CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 07:04

"Phố phòng trà" Sài Gòn - xưa và nay

Cao Thắng - con phố không ngắn, cũng chẳng dài, đủ để một người trải nỗi hoài niệm đến vơi lòng qua từng gốc cây, từng viên đá nhỏ. Nằm giữa khu trung tâm thành phố, đông đúc, nhộn nhịp, nhưng con phố vẫn có những khoảng lặng dễ khiến hồn người chùng lại khi nhớ về những kỷ niệm xưa...

***

  Hơn bốn mươi năm trước, giới văn nghệ Sài Gòn đổ xô về con đường này, đến một phòng trà mang tên Đức Quỳnh, để chứng kiến sự xuất hiện của một ngôi sao âm nhạc - cô gái Huế có sắc đẹp mặn mà, giọng hát liêu trai, ma mị tên Thanh Thúy. Trong số đó có chàng trai trẻ họ Trịnh, vì đắm đuối trước vẻ đẹp của nàng ca sĩ mà đã cảm tác để viết nên hai bài hát “Ướt mi” và “Thương một người”. Rồi hồi hộp ngồi ở một góc phòng nghe Thanh Thúy cất giọng: “Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi…”.

Ăn vặt hẻm 51 Cao Thắng

  Thời ấy, con đường Cao Thắng được coi là nơi hội tụ của giới âm nhạc và những người yêu điện ảnh - “con đường văn nghệ” đúng nghĩa. Trong một căn nhà gần giữa con đường, Dương Thiệu Tước thường thả hồn theo làn khói thuốc, huyền hoặc với những nét nhạc nửa tỉnh nửa mê. Chàng nhạc sĩ gốc Hà Nội ấy dường như suốt đời gắn thân với làn khói thuốc. Thời trẻ, ông từng “nhớ nhà châm điếu thuốc, khói huyền bay lên cây”. Về sau, cũng vẩn vơ với làn khói ấy, ông viết nên những “Tiếng xưa”, “Đêm tàn bến Ngự” đậm chất Huế, phiêu diêu lãng đãng giữa cõi tiên, cõi trần… Con đường Cao Thắng xanh mát, thơ mộng một thời chứng kiến câu chuyện tình đầy lãng mạn cùng cuộc hôn nhân kéo dài 30 năm giữa Dương Thiệu Tước với ca sĩ Minh Trang - một góa phụ gốc Huế có giọng hát đầy quyến rũ.

Cao Thang 1

  Chính Minh Trang đã kéo Dương Thiệu Tước ra khỏi đất Hà thành để về sống ở con đường này, tận hưởng sự nhiệm màu của tình yêu. Ông từng viết tặng bà bài “Ngọc lan” để ngợi ca vẻ đẹp trong sáng, cao sang. Nhưng phải đến “Đêm tàn bến Ngự” thì mới có thể cảm nhận độ chín của mối tình này. Chính Minh Trang là người đầu tiên thể hiện bài hát này. Và cho đến bây giờ, có lẽ vẫn chưa có ca sĩ nào hát “Đêm tàn bến Ngự” hay, giàu cảm xúc như Minh Trang.

  Cách nhà Dương Thiệu Tước không xa là rạp chiếu bóng Đại Đồng Sài Gòn. Sở dĩ phải mang cái tên “dài dằng dặc” như vậy, là để phân biệt với bốn rạp đều mang tên Đại Đồng ở Hà Nội. Những rạp này đều do ông Nguyễn Thiên lập nên. Rạp Đại Đồng Sài Gòn trên đường Cao Thắng hoàn thành cuối năm 1955. Sau đó, ông còn tiếp tục xây nhiều rạp hát và rạp chiếu bóng khác ở khắp Sài Gòn. Nhưng việc làm ăn của ông bị chính quyền gây khó dễ vì nghi ngờ ông cung cấp tài chính cho “phía bên kia”. Ông qua đời năm 1968.

Cao Thang

  Ông Trần Văn Hòa, người Sài Gòn "chính hiệu", hiện ngụ tại Quận 10, chia sẻ một kỷ niệm từ hơn nửa thế kỷ trước: "Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác hồi hộp khi lần đầu được mẹ dắt tới rạp chiếu bóng Đại Đồng Sài Gòn xem các bộ phim nổi tiếng thời đó như: “Kim Đồng đại chiến người mặt ó”, “Thần đồng trừ yêu”, “Đêm màu hồng”… Rạp Đại Đồng bây giờ tuy không còn nữa, thay vào đó là những địa điểm ăn uống đông đúc, nhộn nhịp nhưng mỗi lần dạo bước qua con đường này, tôi luôn cảm thấy xốn xang khi nhớ lại ký ức tuổi thơ cách đây hơn nửa thế kỷ".

***

  Đã bao năm trôi qua, giờ đây những con người một thời tụ hội về con đường này để mang đến cho đời bao hương sắc nồng nàn với âm nhạc, thi ca, phim ảnh, người đã khuất, người phiêu bạt tứ xứ. Con đường đã thôi trầm bổng những giai điệu u uẩn đến não lòng. Rạp Đại Đồng cũng không còn. Cách đây ít lâu còn “sót lại” một cái tên nghệ sĩ đáng nhớ - Hồ Kiểng. Ông sống tạm bợ trong một ngôi nhà tồi tàn nguyên là nơi chứa máy phát điện. Vậy mà ông vẫn luôn yêu đời để làm thơ, đóng phim. Nhưng tuổi già cũng đã đưa ông về bên kia thế giới...

Duong Cao Thang 2

Phố Cao Thắng giờ đây mang sắc diện mới, sôi động, náo nhiệt và trẻ trung. Dọc suốt con đường có rất nhiều nhà hàng và cửa hiệu buôn bán thời trang. Cả con đường đã thực sự trở nên “thương mại hóa”. Với nhiều bạn trẻ, hẻm 51 Cao Thắng luôn là điểm đến hấp dẫn, với rất nhiều món ăn bình dân nhưng cực kỳ khoái khẩu. Một trong những món được “tôn vinh” hàng đầu là bánh tráng nướng Đà Lạt. Có lớp vỏ rất giòn với vị béo của trứng gà, mùi thơm của mè (vừng) cộng chút hành lá phết trên bề mặt, những chiếc bánh có giá từ 8.000 - 15.000 đồng đã thực sự “gây nghiện” với nhiều người trẻ. Ngoài bánh tráng nướng trứng gà truyền thống, ở đây còn bán bánh tráng nướng thịt bò, phô mai, xúc xích... ngon không kém.

Càng đi sâu vào trong hẻm, thế giới ẩm thực càng rộng mở. Đầu tiên là quán trứng cút lộn xào me. Mỗi đĩa chừng 5 - 7 quả trứng với sốt me đậm đặc, vàng sánh, ít dầu mỡ, ăn kèm rau răm, có vị chua, ngọt và béo quyện hòa, giá từ 10.000 - 15.000 đồng/đĩa. Kế đến là món hoành thánh chiên được “du nhập” từ Hội An. Vỏ được làm từ bột mì dẻo mịn, tán mỏng, nhân tôm, chiên giòn, thêm chút tương ớt, vị ngọt ngào đậm đà rất ấn tượng, mà giá rất "vừa túi tiền" học sinh, sinh viên.

Duong Thieu Tuoc - Minh Trang

  "Con đường Cao Thắng luôn thu hút đông sinh viên với các quán hàng rong, ăn vặt trên đường. Dù chẳng bổ béo gì nhưng ai cũng thích, cũng ghiền những món ăn đơn giản và độc đáo như: Bánh tráng nướng thịt bò, xúc xích nướng, cháo mực, bạch tuộc nướng, súp cua, hoành thánh chiên… Không khí nơi đây rất thích hợp để tụ tập nhóm bạn trẻ vì thế mà những câu chuyện ở con phố này cũng trở nên thoải mái, tươi trẻ và rôm rả hơn hẳn", Nguyễn Thùy Linh, sinh viên ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh cho biết.

  Ở đây còn có một quán cháo của người Tiều chính gốc có thâm niên hơn 50 năm, với các loại cháo nấm thịt, cháo thập cẩm, cháo mực… Sự kết hợp khéo léo của gạo ngon và các nguyên liệu tươi làm nên “thương hiệu” cháo Tiều Cao Thắng nổi danh khắp Sài Gòn, dù giá không rẻ (70.000 đồng/tô) nhưng lúc nào khách cũng đông nườm nượp.

Khanh Ly - Lệ thu - Thái Thanh

  Rảo bước trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, nhìn thấy tấm bảng màu xanh chữ trắng đặt góc ngã tư: “Bệnh viện Từ Dũ phía bên kia đường…”, rẽ vào là đường Cao Thắng.

  Cách mở đầu “chẳng giống ai”, nhưng rất dễ thương của một con đường…

Phong tra Duc Quynh 1

KHÁNH NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh