THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:21

Pháp luật méo, tròn do ai?

 

Ảnh minh họa.

Tại thành phố lớn nhất khu vực phía Nam, “đầu tàu” kinh tế của cả nước, Tòa tuyên phạt Ôn Thành Tân 8 tháng 20 ngày tù (bằng thời gian Tân bị tạm giam); Nguyễn Hoàng Tuấn 10 tháng tù về tội Cướp giật tài sản. Số tài sản mà hai bị cáo trên cướp giật, gồm:  Hai bọc chuối sấy, một ổ bánh mì, một bịch đậu phộng rang muối và ba bịch me trộn đường, tổng trị giá 45000 đồng.

Còn ở Thủ đô ngàn năm văn hiến, trong vụ án vỡ đường ống nước sạch Vinaconex, mặc dù kết luận các ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT, (sau đó giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nay đã nghỉ hưu); Nguyễn Văn Tuân, Tổng giám đốc; Tô Ngọc Thanh, Hoàng Hợp Thương, Vũ Đình Chăm, thành viên HĐQT có hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng, quyết định thay đổi vật liệu không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, có dấu hiệu phạm tội…Nhưng với các lý do: Vi phạm lần đầu, nhân thân tốt, khai báo thành khẩn, không vụ lợi,…nên được Cơ quan Cảnh sát điều tra tha bổng, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự(!).

Hai chàng trai trẻ, chưa có tiền án, tiền sự, quá đói làm liều, cướp giật số thức ăn chỉ vỏn vẹn 45000 đồng phải ra tòa lĩnh án. Năm ông quan trên vi phạm quy định về  xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ gây thiệt hại 13 tỷ đồng (tiền sửa chữa ống nước bị vỡ), mà còn làm ảnh hưởng xấu đến đời sống của 177 000 hộ người dân, vẫn ung dung “xin chào” luật pháp, có kẻ ra tòa rồi, “em vô can”, vì “em phạm tội lần đầu, em thành khẩn, em….”!

Việc hành xử chưa minh bạch của hai vụ án trên, đã bị nhiều người, đặc biệt là giới luật gia, luật sư phản đối kịch liệt. Họ cho rằng, pháp luật quá nghiêm khắc với những người yếu thế, nhưng lại bủn rủn, run rẩy trước những người có chức, có quyền. Xử lý kiểu trên là bỏ lọt tội phạm, gây ra sự mất bình đẳng của moi người trước pháp luật .

Không phải pháp luật run rẩy, lươn lẹo, tất thảy đều do trình độ chuyên môn,tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp của những người thi hành công vụ gây ra. Nếu họ làm như họ hứa, như họ hùng dũng nói: Thượng tôn pháp luật, chí công vô tư, thì đâu gặp phải sự phản ứng dữ dội của công luận xã hội; làm gì có chuyện Viện KSND TP Hồ Chí Minh phải kháng nghị bản án một vụ án, như vụ “cướp bánh mì” nói trên; Viện trưởng Viện KSNDTC phải lệnh cho cấp dưới xem xét vụ không khởi tố một số quan chức của Vinaconex, trong vụ án nhiều lần vỡ đường ống nước sạch.

Trong mỗi vụ việc cụ thể, thành công hay thất bại có nhiều nguyên nhân gây ra.  Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là Con Người. Khi cán bộ, công chức, viên chức cái tâm, cái trí, cái tầm không xứng với trọng trách được giao, mọi sự thề thốt, hứa hẹn cũng giống như “lời nói gió bay”, tai họa vẫn luôn rình rập, pháp luật “rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn” (câu trong bài thơ: “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương).

Hai vụ án trên “bục” ra cùng thời điểm, không phải trêu ngươi ai, cũng chẳng phải tình cờ, nó xẩy ra theo quy luật tất yếu, như người xưa nói, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Đấy là sự khiếm khuyết trong hệ thống các cơ quan công quyền nói chung cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật nói riêng, cần phải nhanh chóng giải quyết và phải giải quyết triệt để.

HOÀNG LÊ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh