Phòng chống xâm hại trẻ em: “10 Bộ Lao động cũng không làm nổi nếu người đứng đầu ở các đơn vị, địa phương không quan tâm”
- Tây Y
- 01:18 - 28/04/2020
Bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo của đoàn Giám sát của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở Việt Nam vẫn được coi là điểm sáng bởi chúng ta luôn nhất quán với quan điểm tập trung ưu tiên cho công tác chăm sóc, giáo dục và tạo môi trường lành mạnh, an vui cho trẻ em. Nhìn lại nhiều số liệu của chúng ta khi so sánh với mặt bằng chung của thế giới và trong khu vực thì chúng ta đạt kết quả rất tốt. Tuy nhiên, trong báo cáo giám sát của Quốc hội lần này, chúng ta chỉ tập trung ở lĩnh vực tư pháp. Mặc dù trong lĩnh vực tư pháp, lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em cũng có nhiều điểm sáng nhưng ở đây chúng ta đang nhìn vào việc khắc phục những yếu kém, những mảng tối.
"Thời gian qua, chúng ta làm mạnh hơn về phòng chống xâm hại trẻ em và số liệu phản ánh về tình trạng gia tăng xâm hại trẻ em trong báo cáo giám sát nếu nói tăng hay giảm thì phải nhìn nhận ở hai khía cạnh. Thứ nhất, những vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em có phải bây giờ mới có không? Thực tế đã có từ lâu rồi, thế nhưng gần đây lại tăng, có nhiều lẽ nhưng một trong những nguyên nhân là xã hội quan tâm hơn, nhận thức của xã hội, của gia đình và chính trẻ em cũng tăng lên. Và chúng ta cũng có nhiều giải pháp kể cả về tuyên tuyền và thông qua các kệnh tiếp nhận ý kiến. Tôi ví dụ, từ khi chúng ta có Tổng đài 111 thì nếu bị đánh đập là nhiều trẻ em gọi lên ngay, hay khi có trẻ bị xâm hại thì hàng xóm, gia đình phản ánh ngay. Do đó số liệu cập nhật về xâm hại trẻ em cũng tăng lên. Bên cạnh đó, hiện chúng ta vẫn thiếu một bộ chỉ tiêu thống kê cơ bản", Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng, thời gian vừa qua, chúng ta tuyên truyền nhiều, tuyên truyền rộng về phòng chống xâm hại trẻ em nhưng chủ yếu mới đến người tốt. Nội dung thì lại chưa thẩm thấu được. Thế nên nhiều người chỉ biết lơ mơ là có Luật trẻ em nhưng Luật nói gì, quyền và bổn phận của người làm cha làm mẹ là gì thì lại không nắm được. Hay trẻ em có bao nhiêu quyền, nhiều cơ quan, đơn vị không nắm được, thậm chí kể cả người dẫn chương trình về bảo vệ trẻ em cũng không nắm được. "Cách đây hơn một tuần, tôi có xem chương trình Đội ta lớn lên cùng đất nước của Đài truyền hình Việt Nam, tôi có điện cho chị Tạ Bích Loan và nói rằng, lâu lắm rồi tôi mới được xem một chương trình hay như thế về trẻ em. Trước đây, tôi nhớ cứ trước 7h, trước Chương trình thời sự là Chương trình bông hoa nhỏ, giờ vàng đó là dành cho trẻ em nhưng bây giờ các cơ quan truyền thông có nhiều cách quan tâm đến trẻ em nhưng những giờ vàng liệu có còn dành cho trẻ em không?", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặt câu hỏi
Bên cạnh đó, cũng theo Bộ trưởng một trong những nguyên nhân rất quan trọng xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em là lạm dụng rượu bia, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, báo cáo giám sát cần đánh giá sâu hơn về vấn đề này.
Nói về trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh "hiện có vấn đề là chưa chỉ rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra xâm hại trẻ em. "Tôi nói thật, có đến 10 Bộ Lao động cũng không làm nổi nếu như người đứng đầu ở các địa phương, đơn vị không quan tâm đến vấn đề này. Ví dụ một đối tượng bảo vệ xâm hại 2-3 trẻ em ngay tại nhà trường, hay những vụ xâm hại trẻ em ở các cơ sở mầm non, bảo trợ xã hội nhưng trách nhiệm của người đứng đầu ở đó đến đâu thì chưa xử lý". Bộ trưởng nói và đề nghị cần nhấn mạnh hơn đến trách nhiệm người đứng đầu ở tất cả các đơn vị, địa phương. Trong kiến nghị của Đoàn giám sát của Quốc hội nên đề xuất Hội đồng nhân dân các cấp cần có Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, trong đó chú ý đến việc đầu tư ngân sách cho công tác trẻ em.
Cũng theo Bộ trưởng, hệ thống pháp luật hiện nay của chúng ta đầy đủ nhưng tính răn đe chưa đủ. Trong khi đó, việc quản lý các đối tượng xâm hại trẻ em chưa chặt chẽ. Việc khởi tố, xử lý các vụ xâm hại trẻ em rất khó vì ranh giới đúng sai rất mờ nhạt. Nhiều vụ nghe rất bức xúc nhưng chứng cứ rất khó để xử lý. "Nhiều nước xử lý rất nghiêm, không cần những hành vi cụ thể chỉ cần gọi điện có biểu hiện gạ gẫm, quấy rối tình dục là đã bị xử lý nặng rồi. Những người có biểu hiện xâm hại trẻ em bị giám sát rất chặt chẽ, bị cách ly xã hội, có thiết bị quản lý , gắn chip, khi tiếp xúc với trẻ em phải có người giám sát… Tôi đề nghị, cũng nên nghiên cứu để quy định chặt chẽ hơn các đối tượng có hành vi này. Kể cả giao cho Chính phủ nghiên cứu Luật phòng chống xâm hại trẻ em" – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.