Phát hiện tồn dư chất độc cyanua trong 5 mẫu cá ở Hà Tĩnh
- Y học 360
- 15:04 - 25/08/2016
Theo báo Người Lao Động, đây là các mẫu cá được lấy tại gò cá xã Cẩm Nhượng, biển Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh (3 mẫu, gồm cá mu, cá đuối); Chợ Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên (6 mẫu, gồm ghẹ 3 mắt, cá nhồng, cá man, cá trạng buồn, cá mỏ neo, cá triềng).
Kết quả kiểm nghiệm (ngày 22/8) cho thấy, hàm lượng các kim loại nặng như thủy ngân, crôm, asen, chì, sắt trong các mẫu đều nằm trong giới hạn cho phép. Riêng trong mẫu cá trạng buồn có hàm lượng cadimi là 0,079mg/kg, vượt quá giới hạn cho phép. Ngoài ra, xét nghiệm cũng phát hiện tồn dư cyanua trong 5 mẫu cá: cá đuối (0,8 mg/kg); ghẹ 3 mắt (0,8 mg/kg); cá nhồng (0,6 mg/kg); cá man (0,5 mg/kg) và cá mỏ neo (3,9 mg/kg).
Bộ Y tế cho biết, sau khi xuất hiện tình trạng cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung, được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ liên tục lấy mẫu các loại cá, nước biển để phân tích, kiểm nghiệm.
Sau khi có kết quả kiểm nghiệm, Bộ Y tế đã gửi các kết quả này cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để làm căn cứ đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Cá chết hàng loạt tại ven biển miền Trung gây nhiều thiệt hại cho ngư dân miền Trung. Ảnh: Lê Hiếu.
Kết quả kiểm nghiệm của các mẫu cá lấy tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy mức độ ô nhiễm đã giảm dần theo thời gian. Tháng 7, có 7/27 mẫu cá bị ô nhiễm kim loại nặng (chiếm tỷ lệ 25,9%).
Đến ngày 19/8, trước thời điểm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố nước biển an toàn kết quả kiểm nghiệm cho thấy, 1/18 mẫu cá vượt ngưỡng an toàn về kim loại nặng (chiếm 5,5%).
Ngày 22/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức công bố nước biển 4 tỉnh miền Trung đã an toàn có thể bơi lội và nuôi trồng thủy sản.
Để đảm bảo sức khỏe cho người dân và có câu trả lời chắc chắn sau khi nước biển an toàn cá có thể sử dụng làm thực phẩm an toàn hay không, Bộ Y tế vẫn tiếp tục hàng ngày giám sát, lấy mẫu với tất cả các loại cá tại các cảng biển và đầm nuôi ở 4 tỉnh miền Trung để làm kiểm nghiệm.
Các kết quả kiểm nghiệm này sẽ được Hội đồng khoa học của Bộ Y tế đánh giá và dự kiến công bố chính thức vào đầu tháng 9.
Trước đó, đầu tháng 4, hiện tượng cá biển chết hàng loạt khởi nguồn từ khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan đến các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Tại cuộc họp báo ngày 30/6, Chính phủ công bố thủ phạm khiến cá biển miền Trung chết hàng loạt là Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Doanh nghiệp đã thừa nhận sai phạm, chấp nhận đền bù 500 triệu USD để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, câu hỏi chất lượng biển miền Trung thế nào, người dân tắm và ăn cá đánh bắt trong phạm vi 20 hải lý trở xuống có làm sao không thì còn bỏ ngỏ.