THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:22

Chương trình giảm nghèo cần thay đổi nội dung, đi vào thực chất

Báo cáo về công tác giảm nghèo, Thứ trưởng Bộ LĐ - TBXH Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Các bộ, ngành đã chủ động rà soát, sửa đổi, bỏ sung các chính sách giảm nghèo theo lộ trình và tiến độ phù hợp với tình hình thực tế. Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm, các chính sách giảm nghèo tiếp tục được bố trí kinh phí và đã phát huy tác dụng, hỗ trợ có hiệu quả cho hộ nghèo, người nghèo.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo công tác giảm nghèo

Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, báo cáo kết quả sơ bộ của các địa phương cho thấy, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo cả nước là 15,1% (cao hơn hộ nghèo theo chuẩn cũ, tại thời điểm cuối năm 2015 tỉ lệ này là gần 5%), trong đó, tỉ lệ nghèo là 9,88%, tỉ lệ cận nghèo là 5,22%.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm, các lĩnh vực giảm nghèo tiếp tục được bố trí kinh  phí và đã phát huy tác dụng, hỗ trợ có hiệu quả cho hộ nghèo, người nghèo. Cụ thể, ngân sách đã bố trí khoảng 6.800 tỷ đồng để mua thẻ BHYT cho người nghèo, hộ cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình; cho 431.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn và 18.000 lượt học sinh, sinh viên vay vốn với doanh số cho vay là hơn 30.274 tỷ đồng; thực hiện cho vay hơn 155.000 lượt hộ đã thoát nghèo với doanh số 4.770 tỷ đồng…

Hộ nghèo vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển sản xuất

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá Bộ LĐ - TBXH  và các bộ, ngành liên quan đã làm tốt công tác điều tra số liệu về hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới; nỗ lực thực hiện Quyết định số 398/QĐ-TTg của Thủ tướng về kế hoạch triển khai Nghị quyết số 100/2015/QH13 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020.

 “Cần tập trung hoàn thành khuôn khổ thể chế của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn tới. Chính phủ sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, thay đổi nội dung và cách làm để 5 năm tới, để chương trình giảm nghèo đi vào thực chất hơn, góp phần phát triển đất nước…” - Phó Thủ tướng phát biểu và yêu cầu BCĐ rà soát danh mục các huyện, xã nghèo; rà soát chính sách đảm bảo thận trọng cho cả chính sách đã có và ban hành chính sách mới.

Mô hình nuôi dê thoát nghèo bền vững ở xã Phúc Thắng, huyện Sơn Động, Bắc Giang

Một số nơi vẫn phải duy trì chính sách cấp phát cho không, nhưng phải căn cơ, cụ thể, giảm bớt phần của Nhà nước càng nhiều càng tốt, huy động nguồn lực xã hội và ý chí vươn lên của người dân. Không bao cấp tràn lan để triệt tiêu động lực của người dân. Ngoài ra, tại một số đối tượng, lĩnh vực, địa bàn cũng cần có tính toán kỹ càng khi xóa bỏ chính sách cấp cho không phải gắn liền với giáo dục, tuyên truyền cho người dân và có chính sách hỗ trợ khác đi kèm…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “ Cần tích hợp các chương trình, giảm bớt số lượng văn bản của các bộ, ngành hướng dẫn thực hiện Chương trình. Nếu cần thiết có thể ban hành một văn bản sửa cho nhiều văn bản, thay đổi theo hướng phát huy ý chí khát vọng vươn lên thoát nghèo, làm giàu của người dân, làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Đồng thời có giải pháp tôn vinh, vinh danh các tấm gương thoát nghèo, không để các xã chạy vào danh mục xã khó khăn….”

Chương trình "Bò giống giúp hộ nghèo biên giới" giúp hàng vạn hộ đồng bào dân tộc thoát nghèo

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị cần có chính sách hỗ trợ thêm tín dụng thương mại để hỗ trợ các chương trình này với lãi suất hấp dẫn, ưu đãi, thủ tục thuận tiện hơn tác động đến các hộ nông trại, gia trại, trang trại, doanh nghiệp là những “cánh chim đầu đàn” trong thoát nghèo, tạo việc làm.

Cần sớm kiện toàn BCĐ ở Trung ương và địa phương, có bộ phận giúp việc chuyên nghiệp theo tinh thần cơ cấu lại trong số hiện có, cương quyết không tăng biên chế, không tạo tầng nấc trung gian, không làm chậm công việc; tăng cường công tác truyền thông, phát hành cẩm nang tuyên truyền về giảm nghèo đa chiều và các mô hình giảm nghèo hiệu quả.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, việc chuyển tiếp cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều khiến số hộ nghèo tăng lên. Hiện Bộ đang rà soát, tính toán để có kế hoạch phân bổ nguồn lực cho các địa phương. 

Ngọc Thanh/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh