những rủi ro này gồm khó khăn khi hoà nhập với môi trường sinh hoạt và làm việc mới, làm việc trong môi trường độc hại, không được trả lương hoặc được trả không đầy đủ, các điều khoản trong hợp đồng bị thay thế hoặc bị lạm dụng và bóc lột lao động.. Về phía cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ hơn hoạt động dịch vụ tuyển lao động ở địa phương, những đường dây buôn người, đưa người lao động đi làm bất hợp pháp cần điều tra và triệt phá.
Để giảm thiểu những rủi ro trong quá trình làm việc ở nước ngoài, bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông (Cục quản lý lao động ngoài nước) cho rằng, bên cạnh việc lựa chọn con đường đi hợp pháp, người lao động cũng cần phải trang bị ngoại ngữ tốt, tự tìm hiểu về luật pháp quốc gia mình tới làm việc và trang bị kiến thức đầy đủ. Dù vậy, trong quá trình làm việc ở nước ngoài vẫn có thể phát sinh một số rủi ro, trong trường hợp có phát sinh, người lao động cần trao đổi và khiếu nại với chủ sử dụng lao động, doanh nghiệp đưa đi để đảm bảo quyền, lợi ích cho mình. Những rủi ro theo hợp đồng thì sẽ được hỗ trợ. Ngược lại, nếu đi lao động bất hợp pháp thì chính người lao động tự đặt mình vào rủi ro và khó được bảo vệ, thậm chí nguy hiểm tới, sức khỏe, tính mạng.
“Chúng tôi khuyến cáo, những người muốn đi lao động ở nước ngoài thì chọn con đường đi hợp pháp. Để được pháp luật của Việt Nam, pháp luật nước sở tại và các hiệp hội, ngành nghề bảo vệ. Hiện hệ thống thông tin về lao động nước ngoài rất phong phú, đặc biệt là thông qua mạng xã hội nhưng đòi hỏi người dân phải biết lựa chọn. Bởi có nhiều doanh nghiệp phái cử, website, người môi giới giả danh đưa ra các thông tin đi lao động thời vụ tại Anh, Mỹ, Canada… Cục quản lý lao động ngoài nước đã rất nhiều lần cảnh báo cho người lao động về vấn đề này”, bà Vân Hà cho biết.
Để tránh bị lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài, ngăn ngừa những rủi ro, tổn thất của người lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động nên tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan trước khi quyết định đi làm việc ở ngoài một cách an toàn như sau:
Người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần trực tiếp liên hệ đến doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp. Danh sách các doanh nghiệp có Giấy phép trên trang Thông tin Điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn).
Người lao động có thể truy cập các thông tin liên quan đến thông tin về việc làm ở nước ngoài đối với ngành, nghề, công việc và các khoản chi phí phải chi trả để đi làm việc ở nước ngoài đối với từng nước, từng ngành, nghề và công việc cụ thể.
Người lao động cần liên hệ với cơ quan lao động, chính quyền địa phương nơi thường trú để tìm hiểu thêm về thông tin liên quan đến doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Người lao động có thể liên hệ trực tiếp đến Cục Quản lý lao động ngoài nước: 024.38249517 (máy lẻ 511, 512, 513), để được thông tin và tư vấn chi tiết.