CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:02

Phòng, ngừa nguy cơ động vật cắn trẻ em

Nhiều trường hợp trẻ bị chó dại cắn

Bé trai nhập viện với tâm lý hoảng loạn, đa vết thương cả 2 vùng bắp chân, lộ gân cơ cẳng chân trái do bị chó lai nặng khoảng 30kg nhà hàng xóm cắn.

Vừa qua, Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận trường hợp bé trai N.H.Đ. (7 tuổi, trú tại Lâm Thao, Phú Thọ) trong tình trạng tâm lý hoảng sợ, có nhiều vết cắn vùng bắp đùi cả 2 bên chân do bị chó cắn.

Phòng, ngừa nguy cơ động vật cắn trẻ em - Ảnh 1.

Trẻ em rất thích chơi với chó, mèo.

Gia đình bé Đ. cho biết, cháu Đ. sang nhà hàng xóm chơi thì bất ngờ bị con chó nhà này lao ra tấn công. Nghe tiếng la hét của Đ., gia đình lập tức đưa bé đến trạm xá gần nhà sơ cứu tạm thời rồi tiếp tục chuyển lên bệnh viện để điều trị. Được biết, đây là loài chó lai rất dữ tợn, nặng gần 30kg, gia đình hàng xóm nuôi để trông nhà. Tại thời điểm xảy ra sự việc, con vật đang được thả rông (không xích, không rọ mõm). 

Theo thống kê tại Trung tâm Sản Nhi – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, từ đầu hè tới nay, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 10 bệnh nhi bị chó thả rông cắn. Một số trường hợp chỉ bị xước nhẹ nhưng cũng có bệnh nhi phải khâu từ 10 cho tới vài chục mũi, rất nguy hiểm.

Những vụ việc tương tự xảy ra tại nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhi bị chó cắn rất thương tâm. Bệnh nhi tên là Vũ Đức D (9 tuổi, dân tộc Nùng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái). Khi ở nhà 1 mình, trong lúc cháu đi vệ sinh, 4 con chó nhà nuôi đã xông vào cắn xé, khiến bé mất toàn bộ da vùng mu, trơ xương mu, dương vật gần như cụt.

Hay Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhi là bé N.T.H.Y, (3 tuổi) bị chó pitbull nhà hàng xóm cắn nhiều vết dài, ngắn khác nhau. Mẹ cháu bé kể lại, trong lúc bé Y. đang đi xe đạp trẻ em ở ngoài cổng nhà, bất ngờ con chó nhà hàng xóm nặng hơn 25kg giật đứt xích xông ra. Khi bé xuống xe đạp đi về phía mẹ thì con chó xông vào tấn công.

Một vụ đau lòng khác tương tự đã xảy ra tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình khi cả gia đình bị chó cắn, trong đó đã có 2 người tử vong. Cụ thể, trước đó anh B.V.T (32 tuổi) bị chó nhà nuôi cắn vào tay, dẫn tới chảy máu. Sau đó, con chó tiếp tục cắn vợ và 2 con của anh T. Sau khi bị cắn một thời gian, do không đi tiêm phòng dại nên anh T và con trai đã tử vong sau đó. Hay vụ việc rúng động dư luận khi một đàn chó dữ đã xông vào cắn chết một trẻ em xảy ra tại tỉnh Hưng Yên.

Nên hạn chế trẻ em tiếp xúc với chó, mèo

Từ thực trạng đó, các bác sĩ khuyến cáo, trẻ em thường thích chơi đùa với vật nuôi là chó, mèo. Tuy nhiên, đôi khi cũng không thể kiểm soát hết được hành động của con vật.

Do đó, các phụ huynh cần lưu ý hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với chó nuôi, chó lạ. gia đình có trẻ con không nên nuôi giống chó to và dữ, nếu nuôi bắt buộc phải tiêm phòng cho con vật đầy đủ. Ngoài ra, con vật phải được thuần dưỡng, xích, ra đường phải rọ mõm...

Nếu không may bị chó cắn phải xử trí nhanh, làm sạch vết thương rồi đưa đến trung tâm y tế gần nhất. Sau khi bị chó cắn, việc đầu tiên cần làm là vệ sinh vết thương, bao gồm: Rửa vết thương bằng nước thường, tốt nhất là rửa trôi dưới vòi nước chảy, gần cống nước chảy để các chất bẩn theo cống thoát đi, không bị đọng lại trên sàn tắm. Không rửa chân trong chậu, nếu không có vòi nước có thể dùng gáo múc ra để rửa. Sau đó rửa vết thương bằng xà phòng. Bởi xà phòng có thể làm rửa trôi vết bẩn và làm tan một phần virus. Tiếp tục bôi cồn I-ốt vào vết thương để sát khuẩn, nếu không có thể dùng rượu trắng. Cách làm này sẽ làm giảm thiểu tối đa virus xâm nhập vào cơ thể qua vết cắn. Theo các bác sĩ, nếu xử lý tốt bước này, tỷ lệ giảm tới 50% nguy cơ bị nhiễm bệnh dại từ động vật.

Sau khi bị chó nghi bị dại cắn, nạn nhân cần đi tiêm phòng vắc xin dại càng sớm càng tốt mà không cần phải theo dõi con vật. Nếu vết máu gần vị trí thần kinh trung ương thì phải tiêm cả huyết thanh kháng dại càng nhanh càng tốt. Với vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương thì chỉ cần tiêm vắc xin dại. Khi đi tiêm, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho từng trường hợp. Thời gian tiêm phòng theo lộ trình, người bệnh cần theo dõi từng biểu hiện của con chó. Khi có những dấu hiệu bất thường, cần gặp ngay bác sĩ để được trợ giúp.

Để đảm bảo xử lý đúng phương pháp khi bị chó cắn, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khuyến cáo người dân cần tuyệt đối không làm những điều sau:

- Không dùng thuốc Nam, đặc biệt là sát lá, đắp vào vết thương.

- Không sử dụng xăng dầu, dầu hỏa bôi lên vết thương.

- Không thử dại bằng Đông y.

- Không chữa bệnh dại bằng Đông y hay thuốc Nam.

- Lưu ý tuyệt đối không được bóp hay nặn máu ra và không băng kín vết thương.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh