THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:26

Phát triển truyền hình Internet: Khó chuyện bản quyền !

Chưa thể thu phí vì vấn nạn bản quyền

Với một thị trường đã có trên 20 triệu người dùng smartphone thì mảnh đất để OTT TV phát triển là rất khả quan. Điều băn khoăn lớn nhất của các nhà cung cấp truyền hình là việc kiểm soát bản quyền các nội dung mà họ đầu tư tốn kém khi đưa lên mạng. Việc vi phạm bản quyền nội dung trên Internet quá dễ dàng, một video vừa đăng lên đã bị tải về, mang link đi dán khắp nơi, trong khi các đầu tư bài bản có thể tốn nhiều triệu USD.

Tại các cuộc gặp gỡ giữa những nhà truyền hình, 3 “ông lớn” cung cấp dịch vụ OTT TV gồm VTV Plus, VTC Play và FPT Play đều có chung ý kiến về việc vi phạm bản quyền truyền hình đang là rào cản lớn cho các nhà phát triển dịch vụ truyền hình OTT chính thống. Trong khi Nhà nước vẫn chưa có chính sách quy định về việc cung cấp dịch vụ này và truyền hình OTT đang trong giai đoạn hình thành thị trường (bắt đầu cung cấp dịch vụ từ năm 2013), thì các nhà phát triển dịch vụ chính thống suốt 2 năm qua đã luôn phải đối mặt với nạn vi phạm bản quyền truyền hình.

Ông Nguyễn Văn Ninh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) cho rằng: “Khả năng thương mại hóa OTT TV phụ thuộc vào hai vấn đề: Nội dung độc quyền, và làm sao để bảo vệ bản quyền, do vấn đề vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet và Mobile đang gây khó khăn rất lớn cho các nhà cung cấp nội dung OTT TV.

Rất nhiều ứng dụng xem truyền hình miễn phí đang tự do phát sóng thoải mái các nội dung thu "lậu", từ đó họ gián tiếp thu lợi từ quảng cáo. Vi phạm bản quyền nội dung truyền hình làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thu phí người dùng của OTT TV”.

Xem truyền hình qua di động là xu thế tất yếu trong tương lai không xa        Ảnh minh họa.

Ông Ninh nhận định, mặc dù khả năng thương mại hóa dịch vụ truyền hình OTT khá tốt, nhưng lại thiếu chính sách quản lý của Nhà nước. Việc quản lý vi phạm bản quyền truyền hình chưa nghiêm, khiến cho các nhà cung cấp truyền hình OTT "lậu" mọc lên rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến các nhà cung cấp dịch vụ chính thống.

Hậu quả là, dù các nhà đài và các doanh nghiệp kinh doanh truyền hình đều đã có các gói dịch vụ OTT TV, song phần lớn vẫn đang cung cấp miễn phí. Đến nay, chỉ có hai nhà cung cấp dịch vụ OTT TV là VTV Plus (của VTVcab), và MyTV Net (của VNPT) thu phí người dùng, nhưng gói thu phí cũng không đáng kể chỉ 1.000 đồng/ngày.

Đưa OTT TV đến hơn 4 triệu người Việt ở nước ngoài

Theo ông Phan Thảo Nguyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TT&TT), người Việt ở nước ngoài có nhu cầu rất lớn về thông tin kinh tế, chính trị trong nước, thông tin về các chính sách đầu tư, du lịch, tư liệu về văn hóa, lịch sử nước nhà. Do đó, việc mở rộng vùng phục vụ và tăng số lượng kênh truyền hình, phát thanh hiện đại để cung cấp các thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài là rất cấp thiết. OTT TV được đánh giá là giải pháp phù hợp cho nhiệm vụ này.  

Kiều bào Việt Nam sinh sống tại nước ngoài có nhu cầu nắm bắt thông tin trong nước rất cao, nhưng khả năng tiếp cận các kênh chương trình hiện nay của họ vẫn bị hạn chế. Những năm qua, cộng đồng người Việt ở nước ngoài luôn tích cực hướng về quê hương nên nhu cầu thông tin bằng tiếng Việt qua các phương tiện truyền thông chính thống trong nước ngày càng lớn.

Chính vì vậy, việc mở rộng vùng phục vụ và tăng số lượng kênh truyền hình/phát thanh hiện đại, cung cấp các thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước một cách đầy đủ, chính xác, nhanh chóng, chính thống đến cộng đồng Kiều bào, giúp họ dễ dàng nắm bắt tình hình chính trị, xã hội, kinh tế trong nước kịp thời là việc hết sức quan trọng, cấp thiết.

OTT TV phát sóng thông qua đường truyền Internet, không phụ thuộc mạng lưới, khả năng tương tác với người xem cao, hỗ trợ đa màn hình và ở bất cứ đâu trên toàn cầu đều có thể xem được truyền hình trong nước, chỉ cần với chiếc di động trong tay.

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ mà Đề án cung ứng dịch vụ phát thanh truyền hình qua mạng internet phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2015 - 2020 đặt ra là: Trong giai đoạn 2017 - 2020, hàng năm cung cấp 24 kênh truyền hình, phát thanh phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài trên nền tảng OTT. 

Tuy nhiên, để đẩy mạnh truyền hình OTT và đạt được mục tiêu như Đề án đề ra, các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý cần hỗ trợ mạnh về nội dung chương trình, nhất là các chương trình giải trí, giáo dục, văn hóa tiếng Việt bởi bản quyền như đã nói ở trên, vẫn đang là một vấn đề khá nan giải.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh