Những phát hiện khảo cổ đến từ sự tình cờ
- Dược liệu
- 15:09 - 27/06/2016
Chúng ta luôn kinh ngạc trước những phát hiện khảo cổ kỳ lạ và tráng lệ. Đôi khi những phát hiện này khá nhỏ bé và có lẽ không đáng kể (ví dụ như một đồng tiền duy nhất còn sót lại từ nhiều thế kỷ trước) và đôi khi, chúng lớn hơn và quan trọng hơn nhiều (chẳng hạn như cả một thành phố cổ bị lãng quên).
Trong khi một số khám phá quan trọng có được nhờ những cuộc thám hiểm được lên kế hoạch kỹ càng và không có gì đáng ngạc nhiên, thì một số khám phá đáng kinh ngạc đôi khi được thực hiện hoàn toàn do tình cờ.
Nhà chứa thế kỷ 19
Năm 1997, Viện Smithsonian tiến hành nghiên cứu khảo cổ tại địa điểm xây dựng Viện Bảo tàng thổ dân Mỹ và đã phát hiện ra những hiện vật được chôn vùi từ hơn một thế kỷ, mà chỉ có thể có từ một gia đình giàu có. Những mặt hàng chất lượng cao, đắt tiền này là một phát hiện bất thường ở nơi mà trước đó được biết đến như một khu lao động. Sau khi tham khảo bản đồ và hồ sơ bất động sản, người ta đã xác nhận rằng các hiện vật này là những gì còn lại của một nhà chứa ở thế kỷ 19 được điều hành bởi Mary Ann Hall, một doanh nhân bí ẩn.
Trước khi khai quật, các nhà khảo cổ không biết chính xác họ sẽ tìm thấy những gì, mặc dù cũng có những nghi ngờ nhất định. Nghiên cứu hồ sơ lưu trữ được thực hiện trước khi khai quật tiết lộ rằng, ngôi nhà là nơi cư trú của nhiều phụ nữ, điều khiến các nhà nghiên cứu cảm thấy khá kỳ lạ. Tuy nhiên, các hiện vật đã chứng minh bản chất thực tế tai tiếng của cơ sở này. Hàng trăm nút chai sâm panh và chai vỡ, mảnh sứ đắt tiền, hạt của những loại trái cây nhập ngoại và những đồ vật phù phiếm của phụ nữ đã cho thấy rõ nơi đây thực sự từng là một nhà chứa. Tuy nhiên, nó không phải là loại nhà chứa thông thường. Nó nằm rất gần đồi Capitol và là nơi lui tới của những khách hàng thuộc tầng lớp tinh hoa.
Hiện nay, nhiều hiện vật từ nhà chứa của Mary Ann Hall được lưu giữ tại khu Lịch sử xã hội Washington DC để phục vụ du khách.
Hầm tiền Edinburgh.
Herculaneum
Rất nhiều người biết đến sự sụp đổ của Pompeii xảy ra vào năm 79 sau CN. Đây hiện là một trong những điểm hấp dẫn du khách nhất ở Ý và thu hút hàng ngàn khách du lịch mỗi năm. Tuy nhiên, ít người biết rằng ngày núi lửa Vesuvius phun trào, nó cũng phá hủy một thành phố La Mã khác có tên là Herculaneum.
Vào ngày núi lửa phun, Pompeii nằm đúng hướng gió từ núi lửa và do đó đã nhanh chóng bị chôn vùi dưới lớp tro bụi. Còn Herculaneum nằm ngược hướng gió và bị phá hủy muộn hơn 12 giờ sau khi bị tấn công bởi một vụ nổ do tro, nham thạch và khí núi lửa. Vụ nổ ở nhiệt độ cao như vậy đã ngay lập tức cácbon hóa tất cả mọi thứ trong thành phố, khiến Herculaneum được bảo quản cực kỳ tốt (tốt hơn nhiều hơn so Pompeii).
Tuy thành phố Herculaneum chưa bao giờ bị thất lạc hoặc quên lãng, vẫn phải đến thế kỷ 18 nó mới được “tái phát hiện” nhờ một sự tình cờ. Năm 1709, một nông dân đào giếng đã tìm thấy một số hiện vật bằng đá cẩm thạch. Sau đó, người ta nhận ra rằng người nông dân đã thực sự phát hiện ra tàn tích của Nhà hát La Mã tuyệt đẹp của Herculaneum, vốn vẫn nằm nguyên bên dưới cánh đồng của ông trong suốt hơn 1.000 năm.
Sau phát hiện tình cờ ban đầu, một loạt những đường hầm “lậu” đã được đào để lấy đi những món đồ quí giá. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Herculaneum đã được khám phá một cách khoa học hơn. Trong thế kỷ 20, các cuộc khai quật khảo cổ học trên cơ sở hiện đại và khoa học hơn đã phát hiện ra rất nhiều hiện vật đáng chú ý từ thời La Mã.
Hầm tiền Edinburgh
Năm 1785, việc xây dựng Hầm tiền Edinburgh bắt đầu dưới Cầu Nam ở Edinburgh, Scotland và được mở cửa năm 1788. Trên mặt Cầu Nam là rải rác nhiều doanh nghiệp với những cửa hiệu nằm bên dưới, trong khi dưới đó là cả một khu ổ chuột. Những người thuộc tầng lớp thấp nhất sẽ sống ở tầng dưới nhất.
Cuộc sống dưới cầu luôn chuyển động và phát triển. Bọn tội phạm vận chuyển những mặt hàng phi pháp thông qua các đường hầm trong thị trường chợ đen, một khu đèn đỏ với những sòng cờ bạc, quán rượu và nhà chứa đã hình thành và tội phạm cùng với giết người xảy ra như cơm bữa. Thậm chí có người còn nói rằng có lúc bọn giết người có thể giết cả chục nạn nhân và giấu xác chết trong hầm mà không bị phát hiện hoặc ngăn chặn.
Tuy nhiên, tình trạng trong Hầm tiền tệ hại đến mức ngay cả những người nghèo nhất cũng phải rời bỏ khu ổ chuột ngầm này từ những năm 1835 - 1875. Khu hầm cuối cùng bị đóng cửa và bị quên lãng.
Trong những năm 1980, một cầu thủ bóng bầu dục và chủ quán ba tên là Norrie Rowan trong khi cố giúp một đồng nghiệp người Rumani là Cristian Răducanu (người đã trốn sang Anh) thoát khỏi cảnh sát chìm Rumani đã phát hiện ra một đường hầm nằm dưới quán ba dẫn đến Hầm tiền Edinburgh. Phát hiện đã giúp Răducanu trốn thoát thành công và hồi sinh hầm. Các đường hầm, phòng ở được khai quật và phục hồi. Khi đồ chơi trẻ em, thuốc và các vật dụng khác được phát hiện, người ta nhận ra rằng hầm tiền Edinburgh là nơi chứa nhiều sự bất hạnh. Hiện nay, hầm là một điểm hấp dẫn những người ưa thích tour du lịch mạo hiểm.
Tượng nữ thần sắc đẹp Venus De Milo
Tác phẩm điêu khắc nổi tiếng Venus de Milo được phát hiện vào năm 1820 bởi một nông dân tên là Georgios (hoặc Yourgos) Kentrotas trên đảo Melos (do đó có tên Milos hay Milo). Kentrotas khi đang cày trên đồng thì phát hiện cái hang chứa bên trong một nửa của bức tượng nữ thần Aphrodite.
Các sự kiện sau đó không mấy rõ ràng và những nguồn tài liệu khác nhau cung cấp những thông tin hơi khác nhau về những gì xảy ra tiếp theo: Một số cho rằng Kentrotas đã giấu bức tượng trong chuồng gia súc, muốn giữ nó làm của riêng, nhưng cuối cùng bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện và tịch thu. Ngay sau đó, đại sứ Pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ đã mua lại bức tượng và sau một vài sửa chữa đã dâng nó cho Vua Pháp Louis XVIII, bức tượng đặt trong bảo tàng Louvre và vẫn ở đó cho đến ngày nay.
Một số tài liệu cho rằng một sĩ quan người Pháp tên là Olivier Voutier đã đến thăm Melos đúng vào lúc Kentrotas tìm thấy bức tượng và yêu cầu người này tìm nốt nửa còn lại. Kentrotas làm theo và sớm phát hiện ra nửa kia của bức tưọng, cùng với tượng Hermes thời trẻ và Hercules khi già và thế kỷ 6 trước CN. Voutier đã làm một bản sao của bức tượng của Aphrodite và gửi cho Louis Brest, Phó lãnh sự Pháp ở Melos, sau đó người này lại gửi nó cho Lãnh sự Pháp tại Constantinople. Viên lãnh sự Pháp sau đó đã quyết định thu hồi bức tượng Aphrodite cho nước Pháp và đã gửi một phái đoàn đến Melos. Tuy nhiên, lúc đó Kentrotas đã bán bức tượng cho một người khác thay mặt hoàng tử Moldavia. Khi phái đoàn Pháp tới thì bức tượng đã chuẩn bị được đưa lên một chiếc tàu để tới Rumani. Sau một số thương lượng, phái đoàn và Louis Brest đã mua bức tượng như một món quà cho Vua Louis XVIII. Venus de Milo sau đó xuất hiện trong bảo tàng Louvre vào ngày 1/3/1821.
Điều thú vị là chiếc bệ, một mảnh cánh tay trái và một bàn tay trái cầm một quả táo đã được tìm thấy cùng với bức tượng. Tuy nhiên, không rõ liệu những mảnh vỡ này có thuộc về Venus de Milo hay không và trong khi cố gắng tạo một thiết kế để thay thế phần tay bị mất, cuối cùng người ta đã quyết định để nguyên bức tượng như khi nó được người nông dân Hy Lạp vô tình tìm thấy.
Xác ướp Trung Quốc
Năm 2011, tại Thái Châu, một thành phố duyên hải phía Đông của tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), các công nhân làm đường đang tiến hành mở rộng một con đường, khi đào sâu xuống dưới đất khoảng 2m, họ tìm thấy một vật cứng lớn. Nhận thấy thứ mà họ vô tình tìm thấy có thể rất có giá trị, các công nhân đã liên hệ với một nhóm các nhà khảo cổ để khai quật khu vực này.
Các nhà khảo cổ sau đó xác định rằng vật thể thực ra là một ngôi mộ với một chiếc quan tài ba lớp bên trong. Khi quan tài chính đã được mở ra, người ta phát hiện nhiều lớp lụa và vải bao phủ trong chất lỏng màu nâu, nhưng bất ngờ lớn nhất vẫn còn ở phía trước: Dưới những lớp vải và lụa, họ phát hiện ra xác của một phụ nữ. Xác được bảo quản tốt đến mức lông mày, tóc và da của người phụ nữ vẫn còn nguyên vẹn sau hơn 600 năm dưới lòng đất.