THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:48

Phát triển chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Quan tâm, chăm sóc 1.000 ngày đầu đời cho trẻ em

Theo bà Quỳnh Dao, chiến lược về xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số bất cập.

Thứ nhất, về công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể lực, trí lực cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bà Dao cho biết, để phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nước nhà thì giai đoạn đầu đời phải tăng cường công tác đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Bởi vì điều này sẽ giúp cải thiện được sức khỏe, tầm vóc, phát triển trí não, tăng cường khả năng học tập. Thế nhưng, theo báo cáo của UNICEF và Ngân hàng Thế giới năm 2019, có gần 1/3 trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thiếu dinh dưỡng ở thể thấp còi và con số này cao hơn gấp 2 lần so với tỷ lệ của trẻ em dân tộc Kinh.

Phát triển chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao.

"Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng phát triển về trí lực, khả năng học tập, ảnh hưởng đến năng suất lao động sau này. Theo một số chuyên gia đánh giá, việc ảnh hưởng đến năng suất lao động sẽ giảm đi 10%, tổng mức thu nhập suốt đời của một cá nhân và đối với đất nước sẽ giảm đi 3% GDP hàng năm. Nguyên nhân là do đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, cho nên việc tiếp cận các dịch vụ y tế tốt nhất cũng chưa có và kiến thức về chăm sóc, nuôi dạy trẻ em cũng còn hạn chế", bà Dao nhấn mạnh.

Vấn đề thứ hai bà Dao nêu lên là chất lượng giáo dục dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn thấp dù thời gian qua đã có rất nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này thể hiện rõ mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường, chế độ giáo viên cũng được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu của thực tế và đáng quan tâm hơn là tỷ lệ học sinh bỏ học ở cấp trung học cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; con số mặc dù đã giảm theo từng năm. Năm 2016, tỷ lệ học sinh bỏ học là 1,48%, đến năm 2019 thì còn 1,13%. Tuy nhiên, hằng năm, có hàng nghìn trẻ em dân tộc thiểu số miền núi phải bỏ học và cao nhất là ở vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Theo thống kê của 32 tỉnh dân tộc thiểu số, miền núi thì rơi nhiều vào những dân tộc là Mông, Dao, Xê Đăng, Chăm, Ê Đê, Khmer.

Nguyên nhân một phần là do rào cản về ngôn ngữ, một phần do khoảng cách về mặt địa lý, nhưng theo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã khảo sát và đánh giá nguyên nhân là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn chiếm tới 45,5%. Điều này dẫn đến hệ lụy là các em sẽ khó có được kiến thức, kỹ năng trọn vẹn, dễ sa vào tệ nạn xã hội, mà quan trọng nữa là trong tương lai các em khó có cơ hội để tiếp cận những ngành nghề đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, do đó các em sẽ có thu nhập thấp, đời sống bấp bênh và từ đó sẽ tạo nên gánh nặng cho xã hội.

Tăng cường đầu tư y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Một vấn đề nữa được bà Dao đặt ra là việc thực hiện chính sách ưu tiên trong đãi ngộ, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số cũng còn có những bất cập. Hiện nay nhiều sinh viên cử tuyển ra trường chưa có việc làm, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân dễ thấy nhất chính là chưa giải quyết được mối quan hệ giữa đào tạo và quy hoạch hay là những địa phương có nhu cầu tuyển nhưng số lượng biên chế không cho phép vì đã đủ.

Thực tế đáng buồn nữa là tỷ lệ cán bộ nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ vẫn còn ít, trình độ sơ cấp, trung cấp chưa qua đào tạo trong cơ quan cấp tỉnh chỉ đạt 50%, cấp huyện con số cũng đáng buồn là chỉ có 80%. "Những bất cập này nếu như chúng ta không đề ra giải pháp một cách thỏa đáng thì khó lòng mà thực hiện được khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 mà trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã xác định, đó là về nguồn lực con người. Nếu như không giải quyết được nhu cầu bức thiết này thì chúng ta sẽ không thực hiện được vấn đề đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững không chỉ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà đối với cả nước", bà Dao nói.

Từ thực tế trên, đại biểu Châu Quỳnh Dao đề xuất với Chính phủ nhiệm kỳ mới cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế, cải thiện chất lượng y tế cấp huyện, cơ sở, cơ chế đãi ngộ lực lượng y, bác sĩ công tác tại vùng này. Thực hiện tốt việc chăm sóc thai sản, nuôi dạy trẻ nhỏ bằng tiếng dân tộc, địa phương trong công tác tuyên truyền để dễ hiểu. Tăng cường công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế. Nhất là nhân rộng mô hình dự án nông nghiệp dinh dưỡng trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm mở rộng phát triển sản xuất, cải thiện chế độ dinh dưỡng hằng ngày cho trẻ em và người lớn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ hai, Chính phủ cần phân bổ nguồn lực hợp lý và thực hiện tốt tiểu đề án về giáo dục đào tạo trong đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phát huy vai trò trách nhiệm của gia đình, môi trường, cộng đồng dân cư trong việc tuyên truyền, vận động mọi người đều chăm lo tiếp sức đến trường. "Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số không gì khác hơn là chính bản thân người đồng bào dân tộc thiểu số phải nuôi dưỡng khát vọng, phải nuôi dưỡng ý chí tự lực, tự cường để vượt qua những khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế", bà Dao nhấn mạnh.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh