THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:36

Phát huy nội lực giảm nghèo bền vững

 

Người nghèo làm chủ thể Chương trình giảm nghèo

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Sau 20 năm kiên trì mục tiêu giảm nghèo, Việt Nam đã giảm được ½ tỷ lệ hộ nghèo cùng cực và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đời sống người dân đã được nâng cao, hạ tầng kinh tế xã hội vùng nghèo dân tộc thiểu số nhiều đổi thay. Đặc biệt, người dân có điều kiện được tiếp cận những điều kiện cơ bản để tạo sinh kế, tăng thu nhập. Để đạt được những thành tựu đó, Việt Nam có nhiều giải pháp nhưng 1 giải pháp quan trọng là xây dựng được những mô hình giảm nghèo hiệu của tại cộng đồng. Nhờ đó đem lại kết quả giảm nghèo bền vững.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm tham quan gian hàng trưng bày những sản phẩm của người dân mang đến Hội thi.

 

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm thẳng thắn chỉ ra rằng, ở đâu có sự tham gia của cộng đồng thì ở đó người dân được cải thiện đời sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Điều đó cho thấy nếu phát huy được nội lực của cộng đồng thì giảm nghèo sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, những mô hình, cách làm hay phát huy nội lực cộng đồng chưa phải nơi nào cũng làm được. Điều này đã được Quốc hội, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương cùng chỉ ra. Đó là chưa lấy người nghèo làm chủ thể của Chương trình. Có nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo nhưng chưa phát huy tác dụng thậm chí tác dụng ngược. Ở đâu đó vẫn có những hộ gia đình có tư tưởng luôn muốn ở trong diện nghèo, địa phương  muốn nằm trong danh sách nghèo mà không muốn thoát ra. Điều đó là bất cập chính sách. Nhiều cái chính quyền làm thay người dân. Tất cả những tiếp cận như thế là không đúng.

“Từ năm 2016, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhìn nhận ra và quyết tâm thay đổi cách thức giúp người dân thoát nghèo. Theo đó, sẽ tập trung ưu tiên người nghèo, lấy người nghèo cũng như xã, huyện nghèo làm trung tâm. Cách làm  cũng sẽ thay đổi cả trong điều hành, phân bổ nguồn lực. Đặt người nghèo, thôn xóm bản ấp quyết định sẽ làm như thế nào. Còn các cấp tạo điều kiện, môi trường khuôn khổ pháp lý và tạo hỗ trợ để làm thế nào để người nghèo, thôn bản phát huy được thế mạnh vươn lên giảm nghèo. Đây chính là phương châm của Chương trình”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh.

Vấn đề phát huy huy nội lực thông qua các mô hình là giải pháp căn cơ, quan trọng nhất. Làm thế nào để phương châm này phát huy hiệu quả. Hội thi sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng để phát huy những mô hình giảm nghèo sẽ chọn mô hình hiệu quả nhất trao giải. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cái chính là từ Hội thi sẽ tiếp tục truyền thông, phổ biến, khích lệ, quan tâm tìm giải pháp, nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả. Làm thế nào thông qua các mô hình sử dụng hiệu quả các nguồn lực giảm nghèo. Có như thế mục đích cuộc thi mới đạt kết quả tích cực.

Sáng kiến thoát nghèo của chính người nghèo

Hội thi sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng nhằm thí điểm để tài liệu hóa mô hình/cách làm sáng tạo nhằm khuyến nghị áp dụng cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Hội thi sẽ giúp phát huy vai trò và nội lực của cộng đồng (đặc biệt là các nhóm phụ nữ DTTS) trong xây dựng và triển khai sáng kiến phát triển sinh kế gắn với tôn vinh giá trị sản phẩm bản địa, đảm bảo sự bền vững của môi trường, hướng tới sản xuất sạch để giảm nghèo bền vững và gia tăng giá trị cộng đồng. Thu hút, gắn kết, tăng cường và tôn vinh sự đóng góp, phối hợp giữa các tổ chức hội đoàn thể cấp trung ương và địa phương (Hội Phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thanh niên, cơ quan truyền thông, các cơ quan thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ,… trong việc đảm bảo tính bền vững của các sáng kiến giảm nghèo bền vững tại cộng đồng. Các mô hình/cách làm sáng tạo trong giảm nghèo bền vững thông qua phát huy vai trò cộng đồng và kết nối với các nguồn hỗ trợ, nhu cầu thị trường sẽ cung cấp minh chứng, kinh nghiệm cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 (đặc biệt là dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo).

Bà Lý Lở Mẩy (Sa pa, Lào Cai) giới thiệu sản phẩm tại Hội thi.

 

Đối tượng tham gia là các tổ/nhóm hộ gia đình dân tộc thiểu số (ưu tiên nhóm có 70% thành viên là phụ nữ DTTS), đang cùng nhau thực hiện các mô hình sản xuất kinh doanh, có mong muốn/ sáng kiến phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại của tổ/nhóm để tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình và phát triển kinh tế cộng đồng tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp đã và đang hỗ trợ các tổ/nhóm hộ phát triển ý tưởng và xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh sẽ là bạn đồng hành và tham gia với vai trò đối tác hợp tác/hỗ trợ của tổ/nhóm hộ tham gia Hội thi.

Ban giám khảo sẽ đánh giá theo 3 nhóm tiêu chí chính: Tiêu chí sáng tạo, giá trị xã hội, môi trường, bảo tồn văn hóa, giá trị bản địa, … của sản phẩm dịch vụ hiện tại. Tiêu chí phát triển bền vững của mô hình sản xuất kinh doanh của tổ nhóm: hướng thị trường, khả năng nhân rộng hiện tại và tương lai. Tiêu chí tự lực/phát huy nội lực: tạo ra được sự kết nối/hợp tác, đặc biệt là tăng cường tính liên kết của các thành viên/người dân, huy động nguồn lực cộng đồng. 

Hội thi thu hút 60 đội tham gia đến từ 16 tỉnh trong cả nước. Cơ cấu giải thưởng Hội thi: 1 Giải nhất: 20 triệu đồng; 2 Giải nhì mỗi giải 10 triệu đồng; 3 Giải ba mỗi giải 5 triệu đồng; 2 Giải khuyến khích, mỗi giải 3 triệu đồng; 1 Giải cho đội có sản phẩm được khán giả bình chọn nhiều nhất trị giá 3 triệu đồng và 1 Giải cho đội có sáng kiến sản xuất sạch và bảo tồn giá trị bản địa trị giá 3 triệu đồng.

Vân Khánh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh