Phim về dân tộc thiểu số còn... nghèo
- Văn hóa - Giải trí
- 15:03 - 17/07/2016
Quá ít phim về đề tài DTTS
Thời gian gần đây, Đài Truyền hình Việt Nam đã tăng thời lượng phát sóng phim truyện do các hãng phim trong nước sản xuất trên các kênh VTV1, VTV3 nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ “món ăn văn hoá tinh thần” của đông đảo công chúng truyền hình trong cả nước. Trong đó, đề tài về dân tộc thiểu số, miền núi đã được chú ý khai thác nhưng số lượng quá ít, đúng hơn là chưa đáng kể, vừa thiếu, vừa yếu về nội dung và nghệ thuật.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, Trung tâm Sản xuất Phim Truyền hình Việt Nam cho biết: “Trung bình mỗi năm, kênh VTV1 và VTV3 phát sóng khoảng 200 tập phim truyện do các hãng phim trong nước sản xuất, chủ yếu ở đồng bằng. Từ năm 2000 đến nay, Đài Truyền hình phát sóng chương trình Văn nghệ Chủ nhật và Điện ảnh Chiều thứ Bảy quanh đi quẩn lại chỉ có một số phim về đề tài dân tộc, miền núi như: “Đất lành”, “Đằng sau tội ác”, “Khoả nước sông Quy”, “Người đợi ở Pờ Sa” ,“Trên cổng trời không có hoa Anh Túc”...
Một cảnh trong phim “Vợ chồng A phủ”.
“Các bộ phim này tập trung khai thác những khía cạnh đời sống sinh hoạt của đồng bào vùng cao, cuộc đấu tranh cam go giữa cái thiện, sự tiến bộ và cái ác, cái lạc hậu. Tuy nhiên, do những hạn chế trong vốn hiểu biết về lịch sử, con người, phong tục, tập quán dân tộc vùng cao nên các nhà làm phim chưa khai thác được các góc cạnh, mâu thuẫn và các vấn đề bức xúc đang đặt ra ở địa bàn miền núi, dân tộc”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu vắng phim về mảng đề tài này. Một trong những nguyên nhân căn bản là kinh phí đầu tư làm phim quá thấp và chưa hợp lý. Trong khi đó, xây dựng phim dân tộc thiểu số phải chi phí nhiều gấp ba, bốn lần so với phim làm tại thành phố, đồng bằng.
Các đạo diễn bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các cơ quan chức năng nên có sự hoạch định rõ ràng, cụ thể các thể loại, đề tài phim sẽ thực hiện trong từng năm, từ đó nâng kinh phí cho những phim hay, những kịch bản khó làm phim như mảng đề tài dân tộc thiểu số, đề tài chiến tranh... Trong khâu duyệt nội dung, các cấp, ngành có liên quan nên có cái nhìn rộng mở hơn và tin tưởng hơn vào người nghệ sỹ để giúp họ sáng tạo nghệ thuật.
Điện ảnh còn hiếm hơn
Phim truyền hình đã thế, phim điện ảnh còn khan hiếm hơn thể loại đề tài dân tộc thiểu số. Nếu như ở các thành phố lớn, khán giả tha hồ được xem những bộ phim hay, ở những rạp sang trọng, thì ở nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, những bộ phim chỉ đến được với khán giả khi có đội chiếu phim lưu động đến phục vụ tại địa phương. Tuy nhiên, những hoạt động chiếu phim lưu động này không được nhiều, thường chỉ diễn ra vào những dịp lễ, Tết, những ngày lễ kỷ niệm...
Theo thống kê, cả nước hiện có 315 đội chiếu phim lưu động, trực thuộc các trung tâm (công ty) phát hành phim và chiếu bóng của 63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Họa, Tổng Giám đốc Cty cổ phần Fafim Việt Nam, thời gian qua, hoạt động chiếu phim lưu động còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí cho một buổi chiếu phim thấp, phương tiện kỹ thuật, vận chuyển không được đầu tư, thay thế kịp thời, số lượng phim Việt Nam thì thiếu hụt.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm điện ảnh, sách văn hóa phẩm Cao Bằng cho biết, những năm gần đây, tuy đời sống của bà con các vùng sâu, vùng xa có nhiều thay đổi, nhiều gia đình đã có ti vi, nhưng nhu cầu xem phim màn ảnh rộng của người dân vẫn rất lớn. Tuy nhiên nguồn phim phục vụ đồng bào lại không chỉ thiếu thốn mà nội dung phim cũng chưa phong phú, chủ yếu vẫn là một số phim phục vụ chính trị. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Tuyên, Giám đốc Trung tâm phát hành phim và chiếu phim tỉnh Đắk Lắk cũng thừa nhận, thực trạng phát hành phim ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn yếu kém.
Theo ông Tuyên, Đắk Lắk có 15 đội chiếu phim lưu động, nhưng rất ít hoạt động bởi kinh phí được cấp ít, không đủ cho việc thuê và mua phim, do vậy bà con các vùng sâu, vùng xa hầu như không được xem phim nhựa, có chăng thỉnh thoảng mới được xem nhưng chủ yếu là phim cũ.
Có thể nói, số lượng phim theo chương trình dân tộc miền núi thiếu trầm trọng, chất lượng nội dung phim chưa phong phú, và chưa thực sự phù hợp với đồng bào. Phim thời sự, tài liệu về bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số, phim hoạt hình cho các em thiếu nhi còn quá ít.
Mặc dù hoạt động chiếu phim ở Việt Nam đã sống lại, nhưng mới chỉ đáp ứng được 20% khán giả ở các thành phố lớn, 80% số dân còn lại ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo lại đang rất thiệt thòi vì không có cơ hội được thưởng thức những tác phẩm điện ảnh. |