THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 12:51

Phát huy hiệu quả Đội Công tác xã hội tình nguyện trong tuyên truyền, hỗ trợ người bán dâm hoàn lương

Phát huy vai trò trong công tác phối hợp

Trong thời gian qua, Đội Công tác xã hội tình nguyện ở các địa phương trên cả nước nhìn chung đã phát huy vai trò trong công tác phối hợp giữa các hội, ngành, đoàn thể ở cơ sở góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân.

Nhờ đó, làm giảm số người nghiện mới phát sinh, số điểm, tụ điểm phức tạp về tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đơn cử như Hà Nội, năm 2019, Ban chỉ đạo xã, phường, thị trấn đã chủ động xây dựng kế hoạch và phân công cho tình nguyện viên triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, tính chất… của từng đối tượng.

Mặc dù còn hạn chế về kỹ năng, nhưng với lợi thế cư trú ổn định trên địa bàn, có uy tín ở cộng đồng, lực lượng tình nguyện viên đã tiếp cận tuyên truyền trực tiếp cho hàng chục ngàn lượt hộ gia đình có người trong diện nguy cơ cao vi phạm tệ nạn xã hội; 77.986 lượt đối tượng trong diện được phân công quản lý; cấp phát 120.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS.

Trong công tác phối hợp quản lý địa bàn, đối tượng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, đã thực hiện phương châm "vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng". Lực lượng tình nguyện viên bằng các hoạt động tích cực đã xây dựng được lòng tin, mối quan hệ tốt với dân cư cộng đồng, xây dựng được mạng lưới cộng tác viên ở cơ sở.

Phát huy hiệu quả Đội Công tác xã hội tình nguyện trong tuyên truyền, hỗ trợ người bán dâm hoàn lương - Ảnh 1.

Chia sẻ kinh nghiệm của các tình nguyện viên trên địa bàn thành phố Hà Nội tại một Hội thảo

Qua đó, đã phát hiện kịp thời các dấu hiệu phức tạp về tệ nạn ma túy, mại dâm, các biểu hiện nghi vấn có nguy cơ cao vi phạm tệ nạn xã hội của người được phân công quản lý giúp đỡ kịp thời báo cáo, đề xuất BCĐ có biện pháp giải quyết…

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, lực lượng tình nguyện viên tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền; công tác quản lý, giúp đỡ, hỗ trợ người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán, tiếp cận các dịch vụ pháp lý, y tế xã hội hòa nhập cộng đồng.

Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả hoạt động của Đội tình nguyện, rút kinh nghiệm về chỉ đạo triển khai, nội dung, hình thức hoạt động nhăm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tệ nạn xã hội.

Hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng

Hay ở Ninh Thuận, hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện tại Ninh Thuận 6 tháng đầu năm đã tích cực phòng, chống tệ nạn xã hội. Hiện trên toàn tỉnh có 7 Đội công tác xã hội tình nguyện ở các  xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thành phố với gần 50 tình nguyện viên.

Các Đội tình nguyện thường xuyên được củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực cho tình nguyện viên và chất lượng hoạt động của Đội.

Trong 6 tháng đầu năm Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã tổ chức nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm, giảm lây nhiễm và tác hại của HIV/AIDS, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng.

Đội công tác xã hội tình nguyện đã chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể liên quan tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách về phòng, chống tệ nạn xã hội; Hoạt động tuyên truyền tập trung vào các địa bàn trọng điểm về với các hình thức phong phú.

Ngoài ra, còn phối hợp với các cơ quan chức năng đã tiến hành triệt phá 9 mại dâm, mời làm việc 20 đối tượng, đã lập hồ sơ xử  phạt vi phạm hành chính 20 đối tượng với số tiền 8.200.000 đồng, kiểm tra 205 lượt/122 cơ sở  kinh doanh lưu trú trên địa bàn tỉnh.  

Phối hợp với lực lượng công an và các ngành liên quan, Đội công tác xã hội tình nguyện tham gia tích cực quản lý tốt địa bàn, điều tra rà soát đưa vào danh sách quản lý người hoạt động mại dâm; phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng kết hợp thực hiện các biện pháp ngừa, giảm tác hại về phòng chống HIV/AIDS trong phòng, chống mại dâm, tư vấn, hỗ trợ người bán dâm và nạn nhân bị mua bán trở về làm kinh tế ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng…

Hay Kiên Giang cũng là tỉnh xây dựng được các đội tình nguyện hiệu quả. Hiện trên toàn tỉnh có 115 Đội công tác xã hội tình nguyện với 881 tình nguyện viên. Các đội tình nguyện thường xuyên được củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực cho tình nguyện viên và chất lượng hoạt động của Đội.

Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã tổ chức nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm, giảm lây nhiễm và tác hại của HIV/AIDS, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng. Đội công tác xã hội tình nguyện đã chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể liên quan tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách về phòng, chống tệ nạn xã hội.

Phối hợp với lực lượng công an và các ngành liên quan, Đội công tác xã hội tình nguyện tham gia tích cực quản lý tốt điạ bàn, điều tra rà soát đưa vào danh sách quản lý 286 người hoạt động mại dâm, duy trì 5 mô hình "phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng kết hợp thực hiện các biện pháp ngừa, giảm tác hại về phòng chống HIV trong phòng, chống mại dâm".

Theo đó giúp đỡ nhiều đối tượng là người bán dâm và nạn nhân bị mua bán trở về làm kinh tế ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng.

Hiệu quả được đo đếm

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của Đội Công tác xã hội tự nguyện trong việc tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng, theo các chuyên gia, đó là lực lượng tích cực, luôn là những người đi đầu trong các hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm, và các hoạt động xã hội khác trên từng địa bàn xã, phường, tỉnh.

Bằng uy tín và trách nhiệm của mình, họ lôi cuốn người thân, bà con khối phố cùng tham gia, nhận thức đúng để phòng tránh và hỗ trợ các đối tượng hoàn lương.

Quá trình hoạt động, nhiều Đội Công tác xã hội tự nguyện trên cả nước đã xây dựng được những mô hình hay, cách làm hiệu quả. Không thể phủ nhận, trong tình hình các tệ nạn xã hội luôn có diễn biến hết sức phức tạp cần có sự chung tay, góp sức của các Đội công tác xã hội tự nguyện trong việc đấu tranh, phòng ngừa.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội công tác xã hội tự nguyện, theo các chuyên gia, một số Chi cục Phòng - chống tệ nạn xã hội ở các tỉnh đã và cần xây dựng kế hoạch tập huấn nghiệp vụ cho các tình nguyện viên và tổ chức đi học tập kinh nghiệm ở các tỉnh thực hiện hiệu quả mô hình này.

Cũng theo các chuyện gia, việc thành lập Đội công tác xã hội tự nguyện là chủ trương đúng. Bởi công tác đấu tranh, phòng, chống tệ nạn xã hội, cảm hóa những người lầm lỡ là cuộc chiến gian nan cần cả cộng đồng xã hội tham gia. Các thành viên Đội công tác xã hội tự nguyện là những người có thể dễ dàng tiếp cận để giúp đỡ, cảm hóa những mảnh đời từng lầm lỡ.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu kiện toàn lại các Đội công tác xã hội tự nguyện nên có những tình nguyện viên là người đã từng có quá khứ lầm lỗi, những người tâm huyết. Bởi chính họ sẽ góp phần làm mềm hóa hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn, góp phần xây dựng địa bàn trong sạch, lành mạnh. Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội tình nguyện, các chuyên gia cho rằng phải đưa vào Đội tình nguyện những người thật sự có tâm huyết, trách nhiệm; kiên quyết giải thể những Đội không hoạt động hiệu quả, tránh lãng phí ngân sách và ảnh hưởng đến công tác giữ gìn an ninh trật tự của địa phương.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tệ nạn xã hội. Các cấp ủy, chính quyền địa phương phải định hướng cho hoạt động của Đội tình nguyện bằng việc thông qua kế hoạch và hướng dẫn, uốn nắn hoạt động của Đội, tạo điều kiện về kinh phí và cơ sở vật chất cho Đội hoạt động.

Với chức năng làm cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, làm mềm hóa mối quan hệ giữa chính quyền với các đối tượng mắc tệ nạn xã hội, các Đội công tác xã hội tự nguyện đã trở thành "cánh tay nối dài" của chính quyền các xã, phường, thị trấn trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội, góp phần tích cực vào ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội trên các địa bàn trong cả nước.

Qua khảo sát, kiểm tra của Cục phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), đội công tác xã hội tình nguyện tại các địa phương hoạt động khá hiệu quả, giúp đỡ được nhiều người nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS, người bán dâm hoàn lương hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Theo đánh giá của các Sở LĐ-TB&XH, xuất phát từ tầm quan trọng của Đội tình nguyện ở các xã, phường, thị trấn, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH mong muốn cần có sự trợ lực tốt hơn, phối hợp hiệu quả hơn từ các cấp, các ngành đối với các Đội tình nguyện.

Qua đó, giúp việc xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm có sự chuyển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả thiết thực, lâu dài.

 

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh