CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:18

Phạt tù hành vi ngoại tình: Khó khả thi!

Khó tìm chứng cứ cho tội ngoại tình  

Đánh giá về Điều 182 “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng” của Bộ luật Hình sự, anh Nguyễn Văn Mạnh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, quy định trên phần nào cảnh báo những người đã đang và có thể ngoại tình nhìn nhận lại vấn đề tình cảm, hậu quả của việc ngoại tình. Tuy nhiên với những người đàn ông bị “say nắng” trong chuyện tình cảm liệu người Vợ có nên tố cáo, có muốn làm rùm beng sự việc để rồi kéo theo một loạt hệ quả người chồng bị phạt, xã hội dị nghị và thậm chí gia đình sẽ bị tan nát bởi những áp lực từ phía dư luận. Chị Mai Hương (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, từ trước đến nay chị chưa thấy pháp luật xử phạt hành chính những người ngoại tình, nên việc phạt tù chắc chắn sẽ rất khó khăn. “Trước cũng đã có luật về việc phạt ngoại tình rồi nhưng em thấy đã xử ai bao giờ đâu. Cái này em nghĩ khó. Việc ngoại tình nó thuộc vấn đề nhạy cảm. Làm thế nào để xác định được hành vi ngoại tình, mức độ ngoại tình thế nào là nghiêm trọng để bị xử lý hình sự. Để mà có chứng cớ ngoại tình thì sẽ phải tiến hành theo dõi đối phương, nếu mình làm quá có khi lại dẫn đến xô xát, đánh nhau. Mà có thể xâm phạm quyền tự do cá nhân của mỗi con người nữa.”, chị Mai Hương chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hồng Giang, Trưởng văn phòng luật sư Vũ Lợi  (Đoàn luật sư Hà Nội) để xử lý hình sự hành vi “ngoại tình” (mà Bộ luật Hình sự quy định là tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng không phải đơn giản; khó nhất là phải xác định được chứng cứ có giá trị pháp lý. Trong những trường hợp bắt quả tang "trai trên gái dưới", ban đầu chỉ có thể cho rằng đấy là cặp kè, "ăn bánh trả tiền", “tình một đêm”... Chỉ như vậy thôi thì chưa đủ chứng cứ xác định đấy là "chung sống" mà còn phải có nhiều chứng cứ khác có liên quan, chứng minh cho việc "chung sống" đó nữa.

Hơn nữa, trong trường hợp để người vợ, chồng đi tìm chứng cứ cũng không đơn giản bởi họ không có nghiệp vụ, có những vấn đề các đương sự không thể tự mình đi xác minh được, ngoài ra lại cần phải có cả một quá trình theo dõi, giám sát lâu dài. Khi không có nghiệp vụ tìm kiếm chứng cứ thì người bị vợ/chồng ngoại tình sẽ phải nhờ đến các văn phòng thám tử, các văn phòng luật sư... để yêu cầu xác minh, tìm kiếm chứng cứ. Kết tội ngoại tình không khó, mà cái khó để xử lý tội này là tìm chứng cứ và quan trọng nhất là phải có nghĩa vụ chứng minh chứng cứ đó có giá trị pháp lý.

Ngoại tình là quan hệ tình cảm, pháp luật khó xử lý

Ông Tạ Quốc Long (Công ty luật Đức Bảo) cho rằng, Điều 147 Bộ luật Hình sự 1999 và Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 quy định việc trừng phạt tội vi phạm chế độ một vợ một chồng dường như là sự điều chỉnh máy móc mang tính áp đặt của nhà làm luật vào một quan hệ xã hội mà có lẽ phải do các quy phạm đạo đức điều chỉnh nó mới hợp lý.

Luật sư Long cho rằng, xét về mặt đạo đức xã hội, ngoại tình có thể bị lên án trong đa số trường hợp nhưng cũng có những trường hợp ngoại tình là hành động giải thoát con người khỏi cuộc hôn nhân không còn đạt mục đích mà vì lý do nào đó họ không thể phá vỡ sự ràng buộc đó (ví dụ hai người không còn tình cảm nhưng vì nghĩa vụ với con cái, hoặc một bên cố tình cản trở... họ không thể ly hôn).

Đánh giá về việc thi hành điều luật mới này, luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty luật Fanci cho rằng, Điều 182 - Bộ luật Hình sự 2015 quy định mức hình phạt mới không tăng và giống như Bộ luật Hình sự cũ. Tuy nhiên, điều mới trong luật 2015 là bỏ cụm từ “gây hậu quả nghiêm trọng” bằng các tình tiết mang tính định lượng hơn như: Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn (ở khoản 1); Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát (ở khoản 2). Việc cụ thể hóa hơn như vậy khiến cho điều luật dễ đi vào cuộc sống hơn nếu những trường hợp này xảy ra. Còn khái niệm “ngoại tình” và khái niệm “xâm phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng”  theo tôi là hai khái niệm độc lập. Mặc dù ngoại diên của chúng có những vùng giao thoa nhất định nhưng chúng vẫn không hoàn toàn đồng nghĩa.

Ta hay dùng từ ngoại tình vừa dễ hiểu lại gần gũi, nhưng trước pháp luật hình sự thì ngoại tình không phải là đối tượng đều chỉnh, mà hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng phải đạt tới mức nghiêm trọng mới là đối tượng điều chỉnh của luật hình sự, khi đó người vi phạm mới phải chịu hình phạt trong đó có hình phạt tù.

Luật sư Tú cũng cho rằng, vấn đề là xác định thế nào là tội ngoại tình gây hậu quả nghiêm trọng, vì thực ra rất khó để chứng minh ngoại tình, hay những mâu thuẫn gia đình dẫn đến ly hôn hay vì lý do nào khác.

Điều 182, Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng 

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh