Phát huy những giá trị tốt đẹp của tôn giáo trong công tác an sinh xã hội
- Dược liệu
- 19:16 - 31/08/2021
Đại diện các tôn giáo tại Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ do Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ
Việt Nam tổ chức ngày 27/5/2021.
Tôn giáo đồng hành cùng dân tộc
Ở nước ta, hiện có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Các tôn giáo chung sống hòa hợp, gắn bó, đồng hành với dân tộc. Các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tích luôn cực tham gia phong trào xã hội, từ thiện, xóa đói giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước.
Dù mỗi tôn giáo có đường hướng và phương châm hành đạo riêng, nhưng tất cả đều có cùng một định hướng đó là vì đạo pháp, vì dân tộc, vì lợi ích quốc gia.
Thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đóng vai trò trụ cột trong các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước và an sinh xã hội. Theo thống kê, toàn quốc có 126 cơ sở Tuệ Tĩnh đường, 655 phòng chẩn trị y học dân tộc, 1 phòng khám đa khoa thuộc các cơ sở phật giáo trên cả nước đang hoạt động hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục nghìn bệnh nhân. Giáo hội cũng luôn có mặt đúng lúc, kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, tham gia xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người có công với đất nước... Tổng kinh phí huy động cho công tác từ thiện, xã hội trong 35 năm qua của Giáo hội ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng.
Mặc dù nguồn lực tài chính còn khiêm tốn, nhưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn dành ưu tiên đặc biệt cho những đối tượng yếu thế trong xã hội, nhất là những người nghèo, người già không nơi nương tựa, người có công với cách mạng.
Toàn quốc hiện có trên 20 cơ sở nhà dưỡng lão do Giáo hội Phật giáo và phật tử điều hành, nuôi dưỡng trên 1.000 người cao tuổi. Toàn bộ kinh phí hoạt động do phật tử đóng góp.
Bên cạnh hệ thống nhà dưỡng lão, còn có các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và người cao tuổi cô đơn tỉnh Bình Dương vừa thành lập và đã đi vào hoạt động. Một số chùa tuy không thành lập nhà dưỡng lão nhưng vẫn đón nhận, chăm sóc các cụ già có nhu cầu nương thân cửa phật như: Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi của chùa Pháp Võ (TP. Hồ Chí Minh), chùa Khánh Quang (Khánh Hòa), Trung tâm Phật Quang (Kiên Giang)…
Không chỉ là những đóng góp về vật chất, những buổi Đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc và tưởng niệm các nạn nhân qua đời do tai nan giao thông do Giáo hội tổ chức trên mọi miền đất nước đã thu hút hàng triệu phật tử và người dân tham gia. Qua đó, giáo dục cho thế hệ trẻ đạo lý "uống nước nhớ nguồn" và nâng cao ý thức của người dân trong tham gia giao thông, đẩy lùi tai nạn.
Nhiều tổ chức tôn giáo trên cả nước lên đường tham gia nơi tuyến đầu chống dịch.
Tinh thần "nhập thế" lan toả yêu thương
Trước tác động của đại dịch Covid-19, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về phòng chống dịch Covid-19, các tổ chức tôn giáo trên cả nước đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các cơ sở tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo mình thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ về các nội dung phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đặc biệt, phong trào "Cởi áo cà sa khoác áo blouse trắng phòng, chống dịch Covid-19" do Giáo hội Phật giáo Việt Nam vận động đã được hàng nghìn các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tình nguyện đăng ký tham gia. Trong lễ xuất quân đợt 1 ngày 22/7 đã có 299 tình nguyện viên lên đường vào hỗ trợ các bệnh viện dã chiến tại TP.HCM.
Cùng với các bác sĩ, y tá, điều dưỡng, các tình nguyện viên đã luôn ở tuyến đầu chăm sóc các bệnh nhân mắc Covid-19, giúp người bệnh yên tâm điều trị trong các cơ sở y tế trên cả nước.
Phát huy những hoạt động thiện lành, nhiều tổ chức tôn giáo đã tự nguyện đăng ký sử dụng cơ sở thờ tự làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly cho bệnh nhân bị nhiễm Covid-19. Các chùa và cơ sở tự viện trong vùng tâm dịch mỗi ngày đã làm hàng ngàn suất cơm từ thiện chứa đựng yêu thương gửi đến đồng bào khó khăn, những người yếu thế trong xã hội, cũng như quan tâm đến các y, bác sỹ, lực lượng vũ trang nơi tuyến đầu chống dịch…
Trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh hiện nay, tinh thần "nhập thế" lại càng được các tổ chức tôn giáo phát huy và đồng hành cùng với hệ thống chính trị, nâng cao tinh thần quyết tâm chống dịch, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của các tổ chức tôn giáo trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa ban hành công văn trân trọng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những đóng góp của các tổ chức tôn giáo trong công tác an sinh xã hội. Đồng thời, đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố, các tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tôn giáo tiếp tục tham gia phòng, chống dịch Covid-19.