CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:57

Phát triển nhân lực cao gắn với thị trường, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch của các dòng vốn đầu tư

Chưa điều chỉnh các chỉ tiêu Kinh tế - Xã hội năm 2020

Phát biểu tại Quốc hội chiều 15/6, làm rõ thêm các ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước những thách thức và diễn biến khó lường của dịch Covid-19, quán triệt ý kiến kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ đã trình Quốc hội trước mắt chưa điều chỉnh các chỉ tiêu KT- XH năm 2020.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ chủ động điều hành các chính sách để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống, nhất là đối với người lao động, đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh.

Phát triển nhân lực cao gắn với thị trường, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch của các dòng vốn đầu tư - Ảnh 1.

Một số hình ảnh bên lề phiên họp Quốc hội chiều ngày 15/6, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Chủ động điều hành và điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn. 

Cùng với đó, chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn theo ngân sách trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong tổng mức vốn ngân sách Trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định. 

Phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Bộ trưởng nhấn mạnh, các định hướng và giải pháp lớn nêu trên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, tuy đã được kiểm soát tốt ở trong nước nhưng vẫn rất nghiêm trọng trên thế giới, nhất là các đối tác đầu tư thương mại lớn của nước ta. 

"Do vậy, yêu cầu quan trọng nhất đặt ra hiện nay là cần duy trì, củng cố nền tảng ổn định vĩ mô, bảo đảm an toàn, an ninh trên tất cả các khía cạnh của nền kinh tế nhất là an toàn xã hội, an toàn dịch bệnh, an ninh tài chính, tiền tệ, phản ứng chính sách nhanh, nhạy, kịp thời, chính xác nhằm chớp lấy thời cơ thuận lợi và nắm bắt, tận dụng được các cơ hội để phục hồi và phát triển", ông Dũng nói.

Về dự báo tình hình và khả năng tăng trưởng kinh tế năm 2020, tư lệnh KH&ĐT cho biết, hiện tại quốc tế đã đưa ra các dự báo khác nhau về tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam và thế giới. 

Mức độ chính xác và tính khả thi của mỗi dự báo phụ thuộc vào các biến số kinh tế xã hội, thời điểm kết thúc đại dịch và khả năng sản xuất được vaccine và thuốc điều trị đặc trưng. 

Theo dự báo chung, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tăng trưởng dương, đây là một dự báo tích cực đối với nền kinh tế nước ta, phản ánh hiệu quả các chính sách của ta trong thời gian qua là nhanh chóng kiểm soát, hạn chế tối đa được các thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra, cũng là để hỗ trợ cho tăng trưởng góp phần nhanh chóng chuyển từ trạng thái "cầm cự" sang phục hồi và phát triển.

Mặc dù nền kinh tế nước ta đang dần trở lại hoạt động bình thường nhưng qua kết quả thực hiện 5 tháng đầu năm và dự báo tăng trưởng quý 2 thì chưa thể tăng trưởng cao trở lại. Các chỉ số về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, sức mua trong nước v.v… vẫn đang còn ở mức thấp, đặc biệt là những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay.

Phát triển nhân lực cao gắn với thị trường, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch của các dòng vốn đầu tư - Ảnh 2.

Bộ trưởng Lao động - TB&XH Đào Ngọc Dung (giữa), Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cùng các đại biểu Quốc hội bên hành lang Quốc hội

Đón làn sóng hợp tác đầu tư nước ngoài mới

Về hỗ trợ các doanh nghiệp, ông Dũng cho biết, theo số liệu điều tra cho thấy các doanh nghiệp bao gồm cả các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về dòng tiền của các doanh nghiệp. 

Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhưng mức độ tiếp cận các giải pháp hỗ trợ của các doanh nghiệp còn rất khác nhau. Một số chính sách chưa đi vào cuộc sống, và còn khó tiếp cận.

Về tận dụng cơ hội, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để đón làn sóng hợp tác đầu tư nước ngoài mới trên tinh thần quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 50. 

Tận dụng cơ hội về vị thế, uy tín và hình ảnh đất nước Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian vừa qua, được quốc tế quan tâm nhưng vẫn duy trì được các kết quả tích cực trong tăng trưởng kinh tế. 

"Hiện nay Việt Nam đang trở thành một điểm đến an toàn cho đầu tư, thương mại và du lịch. Tuy nhiên đúng như một số các đại biểu đã đề cập, để đón nhận được làn sóng đầu tư mới này nhất là thu hút được các tập đoàn lớn, các nhà đầu tư lớn có rất nhiều việc cần phải làm, nhất là việc cải cách mạnh mẽ thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuẩn bị tốt các điều kiện như về hạ tầng, về đất đai, về lao động, về năng lượng, về quy hoạch", ông Dũng nhìn nhận.

"Chính sách phải ổn định nhất quán, các quyết định phải nhanh chóng, kịp thời", ông nói và chỉ ra, bên cạnh đó, cũng cần lựa chọn những dự án phù hợp với định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị và theo đó thì những dự án phải có sức lan tỏa, gắn kết và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và được tham gia vào các chuỗi giá trị của các doanh nghiệp mới. 

Các bộ, ngành, địa phương cần có hành động cụ thể với tinh thần chủ động hơn để tranh thủ sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư. Trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia lớn, có công nghệ cao và đứng đầu các chuỗi cung ứng chuỗi giá trị. 

Giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực trong trạng thái mới

Về đầu tư công, Bộ trưởng cho biết, kết quả giải ngân đầu tư công của 5 tháng đầu năm cho thấy có xu hướng tích cực và cao hơn so với cả cùng kỳ. 

Tuy nhiên, ông Dũng thẳng thắn nêu rõ, vẫn còn nhiều quy định về thủ tục chưa thực sự hỗ trợ được giải ngân vốn đầu tư công như về đấu thầu, xây dựng, đất đai, môi trường, v.v. làm mất nhiều thời gian trước khi triển khai thực hiện dự án. 

Mặt khác đầu tư công cũng cần phải có những kế hoạch và phải đi trước một bước so với thực tiễn của công tác thu chi ngân sách nhà nước để chuẩn bị tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. 

"Chính phủ đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành nguyên tắc tiêu chí định mức phân bổ vốn đầu tư cho nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 để có căn cứ xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đây là yếu tố rất quan trọng, bởi lẽ nguyên tắc tiêu chí định mức phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 trước đây không còn phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và không thể áp dụng được cho giai đoạn 2021- 2025", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đáng chú ý, tư lệnh KH&ĐT khẳng định, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực trong trạng thái mới

Đó là, "chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu chuyển dịch của các dòng vốn đầu tư, cấu trúc mới của nền kinh tế toàn cầu, hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, đào tạo lại người lao động đáp ứng được yêu cầu mới", Bộ trưởng Dũng nêu rõ, đi cùng với đó, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động. 

Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp gây nhũng nhiễu, thao túng, chi phối khi thực thi công vụ, vi phạm các quy định của pháp luật, làm chậm thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ và không đáp ứng yêu cầu. 

Chủ động đóng góp các nội lực chung toàn cầu trong xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là những lĩnh vực ta có thế mạnh và là nhu cầu như an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu và chủ động tham gia các luật chơi mới, quy chuẩn, thông lệ ứng xử chung mà chúng ta có lợi ích trên thế giới.

"Chúng ta đã làm được điều kỳ diệu về kiểm soát đại dịch Covid-19 với sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục làm được một điều kỳ diệu nữa đó là nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế", ông Nguyễn Chí Dũng nói. 


Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh