THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:19

Phát triển Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại buổi thăm, làm việc với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại buổi thăm, làm việc với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Báo cáo với Phó Chủ tịch nước và đoàn công tác, ông Hoàng Việt Trung,  Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế cho biết, thời gian qua, công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế đã được triển khai và đạt kết quả rất quan trọng. Di sản văn hoá Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đến nay, Huế có 5 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới, gồm: Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Đặc biệt, sau gần 30 năm được Unesco công nhận là di sản văn hoá thế giới, với 2 đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể đã có tổng cộng gần 200 công trình và hạng mục công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được bảo tồn tu bổ, phục hồi, tôn tạo; đã di dời hơn 1.800 hộ dân ra khỏi khu vực I bảo vệ các di tích Kinh thành Huế. 

Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm phối hợp với TP Huế để thực hiện dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế - hợp phần di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, theo đó sẽ thực hiện di dời hơn 4.914 hộ dân (giai đoạn 1). Đến nay đã di dời được hơn 3.000 hộ, trả lại diện tích mặt bằng để phục vụ công tác tôn tạo di tích.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Phi vật thể cung đình thời Nguyễn cũng được đơn vị đặc biệt quan tâm chú trọng, đầu tư nghiên cứu môt cách bài bản, đồng bộ. Đơn vị đã tập trung nghiên cứu phục hồi các loại hình Nhã nhạc, Âm nhạc cung đình thời Nguyễn và một số lễ hội cung đình quan trọng nhất của triều Nguyễn như: lễ Tế Giao, lễ tế Xã Tắc, lễ Truyền Lô - Vinh quy bái tổ, lễ hội thi Tiến sĩ Võ; những lễ hội mang màu sắc văn hóa cung đình như Huyền thoại sông Hương, Đêm Hoàng cung, Hành trình mở cõi, Thiên hạ thái bình... 

Việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy hiệu quả và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ. 

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tặng quà cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tặng quà cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá Cố đô Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế. Phó Chủ tịch nước khẳng định, Thừa Thiên Huế là địa phương có những ưu thế rất đặc biệt về di sản. Huế là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; là Cố đô còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc, với mật độ di sản dày đặc, nhiều loại hình phong phú, cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật đặc biệt quý hiếm. Huế cũng là nơi có Di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Huế được mệnh danh là vùng đất “1 điểm đến, 5 di sản”, có 5 di sản đã được UNESCO vinh danh. Đồng thời, tỉnh cũng có 169 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt.

Mặt khác, Huế là nơi tập trung các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng với các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình bác học, nghệ thuật trang trí, mỹ thuật, ẩm thực, phong tục tập quán.

Tháng 12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54 về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bản tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. 

Để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ nên trên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, và trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế cần tập trung cho một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là:

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội về tầm quan trọng của văn hoá đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nâng cao nhận thức và hành động trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản Cố đô Huế, văn hoá Huế.

Tiếp tục phát huy những kết quả, thành tích đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế; quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới; đặc biệt là ý kiến chỉ đạo rất quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11/2021.

Thừa Thiên Huế cần nâng cao chất lượng phục vụ du khách tại các điểm di tích. Tích cực tìm cách tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Huế ở trong nước và quốc tế. Thường xuyên kiểm tra, rà soát tình trạng công trình để có biện pháp xử lý phù hợp, nâng cao giá trị và tuổi thọ của công trình. Phát huy giá trị văn hóa, gắn với phát triển du lịch, phục hồi và phát triển kinh tế hậu Covid-19. 

Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực; tuyên truyền, lan tỏa tình yêu và trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Huế cho cán bộ, nhân viên, nghệ sĩ, diễn viên và thế hệ trẻ. Tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ thống tin, xây dựng và nâng cấp cơ sở dữ liệu về các loại hình nghệ thuật để thuận lợi hơn trong quản lý và khai thác.

“Mong rằng, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân các dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục giữ gìn, phát huy những di sản văn hóa vô cùng quý báu, trở thành động lực và nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
2 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh