CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:58

Phiên họp thứ 3 UBTVQH: Thảo luận Luật thủy lợi và Luật đường sắt (sửa đổi)

 

Làm rõ trách nhiệm quản lý và khai thác các công trình thủy lợi

Tại phiên thảo luận Luật Thủy lợi, việc chuyển từ “thuỷ lợi phí” sang “giá dịch vụ thuỷ lợi” cũng như trách nhiệm bảo đảm an toàn công trình thuỷ lợi, sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này là những nội dung nhận được nhiều ý kiến quan tâm.

Bà Nguyễn Thuý Anh – Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, đánh giá tác động về việc chuyển từ thuỷ lợi phí sang giá dịch vụ thuỷ lợi chưa rõ, như khó khăn nào sẽ gặp phải; lộ trình tính đúng, tính đủ thế nào; kinh nghiệm chuyển từ phí sang giá là gì; sự hưởng ứng của nhân dân ra sao?... Do đó, cần quan tâm đến công tác tuyên truyền để người dân sẵn sàng chấp nhận chuyển từ phí sang giá.

Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, giá dịch vụ có thể tác động đến 80% số hộ nông dân, do đó, cần có chính sách và phải có lộ trình.

Về trách nhiệm bảo vệ an toàn công trình thuỷ lợi lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, vấn đề này liên quan đến an ninh quốc phòng, nếu mất an toàn là thảm hoạ. Do đó, công tác bảo vệ an ninh an toàn cần làm rõ hơn để tránh đùn đẩy khi tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác, vận hành, sử dụng công trình thuỷ lợi cũng cần cụ thể để khi xảy ra sự cố quy trách nhiệm được ngay.

Bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng việc quản lý công trình thuỷ lợi thời gian qua chưa hiệu quả, nhất là mô hình quản lý chưa phù hợp như vừa quản lý nhà nước, vừa quản lý khai thác dẫn đến dễ xung đột, thất thoát tiền khi Nhà nước đầu tư nhưng cá nhân doanh nghiệp hưởng lợi, thất thoát nước rất lớn và một số hồ xuống cấp do nhiều năm thiếu tiền đầu tư...

 “Làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước giữa các Bộ ngành, nhất là 3 Bộ: Nông nghiệp, Tài nguyên – Môi trường, Công Thương cũng như của tổ chức, cá nhân khác. Đặc biệt là vấn đề an toàn hồ chứa, gắn với an ninh quốc phòng. Điều này phải tính tới” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luật phiên thảo luận và đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình về các vấn đề Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đặt ra.

 

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc phiên họp

 

Cần khuyến khích phát triển đường sắt ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa

Thảo luận về Luật Đường sắt (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, cần xác định rõ vai trò, vị trí của của ngành đường sắt trong mối quan hệ với các loại hình vận tải khác; từ đó đề ra chiến lược đối với ngành đường sắt; có chính sách khuyến khích phát triển đường sắt ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa... Tạo cơ chế mở để thu hút các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư kinh doanh đường sắt, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Ông Hà Ngọc Chiến lấy ví dụ việc Trung Quốc đã phát triển đường sắt ở những vùng khó khăn như Tây Tạng và nhấn mạnh, với trình độ phát triển khoa học-kỹ thuật của đất nước như hiện nay, tôi tin tưởng chúng ta hoàn toàn có thể phát triển đường sắt ở những vùng khó khăn; cần quan tâm bổ sung các quy định về phát triển đường sắt ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa...

Khẳng định vị thế quan trọng của ngành đường sắt, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cần hết sức quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả hoạt của ngành đường sắt cũng như gắn kết hạ tầng đường sắt với hạ tầng của các loại hình giao thông khác và nhiệm vụ bảo vệ an ninh, quốc phòng.

Cơ bản bày tỏ đồng tình với bố cục của dự thảo Luật; cho rằng dự án Luật đã bổ sung một số quy định mới và sửa đổi những quy định không còn phù hợp của Luật Đường sắt năm 2005, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục quan tâm xây dựng các quy định liên quan đến thúc đẩy phát triển hạ tầng đường sắt cũng như phát triển ngành công nghiệp đường sắt, công nghiệp phụ trợ cho ngành đường sắt...

Ngoài ra, ý kiến của một số đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp tục rà soát quy định trách nhiệm của các bộ, UBND các cấp nhằm hạn chế sự tản mạn trong nhiều điều, khoản để tránh sự chồng chéo hoặc bỏ sót trách nhiệm; quy định cụ thể việc phân công, phân cấp; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước để tránh tình trạng không thống nhất trong quá trình triển khai, thực hiện Luật, gây chồng lấn giữa công tác quản lý Nhà nước và hoạt động kinh doanh của các chủ thể trong hoạt động đường sắt.

 

Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra từ ngày 12- 22/9. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào 13 dự án luật, như: Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật về hội...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11); Dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng sẽ được trình xin ý kiến.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu cũng sẽ thảo luận về báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng.

Việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV cũng là nội dung quan trọng được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp này.

Thái An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh