Phòng chống nguy cơ lây nhiễm Covid-19: Nhân viên vui vẻ thu xếp công việc gia đình để trực 21 ngày
- Dược liệu
- 13:05 - 15/05/2021
Kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở mức độ cao
Tại Trung Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội, ngay sau khi có chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Sở LĐ-TB&XH, lãnh đạo Trung tâm đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch. Đặc biệt, từ ngày 8/5, Trung tâm thực hiện chia ca trực kéo dài 21 ngày để tránh nguy cơ lây nhiễm.
Chị Hoàng Thị Tho (nhân viên nuôi dưỡng - Trung Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội) cho biết: "Trong đợt phòng, chống dịch năm 2020 tôi cũng đã xung phong ca trực 14 ngày nên đã có kinh nghiệm thu xếp công việc gia đình để tham gia phòng, chống nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vào Trung tâm. Vì thế, khi Trung tâm có thông báo sẽ bố trí ca trực 21 ngày để đảm bảo an toàn cho các đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm, tôi và các đồng nghiệp sẵn sàng nhận nhiệm vụ".
Chị Tho cũng cho biết, nếu các nhân viên không phải ngày trực được đi làm về trong ngày hay trực ngắn ngày như ngày thường sẽ thuận tiện cho công việc gia đình. Song bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp cũng tiềm ẩn nguy cơ có thể làm lây lan dịch bệnh Covid-19 vào Trung tâm. Trong khi, các cụ già và trẻ nhỏ đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại đây có bệnh nền nên rất cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Nhờ sự thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh cũng như động viên chia sẻ của lãnh đạo Trung tâm, các nhân viên đều vui vẻ thu xếp công việc gia đình để tập trung hoàn thành nhiệm vụ được giao. "Khi nhận được thông báo của lãnh đạo Trung tâm, tôi thu xếp công việc gia đình để hoàn thành ca trực 21 ngày. Bởi tôi cũng xác định được các cụ già và các cháu nhỏ cần chúng tôi bảo vệ khỏi nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh hơn bao giờ hết", chị Nguyễn Thị Hồng (hộ lí - Trung Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội) cho hay.
Bà Trần Thị Hải, Giám đốc Trung Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội cho biết, để phòng chống dịch Covid-19, Trung tâm kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở mức độ cao. Ngoài ra, các cháu nhỏ không đến trường nhưng vẫn được Trung tâm tạo điều kiện về phương tiện, kỹ thuật để các con học online, đảm bảo theo kịp nội dung bài giảng của thầy cô. Cùng với đó, Trung tâm quyết định tăng cường bổ sung dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho các cụ và các cháu. Đồng thời phòng y tế thường xuyên kiểm tra sức khỏe, khám và điều trị kịp thời các bệnh thông thường.
Chung sức, đồng lòng để chặn đứng nguy cơ lây nhiễm Covid-19
Anh Nguyễn Đức Toàn (Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam/dioxin) cho biết, các nhân viên tại đây luôn coi những bệnh nhân đang được chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị tại Trung tâm như những người thân trong gia đình. Họ là nạn nhân của chất độc da cam, cuộc sống của họ vốn đã nhiều thiệt thòi, nhiều tổn thương cần chúng ta bù đắp. Vì thế, khi Trung tâm chia ca trực 21 ngày để phòng, chống Covid-19, các nhân viên vui vẻ thu xếp công việc gia đình để ở lại Trung tâm chăm sóc các bệnh nhân nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối, dịch bệnh Covid-19 không có cơ hội lây nhiễm vào Trung tâm.
Với chị Lê Bích Liên (Phòng Y tế, Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam/dioxin) cho rằng: "Các bệnh nhân của chúng tôi không thể thiếu nhân viên y tế. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chúng tôi càng cần phải kề vai sát cánh đồng hành cùng các bệnh nhân để làm tấm lá chắn kiên quyết bảo vệ không để dịch bệnh có cơ hội lây nhiễm vào Trung tâm. Bởi họ cần chúng tôi hơn bao giờ hết".
Hết giờ tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân, chị Đào Thị Thủy (Phòng Nuôi dưỡng và phục hồi chức năng, Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam/dioxin) lại tất bật cùng các đồng nghiệp chuẩn bị bữa ăn cho các bệnh nhân. Đối với các bệnh nhân nặng, chị bón từng thìa cơm, bát cháo. Có những bệnh nhân đặc biệt nặng, các chị phải thay tã, tắm rửa thường xuyên…
Hàng ngày, kỹ thuật viên Nguyễn Thị Hằng - Trung tâm Phục hồi chức năng Việt Hàn cần mẫn luyện tập phục hồi chức năng cho các con. Nay để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19, cô Hằng ở lại Trung tâm cùng các con. Hết giờ tập phục hồi chức năng, cô lại cùng các cô nuôi dưỡng bón cơm, vệ sinh cá nhân, tắm giặt cho bọn trẻ.
Cô Nguyễn Thúy Hương (phụ trách lớp tiền học đường) trước đây sáng đi làm, tối về nhà. Tuy nhiên, khi có sự chỉ đạo phòng chống dịch ở mức cao nhất, cô Hương ở lại Trung tâm, "cùng ăn, cùng dạy học, cùng ở" với các con. Khi ở lại Trung tâm 21 ngày không về nhà, sinh hoạt của gia đình cô Hương không tránh khỏi những xáo trộn. Khi được lãnh đạo Trung tâm phân công ở lại trực 21 ngày, cô Hương cùng các các đồng nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành. "Để đảm bảo an toàn phòng tránh nguy cơ lây cho các con đang nuôi dưỡng tại Trung tâm chúng tôi phải ở lại. Hy vọng, 21 ngày ở lại Trung tâm của chúng tôi thật sự có ý nghĩa trong công tác phòng, chống nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Mong dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi để cuộc sống lại quay về như trước", cô Hương chia sẻ.
Các em nhỏ nhiễm HIV vốn đã suy giảm sức đề kháng và hệ miễn dịch cần được chăm sóc đặc biệt nghiêm ngặt cả về dinh dưỡng, vệ sinh và uống thuốc thì nay càng cần được bảo vệ hơn.
Ông Phạm Đình Giang, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội, nơi đang nuôi dưỡng 70 trẻ nhiễm HIV cho biết: "Chúng tôi thực hiện nghiêm việc phòng dịch để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em, người cai nghiện ma túy cũng như cán bộ, nhân viên của Cơ sở. Trong ca trực 21 ngày này, đảm bảo "nội bất xuất, ngoai bất nhập". Với phương châm "phòng hơn chống", cán bộ, nhân viên cũng như các học viên, các cháu nhỏ đều ủng hộ với quyết tâm không để Covid-19 có cơ hội xâm nhập. Bởi các trẻ em và học viên cai nghiện ma túy đều có bệnh lý nền, sức đề kháng rất yếu. Sau khi nhận được thông báo diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của các cấp, ngành trong công tác phòng dịch, các cán bộ, nhân viên đều ý thức được trách nhiệm của mình".