CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:51

4 Bộ ký Quy chế phối hợp tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ trọng tâm và được triển khai quyết liệt.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ trọng tâm và được triển khai quyết liệt.

Chiều tối ngày 18/7/2022, Lễ ký “Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” giữa các Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, và Bộ Ngoại giao (sau đây gọi chung là các Bộ) đã diễn ra tại Hà Nội.

Tham dự lễ ký kết có Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ Công an cùng nhiều đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, Tổ chức quốc tế…

Nhiệm vụ trọng tâm và được triển khai quyết liệt

Thông tin tại Lễ ký Quy chế phối hợp cho thấy, những năm gần đây, tình hình nạn nhân bị mua bán ngày càng có xu hướng tăng trên toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, việc tổ chức ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giữa các Bộ trên nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của các bộ đối với công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Nhất là việc tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ lấy nạn nhân là trung tâm, vì quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán, góp phần thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 9-2-2021 phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Việc ban hành Quy chế phối hợp là một bước đi hết sức kịp thời

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Việc ban hành Quy chế phối hợp là một bước đi hết sức kịp thời

Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam luôn coi công tác phòng, chống mua bán người “là một nhiệm vụ trọng tâm và được triển khai quyết liệt”.

Bên cạnh việc thực thi các quy định của pháp luật, Chính phủ còn ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch nhằm thúc đẩy thực thi tốt hơn các vấn đề về phòng, chống mua bán người.

Đặc biệt, Việt Nam luôn là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Công ước Liên hợp quốc, Công ước ASEAN, Nghị định thư và các Hiệp định hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước liên quan về phòng, chống mua bán người.

“Qua gần 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội và cộng đồng, cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, công tác phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng nói riêng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Đánh giá công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã có sự phối hợp rất chặt chẽ của các Bộ: LĐ-TB&XH, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, tuy nhiên theo ông Dung, phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân là công tác rất phức tạp, liên quan đến nhiều lực lượng, nhiều quốc gia. Phương thức hoạt động của tội phạm rất tinh vi và xảo quyệt.

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Lễ ký Quy chế phối hợp

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Lễ ký Quy chế phối hợp

Do đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, các bộ ngành cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc ngành triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ tại quy chế.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người; tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30-7” và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30-7”;

Phối hợp tổ chức các chiến dịch truyền thông tại các địa bàn trọng điểm; nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân, câu lạc bộ phòng, chống mua bán người hoạt động hiệu quả; lồng ghép và truyền tải thông điệp phòng, chống mua bán người vào các chương trình công tác của các ngành.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả, chất lượng nghiệp vụ công tác tiếp nhận, xác minh, các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về theo quy định của pháp luật; tăng cường hợp tác quốc tế; hoàn thiện hành lang pháp lý về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân.

3

Ban hành quy chế phối hợp là một bước đi hết sức kịp thời

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, có nhiều nguyên nhân làm gia tăng nạn mua bán người, như: tình trạng di cư, phân hóa giàu nghèo, bất ổn kinh tế, chính trị, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; sự phát triển không gian mạng và các nền tảng kỹ thuật số đã đang tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm mua bán người; chính sách mở cửa, hội nhập toàn cầu tạo cơ hội cho những kẻ mua bán người di chuyển và đưa dẫn nạn nhân qua biên giới một cách dễ dàng, an toàn dưới danh nghĩa hợp tác làm ăn, thăm thân, du lịch.

Ông Sơn nhấn mạnh, gần đây do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu tìm việc làm để ổn định đời sống của một bộ phận quần chúng nhân dân gặp khó khăn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các đối tượng triệt để lợi dụng lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân ra nước ngoài để mua bán.

Trong bối cảnh đó, theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, việc ban hành quy chế phối hợp có thể nói là một bước đi hết sức kịp thời, nhằm nâng cao công tác bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

“Quy chế đã được quy định cụ thể các nội dung phối hợp rất cần thiết như cơ chế chia sẻ, cung cấp, báo cáo thông tin và giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai công tác tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân”, ông Sơn nêu.

Quang cảnh Lễ Ký kết

Quang cảnh Lễ Ký kết

Cũng tại buổi Lễ, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá nội dung chặt chẽ phù hợp giữa lý luận và thực tiễn.

Việc ký kết quy chế là cơ sở quan trọng để phối hợp toàn diện hơn, thường xuyên hơn, chặt chẽ hơn để đem lại hiệu quả tốt hơn đối với công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trong thời gian tới, đáp ứng được lòng mong mỏi và kỳ vọng của nhân dân cả nước.

“Điều này cũng thể hiện sự cam kết, nỗ lực của Chính phủ trong công tác phòng, chống mua bán người với bạn bè quốc tế”, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ nói.

Với vai trò là thường trực Chương trình Phòng, chống mua bán người của Chính phủ, ngay sau lễ ký kết, Bộ Công an sẽ khẩn trương chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng thuộc Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể.

“Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hội ban, ngành, địa phương tham mưu bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý của thiết cho công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán theo nguyên tắc “lấy nạn nhân là trung tâm”, nhất là trong quá trình tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống mua bán người”, Thứ trưởng Bộ Công an nhân mạnh thêm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng bày tỏ tin tưởng rằng với vai trò thường trực của ngành Công an và sự vào cuộc các Bộ, các ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ, phối hợp của các tổ chức quốc tế, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân.

Quy chế gồm 3 chương và 15 điều, quy định nguyên tắc, hình thức, nội dung, trách nhiệm phối hợp giữa các Bộ: LĐ-TB&XH, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Theo quy chế, các bên sẽ cùng tổ chức các đoàn liên ngành để thực hiện việc tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, giải quyết các vấn đề phát sinh đột xuất và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Bốn bộ sẽ cùng nhau xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án, chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Quy chế quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng ngành trong việc tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân; tiếp nhận nạn nhân bị mua bán, bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân thích của họ; hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại cho nạn nhân; kiểm tra, thực hiện các biện pháp tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ; thống kê, báo cáo về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân.

Thanh Nhung - Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh