Phiên xử ly hôn " có một không hai " ở Hà Nội
- Y học 360
- 14:51 - 18/07/2015
Đầu tháng 7/2015, TAND TP. Hà Nội xem xét đơn kháng cáo xin ly hôn của anh T. và chị V. (ở huyện Đông Anh, Hà Nội).
Trước đó, vào năm 2008, anh T. gửi đơn lên TAND huyện Đông Anh, Hà Nội, đòi chấm dứt hôn nhân vì “không còn hạnh phúc”.
Đơn ly hôn của người chồng bị tòa bác, anh ta đã rút lại đơn. Đầu năm 2015, người đàn ông này một lần nữa gửi đơn đến toà án huyện.
Cách đây hơn 10 năm, anh T. và vợ kết hôn. Sau thời gian đi đây đó làm ăn, năm 2008, anh T. về nhà, tuyên bố đã có người đàn bà khác, thậm chí hai người đã có con chung và nhất định đòi ly hôn với vợ.
Bố mẹ hai bên nội ngoại đều ra sức khuyên can, phản đối, nhưng vẫn không ngăn được người đàn ông này theo đuổi việc ly hôn suốt 7 năm qua.
Ngày phiên phúc thẩm xử ly hôn diễn ra, anh ta cùng luật sư đến tòa, trong khi chị V. và bố mẹ chồng cũng tham dự tòa, nhưng ở một "chiến tuyến" khác.
Ra toà lần này, anh T. chuẩn bị kỹ hơn cho ý định đòi chia tay vợ. Anh đưa ra dẫn chứng, vợ chồng anh có nhiều mâu thuẫn không thể hàn gắn tình cảm.
Những cuộc cãi vã của hai vợ chồng có cả chứng kiến của hàng xóm, chính quyền địa phương. Anh T. còn xin chứng nhận của công an địa phương về việc bạo hành vợ…
Trước lời lẽ của con trai, có mặt tại tòa, bố mẹ anh T. trình bày với Hội đồng xét xử: "Chuyện đó hoàn toàn bịa đặt”. Họ khẳng định, "giấy chứng nhận đánh vợ” của con trai mình chỉ là vài dòng ghi việc vợ chồng anh T. có mâu thuẫn nhỏ.
Quyết tâm ly hôn vợ, anh T. tiếp tục trình bày việc mình đã có người phụ nữ khác và đã có con với cô gái này.
Vị Chủ toạ phiên toà và đại diện Viện KSND cho rằng, chị V. là người vợ vị tha. Trước việc anh T. có người đàn bà khác, người vợ hoàn toàn có thể kiện chồng ra toà vì vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Và thực tế, anh T. đã bị phạt hành chính cho vi phạm này.
“Không phải anh đi ngoại tình rồi thì thích ly hôn thì được đâu. Anh còn vi phạm, sẽ bị xử lý hình sự. Anh phải cảm thấy may mắn vì chưa vướng vòng lao lý”, vị chủ tọa nói với anh T.
Chuyển sang thẩm vấn người vợ, toà hỏi chị V.: "Nếu cứ níu kéo chồng thì chị có hạnh phúc hay không?". Sau phút lặng lẽ, chị V. nói khẽ:"Cũng chỉ vì tôi không muốn các con khổ sở, thiếu bố, không muốn gia đình tan nát".
Nghe nói vậy, bố mẹ anh T. đưa ánh mắt đồng cảm về phía con dâu. Họ cho biết, từ nhiều năm nay, cô con dâu chính là người lo mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, thương yêu bố mẹ chồng nên ông bà coi chị như con đẻ.
Nghe luật sư của con trai nói: “Anh T. đã thương người khác, chị nên cho nhau một lối thoát”, mẹ chồng chị V. gay gắt: “Luật sư không nên phát biểu theo chiều hướng phá hoại hạnh phúc gia đình con tôi”.
Trong lúc toà nghị án, bà mẹ chồng tìm cách an ủi con dâu. Bà cho biết, trong trường hợp toà phúc thẩm giải quyết ly hôn, bà sẽ đề nghị con dâu được nuôi các cháu và sẽ cho con dâu nhà để ở.
Cuối phiên xử, sau khi đã bàn bạc với luật sư, anh T. đồng ý rút đơn ly hôn nên toà đã đình chỉ giải quyết vụ án và huỷ bản án sơ thẩm. Bố mẹ anh T. vui vẻ dẫn con dâu ra về, trong khi anh T. và luật sư rẽ đi một hướng khác.