Phim khắc họa cuộc sống người Hà Nội chiếu khai mạc LHP quốc tế Hà Nội
- Văn hóa - Giải trí
- 11:36 - 07/11/2022
BTC cho biết, bộ phim mang thông điệp về sự hàn gắn bởi lòng tốt của con người trong đời sống thị thành những năm 2000 nhưng vẫn còn nguyên gia trị với chúng ta của hôm nay, những người vừa bước qua rạn vỡ và biến cố của đại dịch Covid-19.
Những mảng lắp ghép đó có thể là mảnh đời của một chú bé đánh giầy hoặc một ông thợ cắt tóc vỉa hè, một ông giáo già dạy hát cho dàn đồng ca học sinh khiếm thị, hoặc một chị nông dân lên Hà Nội làm nghề chăm sóc người bệnh... Những mảnh đời rời rạc ấy kết thành bức tranh đa màu sắc về cuộc sống của người Hà Nội thuộc tầng lớp bình dân những năm 2000. Ở đó, người ta thấy những biến động của Hà Nội trong quá trình chuyển mình vươn lên và mối quan hệ giữa nó với những vùng lân cận.
Tinh tế và sâu lắng, Hoa nhài mang đến thông điệp nhẹ nhàng như chính tên gọi của bộ phim. Cuộc sống luôn luôn vận động, làm thay đổi môi trường sống, làm rạn nứt những mối quan hệ giữa con người với con người. Chỉ có lòng nhân ái, sự quan tâm sẻ chia mới có thể là chất keo gắn kết cuộc sống để nó trở nên bền vững, ý nghĩa.
Chia sẻ về bộ phim đặc biệt này, NSND Đặng Nhật Minh cho biết, ông đã có trải nghiệm hiếm thấy ở bộ phim này. Ông cũng bày tỏ sự bất ngờ khi “Hoa nhài” là bộ phim được “chủ nhà” Việt Nam lựa chọn mở màn HANIFF VI. “Hoa nhài” của đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng là bộ phim dài duy nhất của Việt Nam được chọn dự thi LHP lần này.
“Tôi luôn luôn quan niệm làm phim là để khẳng định cái đẹp. Có nói đến mặt tiêu cực là để tôn lên mặt tích cực, đặc biệt là tính nhân ái, tôi rất quan tâm. Trong phim của tôi ít có nhân vật ác, phần nhiều là những người thiện, những người trong sáng cao thượng. Các nhân vật nữ của tôi không có nhân vật nào ác. Tôi quan niệm người phụ nữ hiện thân cho cái thiện, cái đẹp. Nhân vật nữ của tôi dù ăn mặc quần áo giản dị, không phấn son váy áo sang trọng nhưng đều dễ thương, nhuần nhị. Tôi rất ghét những tính cách phô trương”, Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ thêm.
Cũng theo đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh, "Hoa nhài" được thực hiện với kinh phí khá khiêm tốn. Vị đạo diễn tài ba nói, ông quyết định quay trở lại làm bộ phim này với mong muốn gửi gắm tâm tư suy nghĩ rằng cho dù mảnh đất Hà Nội bây giờ có nhiều thay đổi nhưng cốt cách “chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” vẫn còn được duy trì và gìn giữ mãi. Với đạo diễn Đặng Nhật Minh, có lẽ, điều ông luôn đau đáu và mong muốn thể hiện qua những tác phẩm điện ảnh chính là nét tinh hoa, phẩm giá và cốt cách của người Hà Nội.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, Bộ phim “Hoa nhài” được đạo diễn bởi bậc thầy điện ảnh, NSND Đặng Nhật Minh, là những lát cắt về cuộc sống, con người Hà Nội. Với ngôn ngữ điện ảnh dung dị, tinh tế, nhuần nhị, phim đã ngân lên tiếng ca sâu thẳm của tâm hồn người Hà Nội...
Trong khuôn khổ Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI, Viện Phim Việt Nam cũng sẽ tổ chức triển lãm “Bối cảnh quay phim là các di tích, di sản văn hóa của Hà Nội”. Hình ảnh Thủ đô Hà Nội giàu truyền thống văn hóa, yêu chuộng hòa bình và ngày càng phát triển được giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước qua 2 chủ đề chính: Giới thiệu hình ảnh trong các phim có bối cảnh là di tích, di sản văn hóa của Hà Nội; Những hình ảnh đặc sắc về Hà Nội qua góc nhìn của các nghệ sĩ yêu mến Hà Nội.
Với hơn 200 hình ảnh đặc sắc được thể hiện qua 17 pano, triển lãm sẽ trưng bày bối cảnh quay trong các tác phẩm điện ảnh của các nhà làm phim trong nước và quốc tế, cùng những bức ảnh đẹp về một số di tích, di sản văn hóa tại Hà Nội. Trong đó, khoảng 150 hình ảnh trích từ 29 bộ phim truyện, phim tài liệu sẽ được trình bày theo thứ tự năm sản xuất phim. Từ triển lãm, khán giả thấy được một Hà Nội với vẻ đẹp cổ kính, bình dị nhưng vẫn kiên cường, bất khuất trong các thước phim tài liệu, phim truyện của thập kỷ 60, 70 hay một Hà Nội văn minh, thanh lịch, ngày càng phát triển trong những tác phẩm điện ảnh thời kỳ đổi mới và hội nhập từ thập kỷ 80 đến nay. Khán giả còn có dịp khám phá những vẻ đẹp rất riêng, những khoảnh khắc yên bình của một thành phố ngàn năm văn hiến qua khoảng 40 đến 50 bức ảnh nghệ thuật về di tích, di sản Hà Nội của nhiều nghệ sĩ: Nhà quay phim Phạm Thanh Hà, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo, Hoàng Hữu Khánh…
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông khẳng định: "Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI không chỉ là sự kiện văn hóa, điện ảnh mà còn là hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ, góp phần quảng bá đất nước Việt Nam tươi đẹp, mến khách thông qua hình ảnh Thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến, thanh bình được UNESCO bình chọn là thành phố sáng tạo". Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng, với kinh nghiệm tổ chức và sự chuẩn bị chu đáo của Ban Tổ chức, đặc biệt sự phối hợp, hỗ trợ của UBND Thành phố Hà Nội, các Sở, Ban, Ngành, Cục Điện ảnh và các đơn vị liên quan sẽ tổ chức thành công Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI.