Phát triển nguồn nhân lực – Chìa khóa đưa logistics lên tầm cao mới
- Bài thuốc hay
- 17:41 - 15/12/2021
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Cần nhanh chóng phát triển logistics lên tầm cao mới để tận dụng tối đa những tác động tích cực đến từ việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời, ngành logistics cần hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để biến “nguy” thành “cơ”, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về logistics, góp phần thúc đẩy ngành logistics của nước ta phát triển lên một tầm cao mới trong thời gian tới.”
Nguồn nhân lực logistics vẫn còn nhiều hạn chế
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, phát triển nguồn nhân lực nói chung và trong ngành logistics nói riêng đang là chủ đề mà Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp luôn quan tâm nhằm giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đồng thời chuẩn bị cho việc phục hồi đà tăng trưởng sau tác động của dịch Covid-19. Đây là vấn đề không mới nhưng có ý nghĩa then chốt, quan trọng và cấp thiết, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế nói chung và ngành dịch vụ logistics nói riêng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành dịch vụ logistics phát triển; ban hành nhiều nghị định, quyết định, chỉ thị, kế hoạch và văn bản chỉ đạo nhằm đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho ngành logistics phát triển, hạn chế tối đa sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa trong nước và xuất, nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh chịu sự tác động nặng nề, chưa từng có của đại dịch Covid-19.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ; sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển khá nhanh, tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10-15%, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng trong nước và quốc tế, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam 11 tháng đầu năm 2021 duy trì mức tăng trưởng hai con số, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa kinh tế của Việt Nam; năng lực cạnh tranh của ngành còn thấp, chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chủ quan chủ yếu của những hạn chế nêu trên đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực, chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới. Sự khó khăn về nguồn nhân lực của ngành logistics sẽ càng tăng thêm khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Cần rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở đào tạo về logistics
Nhấn mạnh đến vai trò nguồn nhân lực cho logistics là nhân tố nền tảng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của dịch vụ logistics Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam cho biết: Thời gian qua, các nhà quản lý cũng như các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở đào tạo luôn nỗ lực tạo ra đội ngũ nhân sự logictics có chất lượng cao, góp phần vào sự phát triển của ngành và giúp cho các doanh nghiệp logistics tối ưu hóa các hoạt động, các phương án kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics, ông Nguyễn Thanh Chương đề xuất cần có kế hoạch rà soát, sắp xếp quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có đào tạo về lĩnh vực logistics, làm sao gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu của thị trường nhân lực trong cả nước cũng như của từng vùng và từng địa phương. Đặc biệt, Chính phủ cần xem xét dành một khoản kinh phí cho các sở đào tạo đối với chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Đồng thời, xem xét đầu tư xây dựng một số trung tâm đào tạo nhân lực có trình độ cao, trọng điểm quốc gia ở cả 3 miền Bắc – Trung - Nam để hướng tới đào tạo chuyên sâu nhân sự các cấp độ vận hành và quản lý, góp phần nâng cao trình độ nhân lực logistics để có thể đáp ứng được sự phát triển ngày càng nhanh chóng của lĩnh vực này.