Làm sao bỏ tù được người ngoại tình?
- Y học 360
- 17:58 - 10/03/2016
Người đàn ông bị đưa ra xét xử vì tội "Vi phạm chế độ một vợ một chồng".
Dùng "giấy chứng nhận đánh vợ” để xin ly hôn
Đầu tháng 7/2015, TAND TP Hà Nội xem xét đơn kháng cáo xin ly hôn của anh Tuấn và chị Vân (ở huyện Đông Anh, Hà Nội - tên nhân vật đã thay đổi).
Vào năm 2008, anh Tuấn gửi đơn lên TAND huyện Đông Anh đòi chấm dứt hôn nhân vì “không còn hạnh phúc”.
Cấp sơ thẩm không chấp nhận đơn ly hôn, vì “không có lý do, mâu thuẫn gì” để xem xét. Ra tòa phúc thẩm lần này, anh Tuấn chuẩn bị cả "giấy chứng nhận đánh vợ” để mong được xem xét.
Cách đây hơn 10 năm, anh Tuấn và vợ kết hôn. Sau thời gian đi đây đó làm ăn, năm 2008, anh Tuấn về nhà, tuyên bố đã có người khác, thậm chí đã có con chung và nhất định đòi ly hôn vợ.
Bố mẹ hai bên nội ngoại đều ra sức khuyên can, phản đối, nhưng vẫn không ngăn được người đàn ông này. Anh quyết tâm theo đuổi việc ly hôn suốt 7 năm qua.
Để thuyết phục tòa cho ly hôn vợ, ngoài "giấy chứng nhận đánh vợ”, anh Tuấn còn trình bày việc mình đã có người phụ nữ khác và đã có con riêng.
Chủ toạ phiên toà nói với người chồng: “Không phải anh đi ngoại tình rồi thích ly hôn thì được đâu. Anh còn vi phạm, sẽ bị xử lý hình sự. Anh phải cảm thấy may mắn vì chưa vướng vòng lao lý”.
Cuối phiên xử, sau khi đã bàn bạc với luật sư, anh Tuấn đồng ý rút đơn ly hôn nên tòa đã đình chỉ giải quyết vụ án và huỷ bản án sơ thẩm.
Ngoại tình sẽ bị ngồi tù 1 năm?
Nhưng câu chuyện của anh Tuấn sẽ đi theo một hướng khác nếu quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016?
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng: Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng không phải là quy định mới được Bộ luật Hình sự 2015, điều chỉnh. Điều 147 Bộ luật Hình sự năm 1999 vẫn đang có hiệu lực đã có quy định Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
Về cơ bản, điều 182 mới này không có gì khác so với Điều 147, chỉ là cụ thể hóa tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo quan điểm của luật sư, rất khó có thể xử lý hình sự hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng bởi đây là loại tội phạm xảy ra trong quan hệ nội bộ gia đình, có liên quan đến mối quan hệ giữa vợ chồng, con cái, bố mẹ…
Ngoại tình mà không vi phạm hôn nhân chế độ một vợ một chồng theo quy định nêu trên thì không bị coi là vi phạm pháp luật.
Việc có quan hệ tình cảm với người khác mà không chung sống như vợ chồng với người đó, không có con chung, không tổ chức lễ cưới… thì không thể xem xét đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Để chứng minh, vì lý do một bên chung sống như vợ như chồng với người khác dẫn tới ly hôn, tự sát,.. phải chứng minh có mối quan hệ nhân quả.
Ly hôn vì lý do một bên chung sống như vợ như chồng với người khác hay là lý do trong suốt quá trình chung sống vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, đời sống trầm trọng, tình cảm không còn...
Nếu tự sát phải có chứng cứ như: thư tuyệt mệnh vì lý một bên sống như vợ như chồng với người khác dẫn đến phải tự sát; Chứng cứ chứng minh con cái tự sát là do bố mẹ gây ra…
Tố cáo xử lý về hình sự trong quan hệ vợ chồng vi phạm chế độ hôn nhân gia đình là rất khó, bởi lẽ các bên còn ràng buộc trong quan hệ con cái và gia đình. Theo luật sư, việc tố cáo xử lý hình sự sẽ làm trầm trọng hơn quan hệ vợ chồng, con cái và gia đình.
“Tuy là khó xử lý loại Tội phạm này, chúng ta vẫn phải qui định trong Bộ luật Hình sự nhằm mục đích răn đe, phòng chống các vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân gia đình”, lời luật sư Thơm.
Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 quy định: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm; Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm... |
Phạt tù 4 tháng lại phải giảm án Ngày 26/11/2013, TAND TP. Hà Nội đưa bị cáo Hoàng Tiến Dũng (SN 1971, trú quận Hoàng Mai, Hà Nội) ra xét xử phúc thẩm tội "Vi phạm chế độ một vợ một chồng". Theo bản án, anh Dũng và chị T. (SN 1976, ở quận Đống Đa, Hà Nội) đăng ký kết hôn năm 2004. Sau hơn một tháng chung sống, hai người ly thân. Khoảng tháng 9/2010, chị T. đi du học nước ngoài. Trong thời gian này, anh Dũng tổ chức đám cưới với "người mới". Hai người sống với nhau mà không có đăng ký kết hôn. Đi du học về, biết chuyện chồng mình làm đám cưới và đã có con riêng với người đàn bà khác, chị T. đã đến công an quận Hoàng Mai tố cáo anh Dũng vi phạm chế độ một vợ một chồng. Theo lời chị T. tại phiên tòa sơ thẩm, việc chưa ly hôn mà anh Dũng đã chung sống với người phụ nữ khác như vợ chồng và đã có con chung đã gây hậu quả nghiêm trọng cho hạnh phúc của gia đình chị. Chị T. đề nghị HĐXX cấp sơ thẩm xét xử nghiêm minh đối với bị cáo Dũng. HĐXX cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án 4 tháng tù giam. Sau phiên tòa sơ thẩm, anh Dũng đã làm đơn kháng cáo, cho rằng hành vi phạm tội của mình chưa đến mức bị xử lý hình sự. Sau khi xem xét, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần đơn kháng án của bị cáo. Theo đó, bị cáo chỉ bị cảnh cáo. |