THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:34

Phòng LĐ-TB&XH TP. Tam Kỳ (Quảng Nam): Đối thoại để nắm bắt tâm tư, đời sống của người có công

 

Theo đó, tại 3 cụm được tổ chức,  đã có hơn 200 đối tượng đến tham dự và tham gia vào các hoạt động của cuộc đối thoại. Với nội dung phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng; giải thích, trao đổi những vướng mắc, hướng dẫn các thủ tục hồ sơ, các chế độ, chính sách liên quan đến đối tượng theo quy định. Chương trình đối thoại với người có công trên địa bàn thành phố Tam Kỳ thực sự đã đem lại những kết quả quan trọng trong công tác thực hiện các chế độ chính sách tại địa phương.

Không những vậy, từ việc nắm rõ được tâm tư, đời sống của đối tượng người có công, đối thoại về các vấn đề chính sách cũng là dịp để những người làm công tác thực hiện phát hiện ra những khiếm khuyết, sai sót trong quá trình triển khai chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hạn chế tình trạng khiếu kiện, khiếu nại xảy ra.

Theo Phòng LĐ-TB&XH TP. Tam Kỳ, đã có trên 80 ý kiến tham gia, góp ý với nội dung chủ yếu xoay quanh vào các vấn đề như việc hỗ trợ cải thiện nhà ở, giải quyết các chế độ chính sách...

Nhiều đối tượng người có công trên địa bàn thành phố Tam Kỳ cho rằng, việc hỗ trợ kinh phí cải thiện nhà ở đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ tại địa phương còn quá chậm, không kịp thời, nhiều nhà hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, không ít đối tượng đã già yếu chưa được hỗ trợ kinh phí đã từ trần, kinh phí hỗ trợ cho việc cải thiện nhà ở cũng ở mức thấp... Một số đối tượng đề nghị cần có chính sách hỗ trợ làm nhà thờ cúng Mẹ VNAH, nhà thờ liệt sĩ đối với những trường hợp không còn thân nhân chủ yếu.

Bên cạnh vấn đề hỗ trợ sửa chữa nhà ở, công tác giải quyết hồ sơ chất độc hóa học theo Thông tư liên tịch số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH thực sự đã khiến cho hội trường của cuộc đối thoại trở nên nóng hơn.

Theo đó, không ít người cho rằng kết quả giám định bệnh tật thời gian qua ở địa phương có nhiều tiêu cực, không khách quan. “Tại sao cùng tham gia chiến trường, cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu lại có người được, người không và kể cả người không tham gia hoặc thời gian tham gia rất ngắn trong vùng quân đội Mỹ rải CĐHH vẫn giám định là có phơi nhiễm CĐHH”, một đối tượng bày tỏ thắc mắc. Cũng trong vấn đề này, nhiều đối tượng đề nghị cần giám định lại đối với tất cả đối tượng đã hưởng chế độ CĐHH để đảm bảo công bằng hoặc cho tất cả đối tượng người hoạt động cách mạng trong thời gian Mỹ rải CĐHH hưởng theo một mức trợ cấp chung mà không qua giám định; giám định lại để thực hiện chế độ đối với đối tượng CĐHH loại 1 nhưng chưa qua giám định. Trong khi đó, danh mục bệnh tật phơi nhiễm CĐHH cũng không phù hợp...

 Về việc giải quyết hồ sơ theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, một số đối tượng nhận xét còn khá chậm, đặc biệt là hồ sơ thờ cúng liệt sĩ; hồ sơ đính chính thông tin thân nhân liệt sĩ; hồ sơ BHYT thân nhân người có công với cách mạng; những đối tượng bị địch bắt tù đày nhưng không còn hồ sơ gốc nên không giải quyết được, trong khi việc làm hồ sơ thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ phải xác lập hồ sơ tại nơi cư trú trước khi tham gia cách mạng là rất khó khăn, hầu hết các đối tượng đã già yếu và xa quê đã mấy mươi năm...

Trong vấn đề nâng hạng thành tích khen thưởng lên Huân chương cũng được nhiều đối tượng đặt câu hỏi “Tại sao có người làm được, có người không làm được”; nhiều đối tượng không thỏa mãn với thành tích khen thưởng huy chương so với nhiều năm cống hiến của bản thân. Có đối tượng nhận định, người có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng Huy chương chỉ hưởng chế độ trợ cấp 1 lần 1.000.000 đồng là quá thấp và quá thiệt thòi, đề nghị hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Ngoài ra, các vấn đề như công tác tổ chức điều dưỡng, việc phân cấp nơi đăng ký khám chữa bệnh hay không hài lòng đối với việc chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng qua Bưu điện... cũng được các đối tượng nêu ý kiến.

Lãnh đạo phòng LĐ- TB&XH TP. Tam Kỳ cho biết, tất cả những ý kiến trên đã được lãnh đạo địa phương giải thích, hướng dẫn cụ thể cho đối tượng. Một số ý kiến phòng LĐ- TB&XH ghi nhận và sẽ kiến nghị cấp trên quan tâm giải quyết để địa phương thực hiện các chế độ ưu đãi cho người có công được kịp thời và đảm bảo theo quy định. 

PV/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh