Hơn 20 nghìn du khách đến chợ Bích La cầu may
- Văn hóa - Giải trí
- 18:35 - 18/02/2018
Chợ đình Bích La thu hút đông đảo người dân đến mua, bán cầu may dịp đầu năm mới. Ảnh: Hưng Thơ (Lao động)
Theo báo Lao động, năm 2018 này, lễ chính của lễ hội chợ đình Bích La diễn ra lúc rạng sáng (5h) ngày mùng 3 Tết Nguyên đán, trước và sau phần lễ, phiên chợ ở đình làng vẫn diễn ra. Theo ông Hồ Ngọc Thiên – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Triệu Phong, những năm gần đây, lễ chính của chợ đình Bích La là “gọi thần Kim Quy tái xuất” diễn ra vào đêm mùng 2 Tết, nhưng năm này, lễ chính được tổ chức rạng sáng mùng 3 Tết. “Chúng tôi tổ chức phần lễ vào rạng sáng mùng 3 Tết như ngày xưa để kéo dài chợ đình đến sáng” – ông Thiên nói.
Dù thời gian diễn ra lễ chính bị thay đổi, nhưng từ tối mùng 2 Tết, chợ đình Bích La vẫn tấp nập người mua, kẻ bán. Các mặt hàng được bày bán ở phiên chợ chủ yếu là sản phẩm do người dân làm ra. Trong đó, nổi bật nhất là lá chè xanh, quả cau, muối hạt, hoa quả… Người dân đến chợ đình quan niệm rằng, người bán cốt để cầu may, còn người mua cốt để lấy “lộc”, nên hoạt động mua bán ở đây không nói thách, không trả giá. Đến phần lễ gọi thần Kim Quy, sẽ có đội hò với các nghi thức được phục dựng ở sân khấu trước mặt hồ nước với trống, tiếng chiêng rộn ràng. Sau khi chủ lễ khấn vái xong, rùa vàng (được chế tác) sẽ nổi lên mặt nước ở hồ cạnh đình làng để chứng giám, khi rùa lặn xuống thì phần lễ kết thúc trong tiếng reo hò của người dân…
Chợ đình Bích La chỉ họp 1 đêm duy nhất trong năm, nhưng do hút một lượng khách lớn, nên cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được; các trò chơi cũng chưa thu hút, duy về mặt tâm linh thì nhiều người tin tưởng. Cũng theo ông Hồ Ngọc Thiên, người dân và địa phương mong muốn được đầu tư, mở rộng quy mô chợ đình Bích La. Hiện địa phương đã làm hồ sơ đề xuất xếp hạng, công nhận lễ hội chợ đình Bích La cấp Quốc gia. “Với lượng khách về chợ đình hiện tại, nếu muốn phát triển lễ hội gắn với du lịch thì cần có sự đầu tư tương xứng, nhưng thực tế địa phương không có kinh phí. Không gian tổ chức lễ hội nhỏ hẹp, không được đầu tư cơ sở hạ tầng thì không tránh được những thiếu sót” – ông Thiên cho hay.
Vẫn theo báo Lao động, dù chỉ họp từ đêm mùng 2 đến rạng sáng mùng 3 Tết Nguyên đán, nhưng đã có hơn 20 ngàn người dân từ khắp nơi đổ về đình làng Bích La.
Về nguồn gốc của chợ đình làng Bích La, theo báo Giao thông, tương truyền rằng, thuở dựng làng lập ấp, những bậc mở cõi của làng Bích La đã xây đình, trước đình có một hồ nước trong xanh, là nơi trú ngụ của một con rùa vàng. Mỗi năm, vào mùng 3 Tết Âm lịch, dân làng Bích La lại tề tựu về đình làng để thắp hương, tri ân những bậc tiền bối, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống an lạc. Cứ mỗi lần như vậy, rùa vàng lại nổi lên mặt nước như để chứng giám cho những lời nguyện cầu tốt đẹp ấy...
Nhưng bỗng một năm, khi hương nến đã được thắp lên mà rùa vàng vẫn không thấy, nhiều vị chức sắc trong làng cho đó là điều chẳng lành. Quả nhiên, đó là năm mà người Bích La “trồng đậu đậu úa, trồng lúa lúa khô, trồng ngô thì ngô khô quắt lại”, đời sống cơ cực trăm bề… Từ năm sau, dân làng Bích La đã bàn bạc nhau sau khi thắp hương ở đình làng vào rạng sáng mùng ba Tết, họ sẽ tập trung thật đông bên ao đình. Người đốt đuốc, người khua chiêng múa trống để gọi “rùa vàng” nổi lên, ban phát “phúc, lộc, thọ” cho dân làng. Quả nhiên, năm đó rùa vàng nổi lên thì đời sống người dân trong thôn làng được sung túc, no ấm.
Cứ thế lễ cúng cầu thần rùa vàng đình Bích La được tổ chức hàng năm. Về sau này, ngoài phần lễ là cúng đình người dân còn tổ chức thêm phiên chợ "mua may bán rủi" và phần hội là tổ chức các trò chơi dân gian. Lễ hội chợ đình Bích La không chỉ bó gọn là của người dân trong thôn mà thu hút sự quan tâm, hành hương của người dân nhiều địa phương lân cận khác đến tham dự.