CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:12

Hè đến, đổ xô cho con học kỹ năng sống

Nhiều trẻ em thiếu hụt kỹ năng sống

Ngọc Anh, con gái của chị Nguyễn Thanh Thúy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), được cô giáo đánh giá là học sinh giỏi toàn diện. Tuy nhiên, theo chị Thúy, Ngọc Anh mới chỉ giỏi về văn hóa, còn những kỹ năng sống cơ bản con vẫn còn thiếu hụt. Để chuẩn bị hành trang cho con vững tin bước vào cấp 2, chị Thúy quyết định mùa hè năm nay cháu không phải học thêm bất cứ một môn văn hóa nào mà sẽ dành toàn bộ thời gian 3 tháng hè để học kỹ năng sống.

Chị Thúy chia sẻ: “Thật tiếc khi nhà trường chỉ chú trọng dạy văn hoá mà không quan tâm nhiều đến việc dạy kỹ năng sống cho con. Trẻ dù học giỏi nhưng thụ động, không dám giao tiếp trước đám đông còn nguy hiểm hơn cả việc học dốt. Vì vậy, tôi cũng sẽ tìm kiếm một trung tâm đào tạo kỹ năng sống cho con tham gia vào dịp hè này để cháu chuẩn bị bước vào lớp 6”.

Không ít phụ huynh đồng quan điểm, trẻ em thành phố hiện nay giống như gà công nghiệp. Việc học gần như chiếm hết thời gian vui chơi của các em nên các em thiếu hụt những kỹ năng sống cơ bản. Các em hầu như “lệ thuộc” hoàn toàn vào bố mẹ. Hè đến, các em không còn bị áp lực quá nhiều về việc học nên nhiều gia đình quyết định cho con đi học thêm những kỹ năng sống tại các trung tâm. Trong khi một số lại quyết định sẽ cho con về quê, cùng sinh hoạt cảnh con nhà nông cũng sẽ có nhiều trải nghiệm từ cuộc sống.

 

Mê hồn trận chương trình dạy kỹ năng sống

Nắm bắt được nhu cầu rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ em, rất nhiều trung tâm, chương trình đào tạo kỹ năng sống được mở ra. Chỉ cần gõ “học kỹ năng sống” là cho kết quả hàng trăm địa chỉ.

Hầu hết các trung tâm đào tạo kỹ năng sống đều đưa ra những lời quảng cáo hoành tráng kiểu như: Ngay lập tức giúp bạn trở nên tự tin, hoạt bát, hòa đồng; Giúp bạn nhìn ra con đường của mình; Biến bạn thành một con người hoàn toàn khác…  khiến các bậc phụ huynh rất khó lựa chọn nơi phù hợp với con em mình.

Hè năm trước, chị Thanh Minh (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho con trai tham gia học kỳ quân đội, nhưng chỉ được 2 ngày, chị đã phải lên đón cu cậu về vì con bất hợp tác. Cậu con trai nhất quyết không ăn cơm trong nhà ăn nóng bức, không đi vệ sinh vì nhà vệ sinh không tiện nghi như ở nhà... Từ đó đến nay, cậu quý tử nhà chị Minh vẫn luôn rỉ tai mẹ: “Hè này con ở nhà với bà. Con không đi học kỹ năng sống”.

Kinh nghiệm thực tế về các khóa kỹ năng sống trước đây khiến các bậc phụ huynh ngày càng thận trọng trong lựa chọn khóa học, trung tâm học cho con mình. Xem ảnh, giáo trình khóa học, thực đơn ăn uống qua web cũng chưa đủ thuyết phục, nhiều phụ huynh còn yêu cầu các trung tâm đưa lên thực tế cơ sở hạ tầng nơi tổ chức khóa học. Thậm chí, tiếp xúc với các thầy cô giáo dẫn dắt lớp trong suốt khóa học, để tận mắt xem xét, đánh giá chất lượng khóa học có đem lại lợi ích gì cho con em mình không.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phụ huynh cũng không biết con em mình yếu về mảng kỹ năng nào và cần phải cho con rèn luyện ra sao.

Kỹ năng sống hình thành trong cuộc sống

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hồng Lê, Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống, kỹ năng sống chủ yếu được hình thành từ trong chính cuộc sống của trẻ. Một thói quen tốt ở trẻ được hình thành sau 21 lần thực hiện lặp đi lặp lại liên tục. Do vậy với một khóa học 5 - 10 ngày thì rất khó để mà hình thành kỹ năng sống nào đó. Vì thế, cho trẻ tham gia các khóa học kỹ năng sống, phụ huynh chỉ nên xác định "cho con đi cho vui!"

Các lớp học kỹ năng sống hiện nay chia thành những dạng như: Các lớp học tại lớp, dạy theo tính tương tác giữa giáo viên và học sinh. Trung tâm thường tự lên chương trình để dạy cho trẻ. Trẻ được chơi trò chơi trong lớp học và có một số buổi đi dã ngoại ở công viên, bảo tàng…;  Các khóa học kỹ năng sống như một kỳ dã ngoại: Đó là các kỳ học quân đội, các khóa học làm nông dân; Các lớp học kỹ năng sống cụ thể như các lớp học  nấu ăn cho trẻ, lớp học làm MC.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hồng Lê cho rằng, kỹ năng sống thường được hình thành qua sự tương tác, trải nghiệm trong một khoảng thời gian nhất định. Một thói quen hay một kỹ năng nào đó thường được hình thành ở đứa trẻ ít nhất sau 21 lần trẻ thực hành đi thực hành lại. Vì vậy, việc khi cho trẻ tham gia các lớp học kỹ năng sống, bố mẹ cần phải đặt ra câu hỏi: Trẻ cần được vui chơi hay học kỹ năng?

Ở dạng các khóa học kỹ năng sống thứ nhất, học sinh thường chỉ học trong lớp học, chơi đồ chơi và một số thiết bị giáo dục. Trẻ không thực sự được “hành động” thì rất khó để mà hình thành được kỹ năng gì. Mục đích “xả stress” ở các lớp học này cũng không đạt được nhiều vì các em chủ yếu ở trong 4 bức tường của lớp học. Kỹ năng chủ yếu hình thành trong cuộc sống nên trong khi chưa biết chất lượng và hiệu quả của các lớp học kỹ năng sống này, phụ huynh chỉ nên cho trẻ tham gia các khóa học cụ thể như học kỳ quân đội, làm nông dân, học nấu ăn, làm MC…để trẻ được thay đổi không gian sống, được hòa với thiên nhiên, vui chơi và hành động cụ thể. 

KHÁNH VĂN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh