THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:52

Phát triển doanh nghiệp: Con số 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 vẫn là thách thức

IMG_20220913_205116

Buổi làm việc diễn ra ngày 13/9/2022, do Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban chỉ đạo; Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc; Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công chủ trì buổi làm việc.

Tham dự có các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập Tổng kết Nghị quyết; đại diện Lãnh đạo các ban, bộ, ngành; đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, các sở, ban, ngành của tỉnh Nam Định.

Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh

Phát biểu khai mạc, ông Trần Tuấn Anh, nêu rõ: Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết riêng về đội ngũ doanh nhân.

Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đã nêu rõ nhiệm vụ xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân.

Sau khi Nghị quyết số 09 được ban hành, các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 09 và đã đạt kết quả bước đầu.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, lần đầu tiên, cụm từ “doanh nhân” đã được xuất hiện trong Hiến pháp năm 2013. Các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII và XIII và nhiều Nghị quyết, văn bản của Đảng đã xác định đội ngũ doanh nhân có vai trò quan trọng, doanh nghiệp là lực lượng chủ lực, động lực quan trọng, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, ổn định đời sống của Nhân dân.

Nhờ những nỗ lực này mà đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã ngày càng phát triển.

Tính đến 31/12/2021, Việt Nam đã có gần 860 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 15,3 nghìn hợp tác xã phi nông nghiệp và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh

Tuy nhiên, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt như kỳ vọng. Phát triển doanh nghiệp về số lượng chưa đạt mục tiêu đề ra và con số 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 vẫn là thách thức lớn.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh

Đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức

Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức từ cuộc CMCN 4.0, đại dịch Covid-19, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng… Trong bối cảnh đó, việc tổng kết 10 năm việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 đưa nước ta thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

Kết quả tổng kết là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp nhằm xây dựng và phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới, dưới tác động của quá trình hội nhập sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học công nghệ, thay đổi về địa chính trị và xu hướng bảo hộ,… góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra là đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Bộ Chính trị giao Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phụ trách Đề án tổng kết 10 năm việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW; Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là cơ quan chủ trì.

Để có thêm thông tin, cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng Báo cáo tổng kết, Ban Chỉ đạo Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 100-KH/BKTTW, ngày 01/8/2022 về khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW tại một số địa phương, bộ ngành, trong đó có Nam Định.

Ông Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định khẳng định: Bộ Chính trị khóa XI ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW là rất quan trọng, giúp cho các tỉnh, thành, trong đó có Nam Định lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp phát triển.

Từ năm 2011 đến nay, Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành nhiều Nghị quyết lãnh đạo thúc đầy phát triển cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân. Số lượng doanh nghiệp của tỉnh hằng năm đều có xu hướng tăng nhanh chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Lao động - TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi làm việc

Thứ trưởng Bộ Lao động - TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi làm việc

Tính đến ngày 31/7/2022, Nam Định có tổng số 10.958 doanh nghiệp (gấp 2,6 lần năm 2011) và 845 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký hơn 100.000 tỷ đồng. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2022, có 705 doanh nghiệp và 36 chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 6.148 tỷ đồng…

Trong thời gian vừa qua, Nam Định cũng đã có những bước đi khác biệt trong thu hút đầu tư; chọn lựa các lĩnh vực, nhà đầu tư phù hợp. Các loại hình doanh nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng trong tăng tưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh.

Số doanh nghiệp ở Nam Định còn khiêm tốn, đứng thứ 26/63 cả nước

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại Nam Định vẫn còn khiêm tốn, chỉ khoảng 6.455 doanh nghiệp tính đến 31/12/2021, đứng thứ 8/11 trong vùng Đồng bằng sông Hồng, thứ 26/63 cả nước. Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động tại Nam Định chưa cao, chỉ đạt 3,5 doanh nghiệp/1.000 người, đứng thứ 10/11 trong vùng đồng bằng sông Hồng (chỉ cao hơn Thái Bình), đứng thứ 60/63 cả nước.

 Trong khi đó, tỉnh vẫn còn rất nhiều tiềm năng để có thể phát triển doanh nghiệp, nhất là từ khu vực hộ kinh doanh, làng nghề. Hiện Nam Định có hơn 105 nghìn hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, đứng thứ 5/11 trong vùng đồng bằng sông Hồng, thứ 12/63 cả nước.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự chuẩn bị của Tỉnh uỷ cho chuyến khảo sát của Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo, nhất là báo cáo của Tỉnh về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị; ghi nhận một số kết quả mà Tỉnh đã làm được trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị cũng như một số tồn tại, hạn chế mà Nam Định cần nhìn nhận một cách thẳng thắn trong công tác lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết;

Kết quả phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân còn hạn chế so với tiềm năng của Tỉnh cũng như so với mặt bằng chung của khu vực và cả nước; thiếu những giải pháp đột phá, thực chất hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển; đặc biệt trong phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề…

Ông đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục chủ động, sâu sát, nắm chắc tình hình tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn vướng mắc, để có giải pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nhân, doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các ngành; đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp; coi doanh nhân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

Tiếp tục nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư; đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân trong các làng nghề.

Nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Đây là nhiệm vụ quan trọng giúp Tỉnh tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp trong giai đoạn tới, thực hiện mục tiêu đạt 14,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký tính đến năm 2025.

Nghiên cứu ban hành các nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp, phát triển đội ngũ doanh nhân, trong đó lưu ý không chỉ về số lượng mà còn chú trọng về chất lượng.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh