THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:51

Phát huy hiệu quả vốn vay tín dụng để thoát nghèo

Với  49 triệu đồng vay chương trình giải quyết việc làm từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Khoái Châu, chị Nguyễn Thị Tuyển - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ 2 của Hội Phụ nữ thôn Đức Nhuận, xã Dạ Trạch đã thực hiện chuyển đổi 8 sào ruộng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả,  chủ yếu là nhãn, bưởi, ổi (khoảng 200 cây bưởi, 100 cây nhãn, vài chục cây ổi).Chị Tuyển cho hay, vườn chủ yếu trồng bưởi Diễn và bưởi Tân Lạc, loại cây này dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần chăm sóc chu đáo là cho thu hoạch, mỗi cây trưởng thành cho thu hoạch  80 - 100 quả. Việc áp dụng kỹ thuật chăm sóc khéo léo cùng nguồn giống bưởi chuẩn làm quả thu hoạch không chỉ đảm bảo sản lượng mà chất lượng cũng không hề thua kém bưởi Diễn gốc. Bưởi Diễn tại đây khi mang ra thị trường Hà Nội có giá  25 - 35 nghìn đồng/quả với múi bưởi vàng ươm, mọng ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hàng năm, vườn cây ăn quả và chăn nuôi gà đã mang lại cho gia đình chị Tuyển thu nhập gần 130 triệu đồng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo

Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo

Là hội viên phụ nữ, chị Lê Thị Huyền vay vốn chính sách để phát triển mô hình chăn nuôi và làm nghề may. Chị Huyền nuôi 150 con lợn thịt, 25 con lợn nái với số vốn đầu tư gần 400 triệu đồng. Chị được vay tổng cộng 120 triệu đồng từ 3 chương trình, trong đó vay giải quyết việc làm 50 triệu đồng, vay hộ mới thoát nghèo 50 triệu đồng và vay NS&VSMTNT là 20 triệu đồng.Chị Huyền cho biết, chị biết đến nguồn vốn vay ưu đãi từ 10 năm nay, lúc đó chị được vay 20 triệu đồng, vay rồi trả, trả xong lại vay. Đến nay, gia đình chị có cơ ngơi tương đối khang trang. Ngoài ra, ngoài thời gian chăm đàn lợn, chị phát triển thêm nghề may truyền thống 30 năm của gia đình; chủ yếu may áo dài và comple. Những năm gần đây, công việc may khá thuận lợi, các sản phẩm áo dài chị cắt may được nhiều người tìm đến đặt hàng, qua đó  góp phần tăng thu nhập cho 3 lao động.Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Khoái Châu, Hoàng Văn Ngoạn cho biết: Để đồng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng và tiết kiệm thời gian, chi phí thấp nhất, Phòng giao dịch đã phối hợp thực hiện ủy thác với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn phân bổ đều khắp ở hầu hết thôn xóm, mỗi xã, thị trấn bố trí một điểm giao dịch, thực hiện các nghiệp vụ giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiết kiệm… phục vụ các đối tượng ngay tại địa bàn vào một ngày cố định trong tháng. Thực tế chứng minh, nguồn vốn chính sách đã tác động mạnh mẽ, tạo sức sống mới khi hầu hết  hộ nghèo và  đối tượng chính sách khác ở 25 xã, thị trấn được tiếp cận đầy đủ, thuận lợi nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

Huyện Khoái Châu đang triển khai 11 chương trình tín dụng chính sách thông qua 406 Tổ tiết kiệm vay vốn với gần 11.600 hộ vay vốn. Hiện nay, các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đều được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi dễ dàng, không phải thế chấp. Mục đích vay, phương án sử dụng vốn vay được cán bộ thẩm định kỹ càng và đồng hành cùng người dân trong suốt thời gian vay vốn, do vậy, người dân sử dụng vốn rất hiệu quả, nhiều hộ nhanh chóng thoát nghèo, ổn định đời sống, vươn lên khá - giàu, đồng thời góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” trong cộng đồng.Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua Phòng giao dịch NHCSXH huyện Khoái Châu đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế địa phương.

Bảo Châu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh