CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:17

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: "Đây là thời điểm vàng thúc đẩy hợp tác Việt Nam- Thụy Điển"

Công chúa kế vị Victoria Ingrid Alice Desiree và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đồng chủ trì Hội nghị. 

 

Năm 2019, Việt Nam và Thụy Điển đánh dấu chặng đường 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Chương trình Hội nghị Thượng đỉnh Việt Nam Thụy Điển là sự kiện trong chuỗi sự kiện kỷ niệm tình hữu nghị hợp tác bền chặt giữa hai quốc gia. Bên cạnh sự có mặt của lãnh đạo 50 Công ty hàng đầu Thụy Điển, còn có các cơ quan, tổ chức hỗ trợ thương mại thuộc team Sweden do Bộ trưởng Thương mại Thụy Điển Ann Linde dẫn đầu. Đoàn doanh nghiệp cũng có sự góp mặt của các quan chức cấp cao của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Thụy Điển và Viện Thụy Điển. 

Chủ đề của hội nghị lần này tập trung về hợp tác phát triển bền vững; thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước cũng như khả năng đóng góp của các công ty của Thụy Điển, với kinh nghiệm và giải pháp có thể đem lại những lợi ích gì cho Việt Nam. Các phần thảo luận xoay quanh các chủ đề quan trọng hai bên cùng quan tâm, bao gồm đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, phát triển thành phố thông minh, y tế và giáo dục…

Phát biểu khai mạc hội nghị, Công chúa kế vị Vương quốc Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Désirée cho biết, năm 2019 đánh dấu 50 năm mối quan hệ, ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển. Hai nước đã phát triển một mối quan hệ lâu dài và bền vững, mối quan hệ dựa trên niềm tin và tôn trọng lẫn nhau.

Sự kiện lần này với sự tham sự của đoàn thương mại lớn nhất của Thụy Điển, với 50 công ty hàng đầu cho thấy, có rất nhiều cơ hội để tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa các doanh nghiệp hai quốc gia.  

"Tôi là người rất ủng hộ cho mục tiêu phát triển của Liên Hợp quốc (LHQ), Việt Nam đã cam kết đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của LHQ. Tôi rất lạc quan rằng, diễn đàn này sẽ đóng góp thực hiện tiềm năng hợp tác đó, nhất là mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ mà Việt Nam đã cam kết đạt được".

 

Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree phát biểu tại Hội nghị


Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm  Bình Minh khẳng định: “Trong nửa thế kỷ qua, quan hệ hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển đã trải qua nhiều thử thách và không ngừng phát triển. Chúng tôi luôn trân trọng sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Thụy Điển cho công cuộc thống nhất đất nước và phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam, giúp Việt Nam sớm hoàn thành nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc”.

Nhiều công trình do Thụy Điển giúp xây dựng đã trở thành biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai dân tộc như Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội, Nhà máy giấy Bãi Bằng, Bệnh viện Uông Bí.

Ngày nay, quan hệ hai nước đã bước sang giai đoạn mới dựa trên nền tảng đối tác bình đẳng. Thụy Điển là đối tác quan trọng và tin cậy của Việt Nam trong Liên minh Châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại hai nước liên tục tăng trưởng tốt, năm 2018 đạt 1,5 tỷ USD. Hiện Thụy Điển có 67 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký 364 triệu USD, đứng thứ 34/130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn của Thụy Điển đang kinh doanh thành công tại Việt Nam như ABB, Ericsson, Volvo, Tetra Pak, Electrolux…

Các tên tuổi như H&M, Spotify, Skype hay IKEA đang trở nên rất quen thuộc với người Việt Nam. Có thể nói, về tổng thể, quan hệ thương mại - đầu tư Việt Nam - Thụy Điển ngày càng phát triển sâu rộng.

"Tuy nhiên, hợp tác giữa hai nước còn nhiều tiềm năng và đây là thời điểm vàng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương nói chung và hợp tác kinh tế, thương mại – đầu tư giữa hai nước nói riêng. Chính vì vậy, tôi hoan nghênh việc tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Điển và vui mừng nhận thấy Diễn đàn thu hút đông đảo đại diện các doanh nghiệp của Việt Nam - Thụy Điển tham gia.", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cho biết, Việt Nam tự hào được đánh giá là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng vượt trội trong khu vực Đông Nam Á. Nền kinh tế Việt Nam đang được cải thiện theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn, hệ thống pháp luật, chính sách ổn định, minh bạch hơn và sẽ tiếp tục là điểm đến thu hút được nhiều nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới nói chung, cũng như từ EU và Thụy Điển nói riêng.

Việt Nam mong muốn hợp tác, học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia giàu kinh nghiệm, các tập đoàn công nghệ hàng đầu để bắt nhịp được với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang từng ngày, từng giờ  lan tỏa vào từng khía cạnh của đời sống. Thụy Điển có lợi thế lớn là sở hữu những kinh nghiệm phát triển hàng trăm năm với nhiều tập đoàn có tên tuổi như Ericsson, Volvo, ABB, Electrolux, IKEA, Husqvarna, H&M, Tetra pak´s… và đó là điều mà Việt Nam muốn tranh thủ, học hỏi và hợp tác với Thụy Điển.

"Bên cạnh đó, tôi cho rằng hợp tác kinh tế Việt Nam – Thụy Điển là phù hợp với xu thế tự do hóa thương mại, phù hợp với nền tảng liên kết kinh tế chặt chẽ của Châu Âu và sự phát triển năng động của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương", Phó Thủ tướng nói.

Việt Nam ủng hộ thương mại tự do, tôn trọng luật pháp quốc tế và các thể chế thương mại đa phương, là thành viên tích cực của Cộng đồng kinh tế ASEAN với một thị trường hơn 600 triệu dân. Việt Nam đang tham gia và gắn kết chặt chẽ với các nền kinh tế khu vực và toàn cầu, nhất là triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Tôi tin rằng, các doanh nghiệp Thụy Điển có mặt tại đây ngày hôm nay đều hào hứng đón đầu những cơ hội mà EVFTA mang lại. Với tinh thần đó, tôi đề nghị Chính phủ và các doanh nghiệp Thụy Điển tiếp tục tác động và có tiếng nói mạnh mẽ để thúc đẩy sớm ký kết và phê chuẩn EVFTA, vì lợi ích chung của hai nước chúng ta".

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Thụy Điển không phải là nước đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, tầm vóc của quan hệ không chỉ đánh giá ở số lượng, mà đánh giá ở chất lượng đầu tư. Các DN Thụy Điển chủ yếu đầu tư vào các ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn tại Việt Nam và có tính chất dẫn dắt, động lực cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Theo ông Lộc, 26 năm trước đây, những DN hàng đầu của Thụy Điển đã tới Việt Nam theo làn sóng đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam và đóng góp tích cực vào làn sóng này với những DN như: Ericson, IKEA, ABB....

Hiện nay, Việt Nam đang bắt đầu khởi động làn sóng đầu tư mới, hướng về giá trị gia tăng cao hơn với công nghệ cao hơn, tập trung vào kinh tế số. Hy vọng Thụy Điển sẽ tiếp tục dẫn dắt làn sóng đầu tư này tại Việt Nam, dẫn dắt xu hướng đổi mới sáng tạo.

Khảo sát của Đại sứ quán Thụy Điển cho thấy, 73% các DN Thụy Điển đang hoạt động tại Việt Nam cho biết sẽ mở rộng hoạt động trong 3 năm tới và có tới 85% DN cho rằng, họ sẽ tăng doanh thu trong 3 năm tới. Như vậy, triển vọng đầu tư kinh doanh của các DN Thụy Điển tại Việt Nam là rất lớn.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh