CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:08

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh “trấn an” việc vay nợ 3 tỷ USD

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội sáng 24/10.

Bên hành lang Quốc hội ngày 24/10, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trả lời câu hỏi của báo chí về việc đề xuất phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế của Chính phủ khiến cử tri lo ngại về việc nợ chưa trả hết lại tiếp tục vay mới trong khi áp lực nợ công đã gần đến ngưỡng.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phân tích, nếu muốn giảm ngay nợ công, đơn giản nhất chỉ có không vay nợ nữa. Tuy nhiên, điều kiện của Việt Nam mấy chục năm qua đặt nhà nước trước bài toán vừa phải huy động nội lực vừa phải tận dụng ngoại lực để phát triển, thoát nghèo. Các khoản vay nợ về, theo đó, được quy định chỉ để đầu tư, không vay cho việc chi thường xuyên. Các công trình, dự án lớn vay tiền về đầu tư và khai thác tốt, trả nợ được.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ rõ, không quốc gia nào không phải đi vay và vay để tái cơ cấu nợ được pháp luật cho phép, ví dụ với những khoản vay lãi suất cao trước đây, dù giờ chưa đến hạn nhưng lại vay được những khoản thấp hơn thì nhà nước dùng khoản đó để “đảo nợ”. Nguyên tắc là việc gì đảm bảo lợi ích quốc gia thì được làm.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc phát hành trái phiếu quốc tế xu hướng là vay dài hạn chứ không phải ngắn hạn. Và việc vay là để đầu tư tạo ra sản phẩm, để có tiền trả nợ chứ không phải vay đầu tư bừa bãi hay dùng vào chi thường xuyên.

“Con số nợ công cao hay thấp không phải vấn đề. Kể cả anh vay thấp mà không trả được, đầu tư không hiệu quả vẫn vỡ nợ như thường” - Phó Thủ tướng nêu quan điểm.

Về vấn đề báo cáo GDP tăng vượt chỉ tiêu nhưng ngân sách lại hụt thu lớn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giải thích, nguyên nhân đầu tiên là giá dầu giảm quá mạnh so với dự kiến. Lúc đầu, ngân sách dự toán giá khoảng 100 USD/thùng nhưng thực tế bình quân chỉ còn một nửa. Bên cạnh đó, thu từ nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng theo giá thị trường nên giảm theo.

Tổng cộng các khoản thu liên quan đến dầu thô trong năm 2015 giảm 63.000 tỷ đồng.

Nguồn thu thứ hai không tăng, thậm chí còn giảm do lộ trình hạ thuế để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo kế hoạch trong giai đoạn 2015-2020 thuế suất giảm từ 25% xuống 22% rồi 20%, nhưng vì khó khăn nên phải hạ nhanh hơn.

Chính sách này vừa hỗ trợ, vừa nuôi dưỡng nguồn thu nhưng cần độ trễ, có thể mất tới 5 năm để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, có lãi. Lúc đó ngân sách mới có thu.

Theo Phó Thủ tướng, đó là những yếu tố căn bản lý giải tại sao tăng trưởng GDP cao mà thu ngân sách lại thấp.

Tuy nhiên, điểm lành mạnh trong việc thu ngân sách năm nay là nỗ lực của các địa phương. Tổng thu ngân sách tăng, chủ yếu nằm ở phần tăng nội địa của các địa phương. Chuyển biến cơ cấu thu đang dần trở nên bền vững, bởi nguồn từ nội địa luôn căn cơ, chắc chắn.

Theo báo cáo, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng (tăng 1,8% so với dự toán và tăng 7,4% so với ước thực hiện 2014). Tăng thu chủ yếu của ngân sách địa phương (khoảng 47.700 tỷ đồng), còn ngân sách trung ương hụt thu 31.300 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phân tích, trước kia nguồn thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu rất lớn, lên tới vài chục phần trăm GDP thì nay chỉ còn vài phần trăm. Tín hiệu tích cực này xóa đi những lo ngại về biến động giá dầu, vốn có tác động khủng khiếp tới nền kinh tế Việt Nam như vài năm trước đây.

Phó Thủ tướng khẳng định, các kịch bản thu ngân sách đã được tính toán từ đầu năm. Diễn biến đến cuối 2015 hoàn toàn không ngoài dự tính. “Cũng không nên quá lo lắng ngân sách bị đảo lộn, bởi nếu ngân sách Trung ương hụt thì địa phương đã tăng lên. Để đảm bảo cân đối thì giảm nguồn điều tiết từ Trung ương” – Phó Thủ tướng trấn an.

Theo P.Thảo/Dân Trí

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh