Phim ảnh không phải là... tội phạm
- Văn hóa - Giải trí
- 06:30 - 18/09/2021
Phát biểu này đã nhận được nhiều ý kiến không đồng tình. Từ góc nhìn của khán giả, nhiều người đặt dấu hỏi: "Tại sao lại chỉ trích bộ phim "Người phán xử" được làm tử tế, chiếu trên đài truyền hình quốc gia? Lấy ví dụ như thế là không điển hình"; "Từ góc độ quản lý nhà nước, các quan chức nói thì phải rất chắc chắn về lời nói của mình, không thể chủ quan. Phát biểu phải dựa trên nghiên cứu khoa học, tâm lý học, về ảnh hưởng của phim ảnh lên tâm lý con người chứ không thể nói theo suy tưởng của bản thân".
Nhiều người xem dẫn ra nhân vật Phan Quân (NSND Hoàng Dũng đóng) trong "Người phán xử" được khán giả yêu mến vì các phẩm chất tốt đẹp chứ không phải vì là trùm xã hội đen. Những phẩm chất của Phan Quân như: Yêu thương gia đình, trọng tình nghĩa, thông minh, quyết đoán... đều hướng thiện. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhân vật đa chiều, phức tạp về tâm lý cũng giúp phát triển thẩm mỹ xem phim của khán giả.
Còn từ góc độ những người làm chuyên môn, một đạo diễn cho rằng: "Đối tượng khán giả của phim "Người phán xử" chắc chắn không phải trẻ em, mà là những người trưởng thành có đầy đủ khả năng nhận thức và kiểm soát hành vi. Tôi cho rằng, nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất bởi tác động của phim ảnh là trẻ em vị thành niên vì nhận thức và trải nghiệm xã hội còn hạn chế. Đây mới là nhóm cần được quan tâm nhất trong các điều luật về kiểm duyệt các sản phẩm văn hóa nghệ thuật".
Một trong những chức năng của văn học nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng là phản ánh hiện thực xã hội dưới góc nhìn đa chiều và được nghệ thuật hóa. Rất nhiều thể loại phim ảnh, gồm: Tâm lý xã hội, giả tưởng, kinh dị, hành động, tài liệu - tuyên truyền... trong đó, phim về đề tài hình sự là một "mảng" vốn thu hút đông đảo người xem bởi tính hấp dẫn của nó. Với loại phim này, rõ ràng là không thể cứ tập trung xây dựng hình ảnh "người tốt, việc tốt" như phim khoa giáo. Ở đây, các nhà làm phim đi đến tận cùng cái xấu, cái ác là để cảnh tỉnh người xem, hướng đến cái thiện, chứ không phải để cổ xúy hay tạo cảm hứng cho tội phạm phát triển.
Tất nhiên cần phải có những quy định về đối tượng được tiếp cận với những sản phẩm văn hóa này, ví dụ như dán nhãn "18+" để trẻ em không xem. Người lớn đã có nhận thức đầy đủ, hoàn chỉnh thì sẽ không sợ họ "bắt chước" theo phim để... "làm bậy", bởi như vậy thì chính họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật - cũng là một trong những thông điệp thường thấy trong loại phim này.
Các nhà làm phim, nghệ sĩ, diễn viên là những người làm văn hóa, cần có không gian tự do sáng tạo. Vì thế, những quy định bó buộc hoặc sử dụng câu chữ mơ hồ trong luật, có thể suy diễn theo nhiều cách đều ảnh hưởng tới môi trường sáng tạo. Đó là mong muốn của những người làm phim đối với Luật Điện ảnh (sửa đổi) hiện đang được cơ quan thẩm quyền xem xét thông qua.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ: "Nếu muốn một "bồi thẩm đoàn" đa dạng tiếng nói, chúng ta chỉ nên trông cậy ở khán giả sau khi xem phim. Đừng biến mỗi bộ phim thành một phạm nhân và mỗi buổi duyệt phim thành một phiên tòa".