Phát huy hiệu quả nguồn nhân lực xuất khẩu lao động về nước
- Bài thuốc hay
- 22:41 - 28/11/2018
Nhiều địa phương không nắm được số liệu lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện Việt Nam có hơn 500 nghìn lao động đang làm việc hợp pháp tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau, chủ yếu là cơ khí, chế tạo, thiết kế nội thất, xây dựng, giúp việc gia đình, nông nghiệp... Hàng năm số lao động hết hạn hợp đồng trở về nước khá lớn. Với kinh nghiệm tích luỹ được, khi trở về, họ là nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ thị trường trong nước. Với những ưu thế về kỹ năng, kinh nghiệm, tác phong làm việc công nghiệp và trình độ ngoại ngữ, những người từng đi xuất khẩu lao động được xem là nguồn lao động có tay nghề, chất lượng cao.
Tuy nhiên, có một nghịch lý là nhiều lao động sau khi hết hợp đồng làm việc tại nước ngoài trở về nước vẫn không tìm được việc làm phù hợp, dù được đào tạo và có kỹ năng nghề cao. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước lại đang thiếu hụt lao động có tay nghề, trình độ.
Theo khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, hiện nhiều tỉnh thành không nắm được số liệu lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước, cũng không có sự tư vấn, hỗ trợ để họ có thể tìm được việc làm ổn định. Nhiều địa phương mới chỉ quan tâm đưa người đi xuất khẩu lao động chứ chưa quy định trách nhiệm cụ thể trong việc tổng hợp, đánh giá nguồn lực lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về theo địa bàn, ngành nghề, trình độ, tuổi tác, giới tính, nguyện vọng... Bên cạnh đó việc thực thi các quy định hỗ trợ tạo việc làm cho lao động xuất khẩu sau khi về nước còn thiếu những hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp xuất khẩu lao động và hệ thống hỗ trợ việc làm.
Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc phỏng vấn tuyển lao động xuất khẩu từ Hàn Quốc trở về tại Sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với tỉnh Hải Dương tổ chức
Khảo sát của ngành LĐ-TB&XH cũng cho thấy, tâm lý lo ngại khó tìm được việc làm khi về nước là một trong những nguyên nhân khiến người lao động tìm cách cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài sau khi hết hợp đồng làm việc. Hiện một số huyện có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã bị tạm dừng tuyển dụng lao động mới. Thực tế đó cho thấy, khâu kết nối giữa người lao động đi làm việc tại nước ngoài về nước với các doanh nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Trong bối cảnh đó, giải quyết việc làm sau hồi hương cho các lao động sau khi xuất khẩu lao động là vấn đề rất cần quan tâm để giảm thiếu số lao động trốn ở lại sau khi hết hợp đồng, cũng như khai thác nguồn lao động có kỹ năng này.
Cần những giải pháp kết nối người lao động “hậu xuất khẩu” với các doanh nghiệp
Để tận dụng nguồn nhân lực XKLĐ sau khi về nước, hiện nhiều địa phương đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức phiên giao dịch việc làm dành riêng cho người lao động xuất khẩu về nước. Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hàng chục phiên giao dịch việc làm, đồng thời đăng ký tìm việc và giới thiệu việc làm online cho đối tượng này trên website của trung tâm, tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt người lao động tìm việc... Tuy nhiên, số lao động được giải quyết việc làm vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ phát triển nhanh, nhu cầu lớn về lực lượng lao động trẻ có trình độ tay nghề của các khu công nghiệp, các công ty, tập đoàn nước ngoài. Thực tế hiện có nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu lớn đối với nguồn lao động này, nhưng lại thiếu “mối” kết nối doanh nghiệp với người lao động.
Để khắc phục sự lãng phí nguồn nhân lực “hậu xuất khẩu”, ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý, các cơ chế chính sách hỗ trợ lao động di cư, các chuyên gia lao động cho rằng, ngay khi có kế hoạch đưa người đi làm việc ở nước ngoài thì ngành chức năng, doanh nghiệp xuất khẩu và các địa phương cần phối hợp thiết lập ngân hàng dữ liệu về người xuất khẩu lao động khi trở về, quản lý thông tin về trình độ, nghề nghiệp, thị trường lao động; xây dựng phương án cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho các doanh nghiệp khi người lao động hết hạn hợp đồng về nước. Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm cần tiếp tục đổi mới hoạt động các phiên giao dịch nhằm kết nối cung - cầu lao động với doanh nghiệp tích cực, hiệu quả hơn...
“Bên cạnh việc quan tâm đưa người đi XKLĐ thì cần đánh giá nguồn lực lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về theo địa bàn, ngành nghề, trình độ, tuổi tác, giới tính, nguyện vọng… để từ đó có kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực này. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chúng ta cần sớm có chính sách để tận dụng nguồn nhân lực có tay nghề đã đi XKLĐ, đồng thời thiết lập nguồn dữ liệu về nguồn đi XKLĐ trở về để có kết nối được giữa cung và cầu”, ông Đào Công Hải, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước nhấn mạnh.