THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:46

Phát động hưởng ứng Ngày thế giới rửa tay với xà phòng năm 2015

Được biết, mỗi năm vào ngày 15/10, Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng, hàng triệu người trên toàn thế giới cùng cam kết thực hiện “hành động nhỏ” để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng: rửa tay sạch với xà phòng. Lần đầu tiên triển khai năm 2008, hoạt động này được tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe và giữ gìn vệ sinh, đặc biệt là hướng tới các em nhỏ toàn thế giới. Hơn 58 nước đã chung tay cùng tham gia chiến dịch “Thế giới rửa tay với xà phòng” để cùng tuyên truyền ý thức về thói quen đơn giản nhưng đem lại hiệu quả không ngờ này. 


 Ông Nguyễn Thành Luân- Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nước sạch và VSMT Nông thôn phát biểu phát động buổi lễ

Phát động hưởng ứng “Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng”, ông Nguyễn Thành Luân- Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nước sạch và VSMT Nông thôn (Bộ NN&PTNT) thông tin, trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, sự hỗ trợ của các Tổ chức Quốc tế và sự nỗ lực của người dân, việc cung cấp nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh cho người dân nông thôn đã và đang đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Để đạt được những thành tựu trên đóng góp của công tác Truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi là rất to lớn và quan trọng vì bên cạnh việc cung cấp các cơ sở hạ tầng về cấp nước và vệ sinh thì việc nâng cao nhận thức và thực hành các hành vi vệ sinh tôt  là điều kiện tiên quyết góp phân nâng cao sức khỏe, phát huy hiệu quả của các công trình cấp nước và vệ sinh.       Kể từ năm 2008, Việt Nam đã tích cực đóng góp vào phong trào này thông qua nhiều hoạt động được tổ chức bởi các Bộ ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế bao gồm  Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, Bộ NN&PTNT, Hội LHPN Việt Nam, nhãn hàng  Unilever, các tổ chức như  Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF)  và Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Theo ông Luân, rửa tay với xà phòng (RTVXP) được xác định là một trong những biện pháp có hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất để ngăn ngừa các bệnh như tiêu chảy và viêm phổi. Đây là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em. Mỗi năm, bệnh tiêu chảy và viêm phổi là thủ phạm dẫn đến cái chết của hơn 3,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. Các nhà khoa học cũng khuyến cáo: "Rửa tay bằng xà phòng trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh giúp cứu nhiều mạng sống hơn bất kỳ mọi loại thuốc kháng sinh nào. Nó có thể làm giảm một nửa số ca tiêu chảy trên thế giới, giảm các ca tử vong do viêm phổi và  các ca do bệnh liên quan đến hô hấp".

"Lễ phát động Rửa tay với xà phòng năm nay với chủ đề Chung tay để cải thiện tình trạng rửa tay với xà phòng” có ý nghĩa  sâu sắc kêu gọi tất cả mọi người dân, dù là người lớn hay trẻ em, dù là nam giới hay phụ nữ đều có thể tham gia cam kết rửa tay với xà phòng vì bản thân, vì cộng đồng phát triển bền vững, đặc biệt vì trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước. Đồng thời cũng khẳng định cam kết về đẩy mạnh truyền thông về rửa tay với xà phòng lồng ghép với phong trào  “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” của các cấp Hội LHPN Việt nam"- ông Luân nhấn mạnh.

Ông Bùi Nhật Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại buổi lễ

Hưởng ứng lễ phát động, ông Bùi Nhật Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, khẳng định: "Sau lễ phát động này, các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội ở Ninh Thuận sẽ tuyên truyền tới từng gia đình và toàn xã hội ở chủ động tham gia, phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân; tăng cường sự đầu tư, đóng góp các nguồn lực của toàn xã hội và các tổ chức quốc tế cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh".


Được biết, sau lễ phát động tại Ninh Thuận, các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ tổ chức chương trình “Chung tay để cải thiện tình trạng rửa tay với xà phòng" giai đoạn 2015-2020. Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch, bệnh, hưởng ứng “Ngày thế giới rửa tay với xà phòng” dưới nhiều hình thức như phát thanh, phát sóng thông điệp; treo các poster, băng rôn; tuyên truyền qua mạng xã hội nhằm chuyển tải các thông điệp phòng, chống dịch bệnh tới cộng đồng để người dân hiểu, tự giác thực hiện.

 

Ông Friday Nwaigwe Trưởng phòng Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em (tổ chức Unicef tại Việt Nam):

UNICEF cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc cải thiện tình trạng rửa tay với xà phòng

Rửa tay xà phòng, sử dụng nhà tiêu hơp vệ sinh và sử dụng nước sạch là các nhu cầu cơ bản cho sức khỏe tốt. Chỉ 2 hành vi đơn giản là rửa tay xà phòng và sử dụng nhà tiêu sạch sẽ đã có thể giảm được 43% và 32% các ca tiêu chảy và giảm được đáng kể những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe mà có thể là nguyên nhân gây ra bệnh tật và tử vong ở hàng ngàn trẻ em Viet Nam mỗi năm. 

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những tiến bộ lớn về nâng cao tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh. Cụ thể đã tăng từ 52% vào cuối năm 2010 lên 64% vào cuối năm 2014. Mặc dầu vậy, việc thực hành rửa tay với xà phòng vẫn còn rất  yếu kém. Theo một nghiên cứu của BYT và UNICEF năm 2011, chỉ có 36% các bà mẹ và người chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi rửa tay xà phòng sau khi đi vệ sinh, 23% trước khi ăn, 19% trước khi và sau khi nấu thức ăn và chỉ có 5% sau khi thay tã và vệ sinh cho trẻ. Các con số này còn thấp hơn 5% ở các địa bàn miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.. Với tình trạng rửa tay xà phòng yếu kém như vậy cộng thêm việc phóng uế bửa bãi, Việt Nam liên tục phải đối phó với nhiều dịch bệnh như tay chân miệng, rota vi rút và bệnh tả… mà trẻ em là người phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Trẻ em dễ bị nhiễm các bệnh dịch nói trên nhất vì các cháu có thể  mắc từ bàn tay bẩn và thức ăn nhiễm bẩn.

Làm thế nào để chúng ta cùng nhau nâng được tỷ lệ rửa tay với xà phòng ở Viêt Nam? Trước tiên, chúng ta cần những tấm gương dẫn đầu về rửa tay với xà phòng. Các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các thầy cô giáo và các em học sinh nên phải là những tấm gương tiên phong để nâng cao tầm quan trọng của việc rửa tay với xà phòng.  Họ phải là những tấm gương tốt cho người khác noi theo. Công việc này nên phải bắt đấu từ trường học, từ công sở và từ các nhà máy với sự trợ giúp của các nhà lãnh đạo các cấp từ trung ương tới địa phương. Khi trẻ em và người lớn từ trường và từ nơi làm việc về nhà, họ sẽ có thể khích lệ sự thay đổi hành vi rửa tay với xà phòng trong các thành viên khác tại gia đình và cộng đồng. Chúng ta, những người lớn phải tạo điều kiện thuận lợi như đảm bảo có nơi rửa tay và có xà phòng để thực hành và dần dẩn đến thay đổi hành vi. 

Các phương tiện thông tin đại chúng cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Họ sẽ phát triển những thông điệp và nhưng hình ảnh sáng tạo để tác động tới việc thay đổi nhanh hành vi rửa tay với xà phòng.

 UNICEF muốn khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc cải thiện tình trạng rửa tay với xà phòng. Tất cả chúng ta phải xem cả 365 ngày trong năm là ngày rửa tay với xà phòng mà không phải chỉ có ngày 15 tháng 10. UNICEF cũng sẽ tiếp tục giúp Việt Nam đạt dược cam kết quốc tế của mình là trở thành một Việt Nam xóa bỏ hoàn toàn tình trạng phóng uế bừa bãi vào năm 2025. 

 

Văn Bình-Mạnh Dũng/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh