THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:14

Phát triển lĩnh vực lao động và xã hội đạt trình độ các nước ASEAN vào năm 2025

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà dự và chủ trì hội thảo, cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ; một số Sở LĐ-TB&XH; ILO, UNICEF. Bộ Việc làm Liên bang Đức, GIZ, công ty IKEA tham dự với hình thức trực tuyến.

 Phát triển lĩnh vực lao động và xã hội đạt trình độ các nước ASEAN vào năm 2025 - Ảnh 1.

Hội thảo đánh giá Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ảnh: Tống Giáp.

Thúc đẩy quan hệ với hơn 150 đối tác song phương

Phát biểu tại hội thảo, bà Cao Thị Thanh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, về mục tiêu tổng quát Chiến lược hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động và xã hội (LĐ&XH) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với hai mục tiêu tổng quát, đó là phát huy tiềm năng nội lực, lợi thế so sánh của Việt Nam, tranh thủ tối đa môi trường, nguồn lực quốc tế góp phần thực hiện mục tiêu phát triển LĐ&XH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phấn đấu phát triển lĩnh vực LĐ&XH đạt trình độ các nước ASEAN-6 vào năm 2020 và kịp các nước ASEAN-4 vào năm 2025.

Trên cơ sở đó, Chiến lược cũng đưa ra 4 mục tiêu cụ thể: Hoàn thiện thể chế về LĐ&XH theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế dựa trên tiêu chuẩn lao động của ILO; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu tham gia vào thị trường lao động khu vực và toàn cầu; tăng cơ hội việc làm có chất lượng cho người lao động; phát triển hệ thống an sinh xã hội quốc gia hiệu quả, tăng cường bảo vệ các nhóm yếu thế; huy động tối đa nguồn lực từ hợp tác xã đa phương, song phương, hợp tác với các cá nhân và tổ chức phi Chính phủ nước ngoài.

Trong Kế hoạch 1825 ngày 30/12/2016 Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành, bao gồm 5 nhiệm vụ ưu tiên, cụ thể: Hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực LĐ&XH; hội nhập quốc tế về lao động và việc làm; hội nhập về giáo dục nghề nghiệp; hội nhập quốc tế về an sinh xã hội; hội nhập ASEAN trong lĩnh vực LĐ&XH.

Điểm nổi bật trong quá trình 5 năm thực hiện Chiến lược, đó là việc thúc đẩy quan hệ với hơn 150 đối tác song phương, đa phương, phi chính phủ trong lĩnh vực LĐ&XH. Hơn 200 văn bản hợp tác dưới các hình thức khác nhau như: Hiệp định, thỏa thuận, biên bản ghi nhớ… Thúc đẩy thực hiện các cam kết lao động quốc tế trong FTA, Bộ đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với các vấn đề cam kết về lao động trong các thỏa thuận này. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia được 7/8 Công ước cơ bản của ILO.

 Phát triển lĩnh vực lao động và xã hội đạt trình độ các nước ASEAN vào năm 2025 - Ảnh 2.

Bà Cao Thị Thanh Thủy cho biết: Điểm nổi bật trong quá trình 5 năm thực hiện Chiến lược, đó là việc thúc đẩy quan hệ đối tác với hơn 150 đối tác song phương. Ảnh: Tống Giáp.

Về những thuận lợi trong quá trình triển khai Chiến lược hội nhập, theo bà Thủy, đó là việc thiết lập cơ chế chỉ đạo, điều phối các hoạt động hội nhập quốc tế về LĐ&XH giữa các cơ quan Trung ương, giữa Trung ương và địa phương; cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát các hoạt động hội nhập, hợp tác quốc tế về LĐ&XH. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn những khó khăn như, ngân sách nhà nước được bố trí trong kinh phí hàng năm của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương chưa đủ để thực hiện; việc luân chuyển cán bộ, trình độ, số lượng chưa đủ, thiếu cán bộ biết ngoại ngữ; khả năng nghiên cứu tiếp cận các quan điểm mới, xu hướng mới trong hội nhập quốc tế của ngành còn hạn chế. Theo kết quả khảo sát về năng lực cán bộ thực hiện hội nhập quốc tế của các đơn vị thuộc Bộ cho thấy tỷ lệ cán bộ biết ít nhất một ngoại ngữ chiếm 67%; tỷ lệ đơn vị có cán bộ chuyên trách về hợp tác quốc tế chiếm 61%.

Việt Nam gia nhập 7 công ước Liên hợp quốc, 25 công ước của ILO

Về tình hình gia nhập các Công ước quốc tế trong lĩnh vực thể chế giai đoạn 2016 - 2020, bà Nguyễn Thanh Mai, Vụ Pháp chế cho biết, đến nay Việt Nam đã gia nhập: 7 công ước Liên hợp quốc; 25 công ước của ILO. Về tình hình nội luật hóa, bao gồm: Bộ luật Lao động năm 2019; Luật Trẻ em năm 2016; Bộ luật Hình sự năm 2017; Luật Thi hành án hình sự 2019; Luật Dân quân tự vệ 2019.

Chia sẻ về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, bà Vũ Lan Hương, Phó Chánh văn phòng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho biết, trong thời gian qua các hoạt động, dự án của Tổng cục đều triển khai theo kế hoạch và đạt được mục tiêu đã đề ra. Tổng cục đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, cơ sở giáo dục trong triển khai các hoạt động; đặc biệt trong thí điểm thành lập các hội đồng ngành (nông nghiệp, du lịch, khách sạn, logistic…). Cùng với đó là sự thay đổi tích cực về nhận thức của xã hội, của người lao động, do vậy đã thu hút được sự hợp tác quốc tế trong phát triển kỹ năng nghề, hình ảnh về GDNN.

 Phát triển lĩnh vực lao động và xã hội đạt trình độ các nước ASEAN vào năm 2025 - Ảnh 3.

Bà Vũ Lan Hương: Xây dựng khuôn khổ pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài cho các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và phát triển GDNN nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn, đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin, trình độ ngoại ngữ của giáo viên và học sinh còn hạn chế, dẫn đến các hoạt động hợp tác chưa thực sự hiệu quả. Kinh phí đối ứng cho các hoạt động hội nhập, hợp tác quốc tế còn chưa tương ứng với tiềm năng hợp tác; phần lớn phụ thuộc vào đối tác quốc tế và chưa đảm bảo được tính bền vững của các hoạt động.

Tăng cường đào tạo cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế

Đề xuất các nhiệm vụ ưu tiên cụ thể đến năm 2025, bà Hương cho biết, Tổng cục GDNN đang xây dựng Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021- 2025 với các nhiệm vụ trọng tâm về hợp tác quốc tế bao gồm: Xây dựng khuôn khổ pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài cho các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và phát triển GDNN nói riêng. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đánh giá đảm bảo đáp ứng được sự thay đổi của khoa học, công nghệ và yêu cầu sản xuất, kinh doanh của ngành công nghiệp thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm quốc tế, tham gia là thành viên, mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế về kiểm định, công nhận chất lượng GDNN; phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề. Đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới, đặc biệt là trình độ công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Tiếp tục triển khai đào tạo thí điểm và nhân rộng mô hình các bộ chương trình được chuyển giao từ các nước có hệ thống GDNN phát triển. Tham gia xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện các tiêu chuẩn và khung tham chiếu trình độ giữa các nước ASEAN. Tăng cường đàm phán, ký kết thỏa thuận lẫn nhau về văn bằng, chứng chỉ GDNN với các nước trong khu vực và thế giới...

 Phát triển lĩnh vực lao động và xã hội đạt trình độ các nước ASEAN vào năm 2025 - Ảnh 4.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tống Giáp.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu kiến nghị cần tăng cường nguồn lực tài chính, nhân lực cho việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách xã hội, lao động, việc làm; tăng cường công tác thông tin truyền thông; đào tạo cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế, đặc biệt là tại các địa phương; Trung ương sớm ban hành các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia giai đoạn mới để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai; hoàn thiện pháp luật (xây dựng Luật An sinh xã hội, hoàn thiện sửa đổi Luật đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng). Nên có chính sách khuyến khích các cơ sở GDNN trong tự chủ hợp tác quốc tế; mở rộng hơn nữa về hợp tác quốc tế trong GDNN; có chính sách thu hút cho những lao động thuộc diện hộ nghèo muốn đi lao động nước ngoài vì đây cũng là cách để giảm nghèo có hiệu quả.

THANH HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh