CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:15

Phòng chống dịch Covid-19: Phải quyết liệt, khẩn cấp, tranh thủ từng giờ, từng phút

Tập trung tiền để mua và sản xuất vaccine trong nước

Tham gia thảo luận tại Hội trường về kinh tế - xã hội, chiều ngày 25/7, đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng, trước yêu cầu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, thì việc đầu tư mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế kịp thời, hiệu quả là "nhiệm vụ quan trọng, cấp bách".

Tuy nhiên, theo ông Hoàn, trên thực tế đang có những vướng mắc về mặt pháp lý, đồng thời xuất hiện tâm lý sợ trách nhiệm, trông chờ dựa vào cấp trên của một bộ phận cán bộ chủ trì ở những cấp có quyết định đầu tư mua sắm trực tiếp. 

Ông lo ngại, chưa kể sẽ xuất hiện các tình huống phát sinh có thể phức tạp hơn nữa.

Phòng chống dịch Covid-19: Phải quyết liệt, khẩn cấp, tranh thủ từng giờ, từng phút - Ảnh 1.

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (đoàn Hải Dương)

"Mặc dù Chính phủ đã ra nghị quyết, chỉ thị liên quan đến phòng, chống dịch Covid, nhưng dưới góc độ quản lý nhà nước, các quy định chỉ đạo của Chính phủ vẫn chưa đủ mạnh. Quy trình, thủ tục vẫn còn những độ trễ lớn", đại biểu nói và đánh giá trong bối cảnh đó, Quốc hội đã thể hiện sự đồng hành với Chính phủ bằng Nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng, chống dịch. "Tôi hoàn toàn nhất trí".

Cũng theo đại biểu, do tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, dù chúng ta kiên định thực hiện "mục tiêu kép" nhưng có thể thấy rõ sản xuất, kinh doanh rất khó khăn. Ông Hoàn quan ngại, nguồn thu ngân sách không vững chắc, có thể suy giảm không chỉ năm nay mà còn cả những năm sau.

"Do vậy, rất cần sự tiết kiệm chi ngân sách" và đề nghị cần tính toán để tiết kiệm tối đa các khoản chi thường xuyên chưa cần thiết, giảm thiểu hội họp, hội thảo, đi công tác đông người, tạm dừng các dự án đầu tư công chưa thiết thực, không trọng điểm… để tập trung các nguồn tiền phục vụ cho cuộc chiến phòng, chống dịch.

Đó là, tập trung tiền để mua vaccine cũng như sản xuất vaccine trong nước. Bố trí đủ kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế cho hệ thống phòng, chống dịch bệnh toàn quốc, bao gồm các bệnh viện, các trung tâm y tế từ Trung ương đến các xã, phường, các cơ sở quân y và y tế công an các cấp, tạo thành thế trận phòng, chống dịch Covid-19 toàn diện, phủ kín cả nước", ông Bùi Sỹ Hoàn nói.

Phải cung ứng đủ thực phẩm cho người dân vùng dịch

Thêm nữa, về sản xuất và lưu thông lương thực, thực phẩm, nông sản thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, bày tỏ lo ngại TP. Hồ Chí Minh là một thực trạng, đại biểu đoàn Hải Dương đề nghị cần phải kết hợp những chuỗi sản xuất và lưu thông sản phẩm nông nghiệp đến các đô thị và các vùng dịch. Bảo đảm việc vận chuyển nông sản, thực phẩm nhanh nhất, ngắn nhất, hiệu quả nhất.

Ngoài ra, ông Hoàn cũng đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét báo cáo của Chính phủ về việc xuất khẩu gạo phải đảm bảo an ninh lương thực trong tình huống xấu nhất.

Về mối lo ngại việc cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân còn rất lúng túng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên (đoàn Hải Phòng) cho biết, do tính chất, thời điểm của làn sóng dịch thứ 4 với biến chủng delta lây lan nhanh, nên các địa phương mặc dù cảnh giác cao, có kinh nghiệm của đợt giãn cách trước nhưng vẫn bị động, lúng túng ở giai đoạn đầu.

Vì thế, Bộ trưởng Công Thương giải thích khâu chống dịch cũng như "cung ứng hàng hóa thiết yếu cho dân ở vài ngày đầu đều gặp khó khăn, thiếu hàng hóa cục bộ".

Cùng với đó, đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu chuyển, hệ thống phân phối cũng bất cập, trong khi hầu hết các chợ truyền thống, chợ đầu mối đều bị đóng cửa do chưa có biện pháp an toàn, các hình thức phân phối khác thì chưa có kinh nghiệm.

Nhưng ngay sau khi có chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia và rút kinh nghiệm trong sự phối hợp giữa các ngành, ông Diên thông tin, tình hình cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu được cải thiện.

"Vì thế, cơ bản không còn hiện tượng thiếu hàng, người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ, giá cả tương đối ổn định, tuy có tăng một chút, ít nhất là sản phẩm rau quả, nhưng việc đó là tất yếu", ông Diên giải thích.

Dự báo dịch có thể còn tiếp tục bùng phát, kéo dài ở các địa phương, thậm chí lan sang các địa phương khác, vì vậy Bộ Công Thương đề nghị ngành nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là đồ tươi sống, rau củ quả ở cả địa phương có dịch và những vùng đệm cũng như cả nước để sẵn sàng cung ứng.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý, các ngành giao thông, công an, y tế, chính quyền các địa phương, nhất là những địa phương trong vùng dịch "không đặt ra những điều kiện khác và áp dụng máy móc các quy định".

Cũng như tiếp tục rà soát, khẩn trương hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối hàng thiết yếu để có thể dự trữ ngay trên địa bàn từ 10 - 15 ngày, tương ứng với thời gian giãn cách.

"Đồng thời chấn chỉnh mạnh mẽ khâu phân phối thông qua siêu thị, chợ truyền thống, chợ dân sinh và các chợ đầu mối, với điều kiện mà Bộ Công Thương và y tế đã giao; phát triển các loại hình thương mại như: bán hàng lưu động thương mại điện tử từ xa", ông Diên lưu ý.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh