Thiết bị thông minh sẽ lên ngôi trong năm 2015
- Công nghệ mới
- 21:54 - 08/01/2015
Được coi là 1 trong những sự kiện hàng đầu trên thế giới, CES 2015 là nơi trình diễn những công nghệ mới lạ nhất từ các hãng sản xuất lớn nhỏ, đồng thời, đây cũng được coi là sự kiện định hướng công nghệ trong năm mới. Và trong năm 2015 này, có vẻ, trục công nghệ đã chuyển từ các thiết bị cầm tay như smartphone hay tablet sang hệ thống nhà thông minh hay Internet of things.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là dù Internet of things đã xuất hiện từ lâu nhưng tại sao mãi cho tới năm nay, đây mới thực sự được coi là 1 xu hướng công nghệ tiềm năng?
Smartphone và tablet đã tới thời kì cực thịnh
Có thể nói, trong khoảng 2 năm trở lại đây, người dùng và cả giới chuyên gia đã nói rất nhiều tới "ngày xuy thoái" của những thiết bị cầm tay như smartphone và tablet... Tuy nhiên, điều mà dù người dùng lạc quan nhất cũng không thể nghĩ tới chính là thời điểm mà smartphone và máy tính bảng có dấu hiệu "chững lại" đang tới dần.
Tại sao vậy? Thứ nhất, trong bối cảnh mà công nghệ ngày càng tân tiến, liên tục có những phát minh, sáng kiến được ra đời thì smartphone hay tablet vẫn đang dậm chân tại chỗ tại thời điểm cách đây 2 năm.
Minh chứng là dù các thiết bị cầm tay luôn được nâng cấp hàng năm, từ vi xử lý cho tới màn hình, bộ nhớ RAM và cả trải nghiệm camera... Tuy nhiên, những nâng cấp thực sự trên những sản phẩm thế hệ mới lại hoàn toàn không xuất hiện.
Họa chăng như Samsung và Apple đã đưa công nghệ cảm biến vân tay và theo dõi sức khỏe lên những smartphone cao cấp của mình. Nhìn chung, đây vẫn là những công nghệ cũ nhưng được biến hóa lại và tạo sức ảnh hưởng bởi những tên tuổi lớn.
Thứ hai, những tính năng được cho là "bá đạo" trên smartphone hay tablet hầu như đều có thể thay thế bởi các sản phẩm chuyên trách khác. Ngay từ những ngày đầu ra đời, nhiệm vụ tiên quyết của 1 chiếc điện thoại chính là việc liên lạc thì giờ đây, ngay cả 1 chiếc đồng hồ thông minh cũng có thể gọi điện và lướt web.
Tất nhiên, vai trò của smartphone hay máy tính bảng là khó có thể thay thế bởi dù sao, 1 thiết bị all-in-one với kích thước nhỏ nhẹ sẽ tỏ ra tiện lợi hơn nhiều so với các sản phẩm chuyện dụng khác. Nhưng nói để thấy, các thiết bị thông minh cầm tay đã không còn là số 1 và thay vào đó là xu hướng mới - đánh vào những trải nghiệm thiết yếu hơn đối với con người.
2015 sẽ là năm của Internet of Things
Nằm ngoại dự đoán của các chuyên gia công nghệ, thay vì tập trung vào các smartphone hay tablet, các ông lớn như LG, Samsung hay là cả Sony cũng bắt đầu chi đậm vào công nghệ nhà thông minh hay Internet of Things.
Cụ thể, tại sự kiện mở màn CES 2015 của LG, hãng đã liên tục nhấn mạnh vào việc hãng muốn đẩy mạnh công nghệ IoT với hệ thống LG HomeChat - smarthome do chính LG phát triển. Trong đó, nhà sản xuất Hàn Quốc đã tung ra hàng loạt các sản phẩm thông minh như TV màn hình cong tích hợp nền tảng webOS 2.0 dành cho smartTV nói chung.
Hoặc như Music Flow - hệ thống âm nhạc giúp chơi cùng 1 bài nhạc trên tất cả các thiết bị loa đài. Tất nhiên, ngoài chiếc TV thông minh với vô vàn tiện ích, không có nhiều nâng cấp về mặt tính năng chính trên các sản phẩm được LG giới thiệu. Tuy nhiên, việc tập trung vào xu hướng IoT hứa hẹn sẽ mở ra thêm nhiều hướng đi mới cho làng công nghệ thời giới trong năm nay với tiêu chí: "Cuộc sống ngày càng tốt hơn."
Ở một chiến tuyến khác, dù được kì vọng rất nhiều vào chiếc siêu phẩm Galaxy S6, nhưng tương tự như cách mà LG xuất hiện tại CES 2015, Samsung đã cho thấy 1 bộ mặt khác của mình khi hãng chỉ tập trung vào các sản phẩm Internet of Things cũng như smarthome trong sự kiện lần này.
Theo đó, "con rồng" của Châu Á cũng đầu tư khá nhiều tiền của vào lĩnh vực kính thực tế ảo khi tung ra 1 ứng dụng nghe nhạc, xem video dành riêng cho chiếc kính thực tại ảo của hãng - Gear VR, có tên Milk VR - khá giống với ứng dụng nhạc streaming, đem tới đầy đủ những trải nghiệm âm thanh 360 độ khi bạn chìm đắm trong không gian 3 chiều.
Bên cạnh đó, những chiếc smartTV cũng như các sản phẩm giải trí của Samsung được ra đời trong năm nay sẽ là Tizen OS do chính hãng này phát triển. Hoặc như bộ sưu tập Chef Collection của nhà sản xuất Hàn Quốc bao gồm: tủ lạnh, máy giặt, máy hút bụi, lò nướng, lò vi sóng. Tất nhiên, các thiết bị này đều đươc tích hợp những tính năng thông minh, mở ra 1 kỷ nguyên mới cho các sản phẩm Internet of Things.
Vậy tại sao lại là Internet of Things
Chắn chắn rồi, thay vì smartphone và tablet, Internet of Things sẽ lên ngôi trong năm nay và cả trong tương lai. Vậy Internet of Things hay IoT thực sự là gì?
Được biết, đây là thuật ngữ dùng để chỉ các đối tượng có thể được nhận biết, cũng như chỉ sự tồn tại của các thiết bị thông minh trong một kiến trúc mang tính kết nối. Cụ thể, các máy móc, thiết bị có thể dễ dàng nhận biết và phản hồi lại môi trường xung quanh, chúng cũng có thể tự điều khiển bản thân mà không cần đến kết nối mạng.
Ví dụ đơn giản như một chiếc tủ lạnh thông thường sẽ chẳng thể kết nối với thiết bị khác. Nếu chúng ta muốn ghi lại nhiệt độ ở từng thời điểm của tủ, hay đơn giản là chỉ chọn và sắp xếp thức ăn theo từng loại thực phẩm, thì chỉ có cách ghi lại hoặc lựa chọn thủ công rồi nhập vào một thiết bị lưu trữ nào đó.
Hay như một bóng đèn neon ở nhà, chúng ta muốn chúng bật/tắt, hay điều chỉnh độ sáng thì hầu hết vẫn phải thao tác theo phương pháp thủ công.
Còn nếu như các thiết bị được trang bị tính "thông minh", giúp con người thu thập tất cả những dữ liệu về mọi thứ xung quanh, chúng ta có thể theo dõi và kiểm soát mọi thứ, giúp giảm hao phí, chi phí và lỗ.
Sẽ thú vị ra sao nếu con người có thể biết chính xác khi nào các vật dụng cần phải sửa chữa, thay thế, khi nào chúng còn mới và khi nào thì chúng hết hạn sử dụng. Chưa kể đến việc chúng ta có thể kiểm soát chúng mọi lúc mọi nơi.
Đó có thể là một chiếc đèn thông minh có thể tự động bật/tắt khi cần thiết, một chiếc tủ lạnh biết báo lại số lượng cũng như nhu cầu thực phẩm của người dùng, 1 chiếc máy giặt biết điều chỉnh lượng nước, phân loại quần áo hay đơn giản là 1 ổ khóa thông minh giúp ta quên đi nỗi lo "chìa khóa ở đâu".
Và đó chính là nhu cầu cấp thiết nhất, nâng cao từ chính chất lượng cuộc sống con người chứ không phải chỉ là chạy đua smartphone, tablet - khi nâng cấp màn hình, lúc cải thiện RAM hay camera...
Tất nhiên, khi đó, smartphone hay máy tính bảng sẽ trở thành 1 chiếc điều khiển đa chức năng cho các thiết bị Internet of Things trong gia đình hay công việc, ngoài nhiệm vụ nghe, gọi, liên lạc thông thường.
Bao giờ Internet of Things sẽ bùng nổ?
Trong một thế giới mở, Internet of Things sẽ phức tạp hơn tất cả những gì chúng ta đang tưởng tượng, bởi nó bao gồm một lượng lớn các đường liên kết giữa những thiết bị, máy móc, dịch vụ với nhau.
Thêm vào đó, mức giá của các thiết bị này còn khá đắt đỏ hoặc như chi phí lắp đặt, vận hành cũng tốn kém hơn so với 1 sản phẩm thông thường. Giả sử như 1 bộ đèn cầu thang gồm bóng đèn và công tắc sẽ chỉ có giá vài chục ngàn trong khi 1 bộ bật tắt đèn thông minh do chính Việt Nam sản xuất lại có mức giá tới 1,5 triệu đồng. Do đó, sẽ ít ai có thể mơ ước tới 1 căn nhà thông minh nếu không sở hữu mức thu nhập khá trở lên.
Đặc biệt, trong hệ thống Internet of Things, tính chính xác như vị trí địa lý, thời gian hay dữ liệu là rất quan trọng. Trong khi đó, Internet chủ yếu được sử dụng để quản lí thông tin được xử lý bởi con người, nên những thông tin như địa điểm, thời gian, không gian của đối tượng không mấy quan trọng bởi người xử lí thông tin có thể quyết định các thông tin này có cần thiết hay không.
Còn như lý thuyết về Internet of Things, các thiết bị sẽ tự thu thập rất nhiều dữ liệu, và việc xử lí 1 khối lượng lớn dữ liệu trong thời gian ngắn đủ để đáp ứng cho hoạt động của các đối tượng cũng là một thách thức hiện nay.
Do đó, để Internet of Things thực sự bùng nổ sẽ cần khá nhiều thời gian nữa, nhưng chắc chắn 1 điều rằng, xu hướng này sẽ chính thức được phổ biến kể từ năm nay. Và hy vọng trong thời gian tới, Internet of Things cũng như các thiết bị thông minh thế hệ mới sẽ phát huy được đúng khả năng của mình, chứ không chỉ dừng lại ở lý thuyết xuông như "bức tranh muôn màu" được các ông lớn tô vẽ trong CES 2015 này!