THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:41

Phép màu từ những trang sách

Tuổi thơ bất hạnh

Nga sinh ra ở một làng quê nghèo của huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Khi còn nhỏ Nga vô tình biết được sự thật rằng cha của các anh chị không phải là cha của mình. Nhưng đó không chỉ là nỗi khổ tâm duy nhất, ít lâu sau bất hạnh và đau khổ không biết từ đâu đã ập xuống cuộc đời non trẻ của cô và gia đình.

"Dù lúc ấy tôi chỉ là đứa bé, nhưng suy nghĩ trong tôi đã thay đổi. Biết mẹ và anh chị vất vả làm thuê làm mướn, tôi lại là nỗi khổ riêng, thầm lặng của mẹ, nên tôi không bao giờ dám đòi hỏi gì như bao bé thơ bình thường khác. Một số người bảo tôi là "con hoang", "đứa không cha"... khiến tâm hồn non dại của tôi tổn thương sâu sắc - nhưng có lẽ cũng nhờ đó mà tôi sớm biết nghĩ, không tự nuông chiều mình, biết thương mẹ đang bệnh trầm cảm nặng và anh chị lam lũ vất vả của mình.", Nga tâm sự.

Cổ tích giữa đời thường: Vượt định kiến con hoang và bệnh hiểm nghèo, cô gái Nghệ An bán bột nghệ làm thư viện cho mọi người đọc miễn phí - Ảnh 1.

Nga voi cuon sach Không Gục Ngã.

Lớn hơn chút, Nga thầm hứa rằng mình phải chăm chỉ học tốt và siêng năng làm việc để mẹ và anh chị tự hào về mình. Một động lực sâu xa khác nữa là Nga biết cha ruột mình còn sống. Cô tin rằng phải học giỏi, thành người có ích cho xã hội.

Nga đã làm được như thế cho đến năm cô chuẩn bị vào lớp 8, tuổi 13...

Vào một ngày mùa hè năm 1998, cô sẽ không thể nào quên ngày đó trong đời mình. Căn bệnh viêm đa khớp dạng thấp bất ngờ ập xuống đời cô gái non nớt. Bác sĩ bảo bệnh của Nga đã bị "lờn thuốc tây", không thể chữa trị dứt điểm mà phải sống chung với sự tàn phá khủng khiếp lên từng khớp xương khắp cơ thể.

Từ đó, Nga không bao giờ tự bước đi được nữa. Gia đình cô phải chật vật chạy chữa cho cô nhưng căn bệnh vẫn không mấy thuyên giảm. Tay chân Nga bị hỏng khớp, biến dạng, không còn theo ý mình.

"Tôi không khóc vì đau, bởi đau đớn tôi ráng chịu cũng quen. Thuốc đắng hay phải đắp bao nhiêu loại thuốc khắp các khớp khó chịu đến mấy, phải tiêm chích hay châm cứu bao nhiêu lần tôi cũng không ngại. Tôi chỉ ước mong đỡ bệnh để người thân bớt vất vả, u sầu.

Mắt tôi lúc nào cũng sưng húp vì khóc. Những giọt nước như ở sẵn mi mắt cứ tự rơi! Biết bao đêm tôi đau đớn không ngủ được. Tôi cứ muốn mình tan biến như chưa từng xuất hiện trên cõi đời này hoặc ngủ luôn mãi mãi...", Nga chia sẻ về quãng thời gian đen tối nhất trong cuộc đời mình.

Cổ tích giữa đời thường: Vượt định kiến con hoang và bệnh hiểm nghèo, cô gái Nghệ An bán bột nghệ làm thư viện cho mọi người đọc miễn phí - Ảnh 2.

Thư viện của Nga thu hút rất nhiều bạn trẻ tới đọc

Phép màu từ những trang sách

Nghỉ học nằm ở nhà, suốt ngày đêm Nga chống chọi với những cơn đau và uống hết thuốc này đến thuốc khác. Chị gái thương, mua cho cô nhiều sách với mong muốn an ủi, động viên cô đọc. Hai người em con cô cũng tặng cô những cuốn sách Hạt giống tâm hồn. Trong tình cảnh bất hạnh này, mỗi lần nhập tâm vào trang sách, Nga tạm quên đi cơn đau, nỗi tủi thân của đời mình.

Rồi qua những trang sách ấy, Nga biết đến nhiều người cũng bị bệnh tật rất nặng, không thể chữa khỏi nhưng làm được những việc ý nghĩa , giúp ích cho xã hội. Nga đặc biệt ấn tượng về chị Nguyễn Bích Lan "Không Gục Ngã", anh Công Hùng, bạn Thúy, bạn Thu Thương... "Cuộc Sống Không Giới Hạn" của Nick Vujicic.

Vừa say mê đọc tìm lại sức mạnh của mình qua từng trang sách vừa cố gắng vượt qua những cơn đau triền miên, trong Nga trào dâng lên suy nghĩ thôi thúc mình cũng muốn làm được điều tốt đẹp như các anh chị ấy. Tuy các khớp ngón tay bị sưng đau và biến dạng hết tất cả, nhưng Nga vẫn cố chịu đau, gắng luyện viết, luyện vẽ. Dần dần tay Nga cũng bớt run và viết đẹp hơn trở lại.

Cổ tích giữa đời thường: Vượt định kiến con hoang và bệnh hiểm nghèo, cô gái Nghệ An bán bột nghệ làm thư viện cho mọi người đọc miễn phí - Ảnh 3.

Nhiều bạn trẻ vui vẻ trao đổi, thảo luận về những cuốn sách hay tại thư viện do Nga mở ra.

Một lần chị gái gọi điện về hỏi Nga có thể làm tủ sách cho thuê không? Nga nghe chị và bắt đầu cho thuê chỉ 200 đồng/quyển. Nga cần mẫn gom những đồng tiền lẻ đó lại, rồi tiền bán hàng vặt, tiết kiệm để mua thêm sách mới.

Dần dần Nga tìm hiểu và mua được thêm nhiều sách hay, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là các sách nuôi dưỡng tâm hồn, sách văn học kinh điển, sách kỹ năng học tập, kỹ năng sống và phát triển bản thân, sức khỏe... Nga thậm chí không cho thuê, mà còn thuyết phục mọi người nên mượn đọc hoàn toàn miễn phí.

"Tôi khuyến khích mọi người đọc đa dạng. Nếu ai mượn các loại sách ý nghĩa trên thì tôi cho mượn các sách giải trí, nhân văn khác cũng miễn phí. Còn nếu chỉ muốn đưa về nhà các sách giải trí ví dụ như tiểu thuyết ngôn tình thì phải trả tiền thuê. Người đọc tại chỗ thì tất cả sách đều được miễn phí.", Nga chia sẻ.

Cách khuyến đọc đó của cô dần dần đã có hiệu quả. Mọi người bắt đầu chịu đọc các sách có giá trị nhân văn để không mất tiền thuê.  Từ đó,  Nga dần tìm hiểu các loại sách hay sách quý và dành dụm xoay sở tiền để mua thêm đều đặn, thuyết phục nhiều người đọc sách hơn nữa.

Kỷ niệm đáng nhớ của Nga là một lần, một người em khá xa nhà cô vừa thi đại học đạt 29,1 điểm. Em đã chia sẻ  rằng thật may khi em được biết Nga và được mượn sách miễn phí. Bởi nếu không đọc sách, không biết bây giờ em sẽ ra thế nào. Từ đó, em xem cô như ân nhân…

Tính đến nay thư viện của Nga đã hoạt động được gần 16 năm, thư viện có 4.000 cuốn, mỗi ngày có khoảng 15 người đến đọc sách, cao điểm là 30 người vào những dịp hè, với đủ mọi độ tuổi.

Nga tâm niệm: "Tôi muốn chia sẻ cho mọi người mượn sách miễn phí để không vướng bận gì, để những người hoàn cảnh khó khăn có thể đọc được những cuốn sách hay. Tôi mong mọi người cũng có thể góp sức, tìm được niềm vui, nhưng điều ý nghĩa như sức lực nhỏ nhoi của tôi đã làm được. Đó cũng là một cách tôi có thể trả ơn sinh thành cho mẹ, cho các anh chị, cho mọi người thương yêu xung quanh - và cho cuộc đời này".

Thảo Huyền

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh