Phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ trọng tâm, được triển khai quyết liệt
- Tây Y
- 06:51 - 23/07/2022
Đây là thông tin được đưa ra tại Lễ ký “Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” giữa các Bộ: LĐ-TB&XH, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 18/7/2022.
Nhiều nguyên nhân làm gia tăng nạn mua bán người
Thông tin tại buổi Lễ cho thấy, những năm gần đây, tình hình nạn nhân bị mua bán ngày càng có xu hướng tăng trên toàn cầu.
Tội phạm mua bán người thường hoạt động dưới băng đảng thông qua các mối quan hệ phức tạp ở nhiều quốc gia với thủ đoạn ngày càng tinh vi, được che đậy dưới vỏ bọc là những tình nguyện viên trong các trại tị nạn, cơ sở y tế tư nhân, công ty xuất khẩu lao động, môi giới hôn nhân hoặc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận, dụ dỗ, bắt cóc nạn nhân lừa bán ra nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, có nhiều nguyên nhân làm gia tăng nạn mua bán người như: Tình trạng di cư, phân hóa giàu nghèo, bất ổn kinh tế, chính trị, thiên tai, dịch bệnh; các nền tảng kỹ thuật số đã đang tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm mua bán người; hay hội nhập toàn cầu cũng tạo cơ hội cho những kẻ mua bán người đưa dẫn nạn nhân qua biên giới một cách dễ dàng, dưới danh nghĩa hợp tác làm ăn, thăm thân, du lịch...
Gần đây, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu tìm việc làm để ổn định đời sống của một bộ phận quần chúng nhân dân gặp khó khăn.
“Đây chính là điều kiện thuận lợi để các đối tượng triệt để lợi dụng lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân ra nước ngoài để mua bán”, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nói.
Đồng thuận, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, tội phạm mua bán người xảy ra ở hầu hết các địa bàn từ thành thị, tới nông thôn hay vùng sâu, vùng xa..
Phương thức thủ đoạn cũng rất tinh vi, núp bóng trá hình dưới nhiều hình dạng như: “cho nhận con nuôi”, “kết hôn có yếu tố nước ngoài”, “đẻ thuê”, “cho, hiến tạng”, “xuất khẩu lao động”, “vượt biên trái phép lao động tự do”…
Theo Thứ trưởng Bộ Công an, nạn nhân bị bán ra nước ngoài chủ yếu là sang các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam (80%). Số còn lại sang một số nước bằng đường bộ, đường không và đường biển nên công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra xử lý còn gặp nhiều khó khăn trở ngại.
Trước tình hình trên, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã chủ động tham mưu ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách pháp luật, chương trình, kế hoạch về phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng.
“Qua đó, từ năm 2011 đến nay, lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ cho hàng nghìn nạn nhân bị mua bán. 100% nạn nhân sau khi tiếp nhận được lực lượng chức năng và chính quyền địa phương phối hợp bảo vệ, tổ chức bàn giao, cung cấp thông tin và thực hiện dịch vụ hỗ trợ”, ông Trần Quốc Tỏ thông tin.
Khẳng định nỗ lực và quyết tâm chung
Vì thế, việc xây dựng Quy chế trong bối cảnh tội phạm mua bán người trên toàn thế giới và tại Việt Nam ngày càng phức tạp, theo Thứ trưởng Bộ Công an, “là rất đúng đắn và kịp thời. Quy chế phối hợp là cơ sở để phối hợp toàn diện hơn, thường xuyên hơn, hiệu quả hơn đối với công tác này”.
Trước tình hình tội phạm mua bán người có những diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ trọng tâm và được triển khai quyết liệt.
“Bên cạnh đó, Việt Nam luôn là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Công ước Liên hợp quốc, Công ước ASEAN, Nghị định thư và các Hiệp định hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước liên quan về phòng, chống mua bán người”, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.
Qua gần 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội và cộng đồng, cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, công tác phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng nói riêng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; xây dựng, hoàn thiện pháp luật; hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người cũng không ngừng được tăng cường và thực hiện hiệu quả.
Qua đó, góp phần giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ hàng trăm nạn nhân bị mua bán hồi hương, tái hòa nhập cộng đồng; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.
Đồng thời, không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế, nhất là các nước trong khu vực và có đông nạn nhân là người Việt Nam bị mua bán nhằm tranh thủ các nguồn lực cho công tác này và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, giải cứu nạn nhân bị mua bán.
Thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Chính phủ Việt Nam
Đánh giá cao nỗ lực và sự tích cực của Bộ LĐ-TB&XH trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ xây dựng và hoàn thiện Quy chế phối hợp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, trong quá trình triển khai các chương trình phòng, chống mua bán người, Bộ Ngoại giao thường xuyên chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo dõi sát tình hình công dân Việt Nam tại địa bàn;
Kịp thời phối hợp với cơ quan trong nước và sở tại để xác minh, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ, đưa nạn nhân về nước cũng như tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong đề xuất các giải pháp phòng, chống mua bán người, bao gồm việc phòng ngừa mua bán người trong di cư quốc tế.
Ông Bùi Thanh Sơn bày tỏ mong muốn “cả 4 bộ cùng phối hợp chặt chẽ, kịp thời để thực hiện Quy chế phối hợp một cách hiệu quả, thực chất và đồng bộ. Qua đó góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi bên”.
Chia sẻ với phát biểu của Lãnh đạo các bộ, bà Park Mi-Hyung, Trưởng Phái đoàn đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam cho rằng, việc ban hành Quy chế phối hợp là nỗ lực rất đáng ghi nhận của các cơ quan chức năng Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân.
Bà Park khẳng định, sự hiện diện đông đủ của Lãnh đạo các bộ tại buổi Lễ ký kết Quy chế phối hợp là thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Chính phủ Việt Nam trong phòng, chống mua bán người, bảo vệ quyền và lợi ích của nạn nhân bị mua bán.
Kịp thời tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Thời gian qua thực hiện chương trình phòng, chống mua bán người, Nghị định số 20/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội, các cơ sở trợ giúp xã hội trên cả nước đã kịp thời tiếp nhận, hỗ trợ khẩn cấp cho hàng trăm nạn nhân bị mua bán.
Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, một số cơ sở, địa chỉ đã được thành lập với chức năng hỗ trợ nạn nhân như: Nhà Nhân ái tại Lào Cai và An Giang; Ngôi nhà bình yên, thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển đã và đang triển khai rất hiệu quả”.
Công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã có sự phối hợp rất chặt chẽ của các Bộ: LĐ-TB&XH, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng: “Với vai trò thường trực của ngành Công an và sự vào cuộc các Bộ, các ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ, phối hợp của các tổ chức quốc tế, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân”.