Phòng chống tai nạn thương tích: Kỹ năng thiết yếu cho học sinh
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 15:23 - 05/11/2016
Hướng dẫn cho các em băng bó các vết thương khi tai nạn xảy ra.
Liên tục những thông tin đau lòng về tình trạng học sinh đuối nước được cập nhật thời gian qua khiến lòng người nhức nhối. Tôi bỗng nhớ về một buổi truyền thông, tập huấn “khiêm tốn” mà ý nghĩa vừa được tổ chức ở trường và thầm ước nó sẽ được nhân rộng để những nỗi đau không thể kéo dài như thế.
Đầu tháng 8, trường tôi là một trong số ít trường học trên địa bàn thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế) được lựa chọn để tổ chức buổi truyền thông về phòng chống tai nạn thương tích. Trong không gian nhỏ hẹp của phòng hội đồng, chỉ 60 học sinh được lựa chọn để tham gia trong tổng số gần 1.000 học sinh toàn trường. Khoảng 10 giáo viên và một vài phụ huynh được mời tham dự.
Một màn hình projecter lớn đặt ngay giữa phòng thu hút mọi ánh nhìn bởi những hình ảnh ấn tượng, những phóng sự nóng hổi được trình chiếu. Chất giọng truyền cảm của cô nhân viên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đưa các em đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Từng câu hỏi phát vấn được đưa ra nhanh chóng phát hiện “lỗ hổng” trong nhận thức của các em và “lấp đầy” bằng những tri thức, kĩ năng hữu ích.
Có tham gia buổi tập huấn mới thật sự mở mang được nhiều tri thức cũng như trang bị, củng cố thêm những kĩ năng cần thiết trước hàng loạt tai nạn thương tích như té ngã, hỏa hoạn, đuối nước, điện giật, bỏng,… Tai nạn thương tích quả là có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở bất kỳ đâu, chỉ cần một chút xíu lơ là của người lớn và sự ham vui, tinh nghịch của tuổi trẻ là nỗi đau đều có thể ập đến, day dứt không nguôi.
Những cái rụt vai lè lưỡi, những tiếng xuýt xoa đã vang lên trong chính các em bởi những hình ảnh trần trụi về tai nạn, những câu chuyện thương tâm được kể qua người thật, việc thật. Và nhiều kỹ năng thiết thực được hướng dẫn chi tiết, dù ít dù nhiều đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của các em.
Giá như các buổi truyền thông, ngoại khóa bổ ích ấy được tổ chức thường xuyên và quy mô hơn. Không chỉ “khiêm tốn” dành cho một số học sinh đại diện mà cho tất cả mọi học sinh, mọi phụ huynh để nâng cao nhận thức bảo vệ sự an toàn cho con trẻ.
Giá như tầm quan trọng của việc giáo dục kĩ năng sống, trong đó có kĩ năng phòng chống đuối nước được đặt ở một vị thế cao hơn. Hãy nhìn cách người Nhật dạy trẻ con ứng phó với động đất, người Mỹ trang bị cho học sinh cách ứng xử khi có khủng bố,… để thấy rằng việc trang bị kỹ năng sinh tồn cho con trẻ là điều bức thiết nhất.
Hãy lồng ghép, tích hợp giáo dục kỹ năng sống nhiều hơn, sâu hơn vào các môn học chính khóa. Để không còn cảnh thầy trò “cưỡi ngựa xem hoa” trong những tiết khoa học, công nghệ, giáo dục công dân… vốn bị xem nhẹ và những tri thức, kỹ năng không còn là mớ lý thuyết khô khan, trừu tượng.