CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:13

Phi công trẻ và ước mơ chinh phục bầu trời

 

Đại úy Trần Thanh Luân luôn là niềm tự hào của đồng đội.

“Tình cờ” trở thành phi công

Chàng trai quê Hà Tĩnh cho rằng, mình trở thành phi công cứ như thể là chuyện đùa. Năm đó, Luân đang học lớp 12, nghe tin có đoàn của Viện Y học Hàng không về huyện tuyển phi công, mẹ anh động viên: “Con cứ thi thử đi!”. Nhưng bố thì phân vân: “Tiêu chuẩn để trở thành phi công khó lắm con ạ, bố thấy con cũng khỏe mạnh, cao lớn nhưng muốn làm phi công thì phải có nhiều yêu cầu khắt khe lắm”. Luân bỏ ý định thi tuyển và vẫn theo thói quen xuống sân bóng của huyện chơi bóng chuyền mỗi chiều. Khi chỉ còn một vài người là kết thúc đợt tuyển, anh lân la hỏi thử: “Cháu vào khám được không?”. Nhận được những cái gật đầu khích lệ, Luân mừng lắm, anh vượt qua tất cả các vòng khám nghiêm ngặt về sức khỏe. Đến vòng cuối cùng phải ngồi trên chiếc ghế quay bằng tay, là vòng khó nhất yêu cầu về mặt thể lực mà hầu hết các thanh niên khám trước đều không vượt qua. Có thể hình dung như ta đang ngồi trên một chiếc cối xay bằng tay, tốc độ quay tròn và vận tốc khác nhau, nên nhiều người đứng dậy là quay cuồng, ói mửa. Đứng lên từ chiếc ghế quay, Luân cười tươi. Các chú trong đoàn nói vui: “Đợt này chỉ có một cậu này là đủ tiêu chuẩn”. Thế là Luân là người duy nhất của huyện Nghi Xuân và cũng là 1 trong 2 người duy nhất của tỉnh Hà Tĩnh qua được vòng khám sức khỏe đợt tuyển phi công năm đó.

Vốn là học sinh chuyên toán, Luân đủ tự tin và khả năng để thi đỗ đại học. Nhưng cuộc đời có những bí ẩn của nó. Nó “bắt” Luân trở thành  học viên của Trường Sĩ quan Không quân Nha Trang. Những bỡ ngỡ ban đầu rồi cũng qua nhanh, những bài học mới đã gieo vào anh niềm đam mê, mà nhờ nó anh mới vượt qua được tất cả mọi khó khăn, gian khổ và sự khắc nghiệt của quá trình học tập, rèn luyện để trở thành phi công. Bởi không phải ai cũng đủ điều kiện để trở thành một phi công chiến đấu thực thụ. Những năm học tập ở trường là cả một quá trình đào tạo và chọn lọc cực kỳ khắt khe. Có rất nhiều khoa mục và bài tập rất khó, đòi hỏi tối đa về thể lực, khả năng chịu đựng, bản lĩnh và tinh thần vững vàng của học viên.

Phi công Trần Thanh Luân luyện tập trên chiếc Su30 MK2.

Luân tâm sự: “Có lẽ khoảnh khắc nhớ nhất và ấn tượng nhất trong cuộc đời tôi là lần đầu được ngồi trong buồng lái, tự mình điều khiển chiếc máy bay lao vút lên bầu trời xanh, nhìn xuống mặt đất, biển cả, làng mạc… mọi thứ đẹp như một bức tranh. Lúc đó tôi bỗng thấy tình yêu Tổ quốc trong mình dâng lên mãnh liệt hơn bao giờ hết và càng quyết tâm là phải thực hiện bằng được ước mơ của mình, một ước mơ rất đẹp và rất có ý nghĩa,đáng được đánh đổi bằng mọi thứ là trở thành phi công chiến đấu”.

Tốt nghiệp thủ khoa, Trần Thanh Luân cùng 5 phi công được về Trung đoàn Không quân 935, Sư đoàn Không quân 370 - đơn vị chủ lực của Quân chủng Phòng không Không quân, nơi hội tụ những phi công hàng đầu về Su30 MK2 với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, thềm lục địa và biên giới phía Nam của Tổ quốc.

Luân cho biết: “Máy bay Su30 MK2 là phương tiện chiến đấu hiện đại nhất hiện nay của Đông Nam Á, là tài sản rất lớn của quân đội và quốc gia, nên tôi ý thức được niềm vinh dự và tự hào nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Mỗi một chuyến bay có cả ngàn con người theo dõi, phục vụ và mỗi lần trở về mặt đất là mình đã mang theo về niềm hạnh phúc, hy vọng và niềm tin của các thầy, của tất cả đồng đội, đồng chí. Nên tôi không được phép phụ lòng, phụ công của bất kỳ ai”. 28 tuổi, với hơn 500 giờ bay (trong đó có 250 giờ trên máy bay Su30 MK2) đảm bảo an toàn tuyệt đối, Trần Thanh Luân là một trong những phi công chiến đấu trẻ có số giờ bay cao nhất.

Một tố chất hiếm và quý của đơn vị

Nhận xét về người lính, người học trò của mình, Đại tá Huỳnh Mạnh Thắng, Phi đội trưởng, Phó Trung đoàn trưởng khẳng định: "Luân là người nổi bật trong số phi công trẻ ngay từ khi mới về trung đoàn. Ở Luân bộc lộ rất rõ tố chất của người chỉ huy, vì từ ngày còn là học viên, Luân đã là lớp trưởng của khóa 37. Luân cũng là học viên xuất sắc với số điểm cao nhất từ trước đến nay của Trường. Luân có thời gian 8 tháng được huấn luyện tại Sân bay Sao vàng (Thanh Hóa), một địa bàn rất khắc nghiệt về thời tiết và khí hậu, là cơ hội rất tốt để tích lũy thử thách và kinh nghiệm. Luân là phi công vừa giỏi cả về lý thuyết lẫn thực hành, điều này rất quý và hiếm vì đối với nghề phi công, có những người học lý thuyết dưới mặt đất khá tốt nhưng khi lên không trung thì mức độ phản xạ lại chậm, lúng túng, không vận dụng nổi kiến thức lý thuyết, nên thậm chí nhiều người phải bỏ nghề”.

Đại tá Huỳnh Mạnh Thắng, Phi đội trưởng, Phó Trung đoàn trưởng trao đổi nghiệp vụ với Trần Thanh Luân.

Nói thêm về đặc điểm của máy bay Su30 MK2, Đại tá Huỳnh Mạnh Thắng cho biết, đây là chiến đấu cơ mang trên mình nhiều loại thiết bị vũ khí, khí tài chiến đấu hiện đại, khả năng sử dụng vũ khí cao hơn, có 2 phi công cùng bổ trợ cho những thiếu sót trong quá trình bay nhưng đồng thời nó cũng tạo ra sự bị động trong việc quyết đoán. Cái khó của Su30 MK2 là cả hai phi công phải ăn ý hoàn toàn từ suy nghĩ cho đến động tác, giống như cùng trên một chiếc xe đạp đôi, chỉ cần xảy ra một sai sót nhỏ sẽ không bao giờ có cơ hội sửa sai. “Dù là phi công trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng Luân đã không phụ niềm tin của lãnh đạo khi được giao nhiệm vụ làm chủ Su30 MK2. Luân có tố chất đặc biệt của một phi công chiến đấu, đó là sự nhạy bén, nhạy cảm, phản xạ nhanh, khả năng phán đoán và động tác thao tác chính xác”.

Trong đợt diễn tập ném bom trên biển tại trường bắn TB5 mới đây, Luân là một trong những phi công trẻ của Trung đoàn lần đầu tiên được sử dụng vũ khí và đạt được thành tích xuất sắc. “Đối với một phi công lần đầu ra biển bắn bia đạn thật, nhiều người rơi vào trạng thái tâm lý rất khó khăn và việc thực hiện bắn bia trên biển khó hơn trên đất liền rất nhiều, do mục tiêu nằm rất xa, nhỏ, điều kiện khí tượng phức tạp. Nên mọi động tác, thao tác kỹ thuật phải hết sức tỉ mỉ, cẩn thận và tuyệt đối chính xác. Luân đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ này”. Đại tá Thắng cho biết.

Đối với phi công chiến đấu thì mỗi chuyến bay đều gắn liền với sinh mệnh. Dù khí tài có hiện đại đến đâu thì con người vẫn là yếu tố quyết định. Chỉ cần một sơ sẩy nhỏ hay mất tập trung trong một khoảng thời gian rất ngắn tính bằng tích tắc là có thể phải trả giá rất đắt bằng sinh mạng. Ở Luân, chàng phi công trẻ đang có đủ yếu tố cần và đủ của một người lính làm nhiệm vụ đặc biệt này. Luân tâm sự: “Làm phi công không được phép hèn nhát, không được phép nao núng, sợ hãi trước bất cứ một điều gì. Khi đã bước lên máy bay, tất cả mọi chuyện phải để lại phía sau, toàn bộ tâm lực, trí lực phải dành hết cho nhiệm vụ. Mỗi lần vút lên trời cao, ngắm nhìn trọn vẹn dải đất hình chữ S, tôi hiểu mình đang làm gì cho Tổ quốc!”.

Năm 2015, Trần Thanh Luân được đại diện cho phi công quân sự cả nước tham gia chương trình “60 năm vì bầu trời Tổ quốc” do Quân chủng Phòng không Không quân tổ chức. Là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2015, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2011, 2014, 2015; đại biểu tham dự Đại hội Tài năng trẻ toàn quốc năm 2015; đạt danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”...

ĐINH HOA/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh