Phát huy giá trị văn hóa để phát triển du lịch Thủ đô
- Văn hóa - Giải trí
- 06:58 - 25/09/2021
Lợi thế phát triển du lịch văn hóa của Hà Nội
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá gắn với phát triển du lịch là một trong những định hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với Thủ đô Hà Nội – mảnh đất giàu di sản, đây sẽ là lợi thế, tiềm năng lớn để phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hoá.
Quyết định số 4597/QĐ-UBND, ngày 16/10/2012 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã khẳng định quan điểm phát triển du lịch Hà Nội theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Thực hiện chủ trương này, Hà Nội đã tập trung phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xác lập vị trí mũi nhọn của “ngành công nghiệp không khói”, là nền tảng để đưa Hà Nội giữ vững vị trí trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Hiện, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản đô thị với gần 6.000 di tích văn hóa, lịch sử, trong đó: 16 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt; gần 1.200 di tích được xếp hạng quốc gia. Đặc biệt, Khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2010. Những điểm đến du lịch văn hóa trọng điểm của Thủ đô như: Khu di tích Phủ Chủ tịch; Khu phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng cổ ở Đường Lâm, chùa Hương… đã từng bước được đầu tư bài bản, đưa vào khai thác trong các tour du lịch văn hóa di sản. Cùng với đó là những di sản kiến trúc, lối sống, lễ hội, văn hóa ẩm thực… độc đáo, hấp dẫn du khách bốn phương.
Hà Nội còn tập trung số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 59% tổng số làng có nghề của toàn quốc, trong đó tiêu biểu như: Gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ... Từ các tiềm năng này, Hà Nội đang xây dựng thành các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng thu hút du khách.
Du lịch văn hóa là loại hình quan trọng, có sức hấp dẫn, góp phần phát triển bền vững; là một trong những dòng sản phẩm thu hút du khách trong nước và quốc tế tham quan, tìm hiểu đất nước, con người, lịch sử và văn hóa Việt Nam, cũng như Thủ đô Hà Nội. Trong những năm qua, ngành Du lịch Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu tích cực, từng bước khẳng định vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn. Giai đoạn 2016-2019, TP tăng trưởng khách bình quân đạt 10,1%/năm, tốc độ tăng năm sau cao hơn năm trước, năm 2019, Hà Nội đón 28,945 triệu lượt khách bằng 1/3 lượng khách du lịch cả nước, trong đó đón 7,025 triệu lượt khách quốc tế.
Tổng thu từ khách du lịch có sự tăng trưởng cao, bình quân 17,6%/năm, năm 2019 đạt 103.812 tỷ đồng, đóng góp 12,54% vào GRDP của thành phố (đóng góp trực tiếp là 5,16% và đóng góp gián tiếp là 7,38%). Hà Nội trở thành trung tâm du lịch lớn tiếp nhận và phân phối khách du lịch đến các tỉnh phía Bắc và cả nước. Hà Nội luôn trong danh sách bình chọn của Tổ chức Du lịch Thế giới cho các điểm đến hàng đầu của châu Á và thế giới.
Trên thực tế, du lịch văn hóa phát triển thì các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy. Điển hình ở Hà Nội, các đơn vị nghệ thuật truyền thống như Nhà hát múa rối Thăng Long đã hoạt động kinh doanh rất tốt, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách hàng năm, là điểm đến không thể thiếu của bất cứ du khách nước ngoài nào khi tham quan Thủ đô Hà Nội. Nhà hát giới thiệu tới du khách chương trình múa rối nước đặc sắc, độc đáo, du khách thêm hiểu về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Chương trình nghệ thuật du lịch thực cảnh được đầu tư quy mô, ấn tượng như Tinh hoa Bắc bộ...
Có thể nói, Hà Nội có những thế mạnh về văn hóa mà không phải địa phương nào cũng có được. Trong quá trình phát triển, Hà Nội luôn xác định tăng cường bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; qua đó tạo cơ hội cho việc phát triển du lịch Thủ đô.
Một số giải pháp thúc đẩy hoạt động du lịch văn hóa của Hà Nội
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động du lịch văn hóa của Hà Nội vẫn còn một số hạn chế, như việc gắn kết du lịch với di sản văn hóa chưa có sự đột phá. Nhận thức của một số cán bộ các cấp, các ngành cũng như cộng đồng dân cư chưa thật sự đầy đủ về mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch. Nguồn lực đầu tư cho các nhà hát, các di tích danh thắng, di sản văn hóa… để nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch còn hạn hẹp. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa còn không ít khó khăn, thách thức; số lượng di tích xuống cấp hoặc bị xâm phạm còn nhiều... Ý thức bảo vệ di sản văn hóa của một bộ phận người dân chưa cao. Sản phẩm du lịch văn hóa chưa được khai thác thực sự hiệu quả. Chất lượng một số điểm đến du lịch còn hạn chế. Còn nhiều bất cập trong công tác bảo tồn các công trình kiến trúc cổ do cơ chế phân cấp quản lý chưa rõ ràng. Hoạt động quảng bá và giới thiệu các giá trị văn hóa của Thủ đô chưa được tổ chức rộng rãi. Hiệu quả khai thác kinh doanh và quảng bá du lịch, các điểm đến chưa cao. Việc khai thác tài nguyên du lịch nhân văn chưa xứng với tiềm năng.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy hoạt động du lịch văn hóa của Hà Nội, cần tập trung vào một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về gắn kết di sản văn hóa với phát triển du lịch ở các cấp, các ngành và tầng lớp nhân dân Thủ đô. Tăng cường đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn và nhận thức về du lịch của đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động trong ngành du lịch. Bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng về du lịch văn hóa cho cộng đồng dân cư trên địa bàn Thủ đô. Triển khai các dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng. Phát triển, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế của từng địa phương. Xây dựng hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa của các di tích lịch sử, các công trình văn hóa; đổi mới cải tiến các sản phẩm lưu niệm gắn với các di sản văn hóa, các làng nghề truyền thống của Hà Nội. Nâng cấp các điểm đến thuộc di tích, danh thắng phục vụ khách du lịch.
Rà soát, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, bảo tồn di sản văn hóa, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành liên quan trong công tác quản lý du lịch văn hóa; kiên quyết giải quyết, xử lý các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.
Tổ chức tốt các lễ hội trên địa bàn Hà Nội gắn với các hoạt động liên kết, quảng bá, thu hút khách du lịch. Chú trọng khai thác lợi thế văn hóa ẩm thực của Thủ đô Hà Nội. Tiếp tục triển khai hiệu quả việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư làm du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp du lịch đầu tư trực tiếp vào các điểm đến văn hóa hoặc khu vực lân cận để phát triển du lịch văn hóa cũng như các loại hình du lịch khác.
Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch Hà Nội. Đa dạng hóa các hình thức quảng bá du lịch thông qua các phương tiện truyền thông, tổ chức các sự kiện mang tính văn hóa. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm, phương pháp và kiến thức chuyên sâu trong hoạt động bảo tồn các di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững. Chủ động chuẩn bị tổ chức các sự kiện văn hóa - thể thao quốc tế lớn tại Hà Nội để thu hút khách du lịch quốc tế, qua đó thúc đẩy quảng bá du lịch văn hóa Thủ đô đến với các nước trên thế giới.