CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:35

Phát hiện tư liệu mới qua khai quật khảo cổ di tích Thành Nhà Hồ


Phát hiện tư liệu mới qua khai quật khảo cổ di tích Thành Nhà Hồ - Ảnh 1.

Kết quả trên càng có ý nghĩa khi năm 2021, Thành Nhà Hồ kỷ niệm 10 năm được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới.

Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích Thành Nhà Hồ năm 2020 của Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ và Viện Khảo cổ học Việt Nam cho thấy, công tác khai quật được triển khai với 2 hố khai quật mang ký hiệu 20.TNH.H1 (4.500 m2) và 20.TNH.H2 (3.500 m2), với tổng diện tích khai quật là 8.000 m2. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, về cơ bản địa tầng và tầng văn hóa của các hố khai quật năm 2020 tương tự như các hố khai quật từ năm 2004 và 2010, với sự xuất hiện các dấu tích kiến trúc, các lớp đất đắp gia cố thời Hồ và Lê Sơ.

Về di tích, đã xác định được 4 dấu tích kiến trúc thời Hồ, 2 lớp kiến trúc thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng, với các di tích móng cột gia cố, bó nền, nền kiến trúc…

Về di vật, đã tìm thấy nhiều loại hình vật liệu kiến trúc, như gạch trang trí hoa cúc, hoa sen, hoa đồng tiền thời Lý - Trần, hoa dây thời Lê sản xuất tại Thăng Long và nhiều loại hình gạch vuông, gạch chữ nhật, gạch có in chữ Hán được sản xuất tại Thành Nhà Hồ. Đồng thời, tại các hố khai quật còn tìm thấy khá nhiều mảnh gốm men thời Trần-Hồ và thời Lê Sơ.

Đợt khai quật khảo cổ học Thành Nhà Hồ năm 2020 có quy mô tương đối lớn, qua đó lần đầu tiên các nhà khoa học, khảo cổ học đã nhận diện khá rõ các di tích kiến trúc thuộc nhiều loại hình kiến trúc khác nhau của vương triều Hồ.

Các đợt khai quật cũng phát hiện thêm một số dấu tích kiến trúc thời Lê sơ (thế kỷ XV), thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVI - XVII), từ đó minh chứng cho quá trình sử dụng lâu dài Thành Nhà Hồ trong lịch sử.

Ngoài ra, căn cứ vào thư tịch cổ và vị trí các hố khai quật, đặc biệt là khu vực Nền Vua (hố 20.TNH.H1), đã làm xuất lộ một tổ hợp kiến trúc tương đối hoàn chỉnh, bao gồm kiến trúc chính ở trung tâm, phía trước có 2 kiến trúc cổng và dấu tích hệ thống hành lang bao quanh.

Từ tên gọi Nền Vua và vị trí, quy mô, bố cục kiến trúc, có thể đây là một dấu tích kiến trúc quan trọng bậc nhất ở khu trung tâm của kinh đô nhà Hồ.

Với hố khai quật phía Đông (hố 20.TNH.H2), dấu tích kiến trúc của Vương triều Hồ được nối tiếp thêm vào thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng. Qua đó, bước đầu nhận diện được 5 đơn nguyên kiến trúc thời Hồ, được kết cấu khá chặt chẽ bao gồm 1 kiến trúc chính ở trung tâm có 9 gian, kết hợp với một số kiến trúc có quy mô nhỏ hơn và hệ thống dấu tích hành lang bao quanh, được xây cất hết sức quy chuẩn và cẩn thận.

Từ kết quả khai quật khảo cổ năm 2020, các nhà khoa học, khảo cổ học đều thống nhất đây là nguồn tư liệu mới, có giá trị lịch sử, văn hóa rất cao, góp phần tìm hiểu kiến trúc Thành Nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực Chính điện và phía đông thành. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để phục vụ các dự án nghiên cứu, khôi phục dấu tích kiến trúc Thành Nhà Hồ trong những năm tới. Tuy nhiên, để di sản phát huy được vai trò, giá trị của nó, các cấp, ngành và địa phương cần sớm xây dựng được các kế hoạch, phương án, giải pháp để bảo vệ và bảo tồn di sản.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh