Phối hợp hiệu quả trong tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
- Dược liệu
- 06:38 - 29/07/2023
Ngày 28/7 tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) phối hợp với Tổ chức di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị “Sơ kết đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Chương trình phòng chống mua bán người hợp phần hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”.
Làm quyết liệt
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán theo Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 9/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030, Quyết định số 525/QĐ-LĐTBXH ngày 05/5/2021 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về ban hành Kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2023.
Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, công tác phòng chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân nói riêng trong bối cảnh hiện nay được dự báo còn nhiều thách thức.
Tội phạm mua bán người thường hoạt động dưới các băng đảng thông qua các mối quan hệ phúc tạp ở nhiều quốc gia, với những thủ đoạn tinh vi, được che đậy dưới vỏ bọc là tình nguyện viên trong các trại tị nạn, các cơ sở y tế tư nhân, các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và thông qua các nển tảng kỹ thuật số để tiếp cận, dụ dỗ, bắt cóc các nạn nhân.
Vì vậy, bà Nguyễn Thùy Dương cho hay, Đảng, Nhà nước ta đã xác định phòng chống mua bán người là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa loạt tội phạm này.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy thực thi tốt hơn nữa vấn đề này mà trực tiếp là Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030.
Báo cáo của Cục PCTNXH cho biết, việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình Phòng, chống mua bán người hợp phần hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đến nay đã đạt nhiều kết quả tích cực, như: Hệ thống văn bản chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức được tập trung triển khai; chú trọng tập huấn nâng cao năng lực; công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân được triển khai hiệu quả; và thúc đẩy mạnh sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã quan tâm chỉ đạo công tác phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Chúng ta đã làm quyết liệt, thu được những kết quả đáng khích lệ: làm tốt công tác truyền thông nâng cao nhận thức, nhất là đối với nhóm có nguy cơ cao; nhiều vụ mua bán người được triệt phá; nhiều nạn nhân của tội phạm mua bán người được giải cứu và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng…
Để tăng cường hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, trong năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Đạt nhiều kết quả tích cực
Số liệu của Cục PCTNXH cũng cho thấy, thống kê từ Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố từ năm 2021 đến hết tháng 6/ 2023, số người được tiếp nhận, xác minh là 741 người, xác định 447 người là nạn nhân bị mua bán, trong đó 100 người bị mua bán trong nước, và 347 người bị bán ra nước ngoài. Trong số đó, có đến 260 nạn nhân là nữ và 187 nạn nhân là nam.
Theo đó, các tỉnh, thành phố đã hỗ trợ được 417 nạn nhân, trong đó 213 nạn nhân được bảo vệ an toàn, 343 nạn nhân được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, 273 nạn nhân được hỗ trợ , 273 nạn nhân được hỗ trợ chi phí đi lại, 184 nạn nhân được hỗ trợ y tế, 101 njan nhân được hỗ trợ pháp lý, 233 người được hỗ trợ tâm lý, 69 nạn nhân được trợ cấp khó khăn ban đầu, 18 nạn nhân được hỗ trợ vay vốn, và 18 nạn nhân được hỗ trợ việc làm.
Đại diện đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cam kết, sẽ tăng cường phối hợp thông qua các cơ chế đối tác song phương, đa phương, hỗ trợ xây dựng chương trình hành động để thực hiện tốt được các khuyến nghị về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo cho các lực lượng như Bộ đội Biên phòng, Bộ Công an, lực lượng tuyến đầu ngăn chặn mua bán người qua biên giới, các trung tâm hỗ trợ để giải quyết các vấn đề về sang chấn tâm lý cho nạn nhân mua bán người.
Cũng tại Hội nghị, đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp liên bộ của Việt Nam, thể hiện cam kết mạnh mẽ của các bên trong việc chung tay giải quyết vấn đề này.
Đảm bảo quyền của nạn nhân, “lấy nạn nhân làm trung tâm”
Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2023, ông Nguyễn Hải Hòa, đại diện Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công An) cho biết, đến nay đã chỉ đạo tăng cường triển khai các biện pháp công tác phòng chống mua bán người nội địa; Ban hành, tổ chức thống kê số liệu mua bán người. Hiện đang lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Số liệu của Bộ Công an cũng cho thấy, có 88 vụ buôn người bị phát hiện, điều tra trong nửa đầu năm 2023. Nhiều đường dây mua bán người bị triệt phá và đưa ra xét xử trước pháp luật. Loại hình tội phạm mua bán người thường hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
“Bên cạnh đó, công tác xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được các Bộ, ngành, Trung ương và địa phương đặc biệt quan tâm, phối hợp thực hiện, đảm bảo quyền của nạn nhân theo nguyên tắc “lấy nạn nhân làm trung tâm”. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ LĐ-TB&XH đã ký kết, triển khai Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”, ông Hòa thông tin.
Với công tác tiếp nhận, chuyển tuyến và phối hợp Bộ LĐ-TB&XH trong hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, ông Lê Quang Nguyên, chuyên viên Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng cho biết, lực lượng Bộ đội Biên phòng từ năm 2021 đến nay các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã đấu tranh 24 chuyên án mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi, xử lý 135 vụ/69 đối tượng, liên quan đến 209 nạn nhân.
Riêng 6 tháng đầu năm 2023, Bộ đội Biên phòng đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng phát hiện, điều tra, xử lý tổng số 10 vụ việc nghi vấn mua bán người từ Việt Nam ra nước ngoài; xác lập đấu tranh 06 chuyên án. Bắt giữ, xử lý 27 vụ/25 đối tượng/ 47 nạn nhân, (tăng so với cùng kỳ 2022); khởi tố 6 vụ, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố bị can 5 vụ.
Về công tác tiếp nhận, chuyển tuyến và phối hợp với ngành LĐ-TB&XH trong hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã thực hiện hiệu quả một số mặt đảm bảo công tác tiếp nhận, chuyển tuyến và hỗ trợ nạn nhân… làm cơ sở chuyển tuyến đến Trung tâm công tác xã hội/ Cơ sở bảo trợ xã hội của ngành LĐ-TB&XH; Ngôi nhà Bình yên; hoặc các tổ chức NGO để tiếp tục hỗ trợ hoặc chuyển tuyến về đoàn tụ vói gia đình theo nguyện vọng của nạn nhân.
Ông Lê Quang Nguyên khẳng định: “Sự phối hợp tích cực đó đã đem lại hiệu quả cao nhất trong hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về”.