THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:04

Pháp chế phải là lĩnh vực bứt phá trong năm 2019

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị

 

Hoàn thành 100% nhiệm vụ đúng hạn

Hội nghị tổng kết công tác xây dựng, thực hiện pháp luật năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ LĐ-TB&XH đã diễn ra ngày 11/1/2019. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị.

Trong năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ và sự nỗ lực của các đơn vị, công tác xây dựng thể chế, đặc biệt là công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trình bày báo cáo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hà Đình Bốn cho biết, năm 2018, Bộ đã tập trung nguồn lực xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ 03 hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi); Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Về hồ sơ đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi), ông Bốn cho biết: “Được xây dựng, chuẩn bị công phu, đầy đủ và được Chính phủ đánh giá cao”. Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 năm 2019 và thông qua vào kỳ họp thứ 8 năm 2019. 

Về thực hiện các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, năm qua, hoàn thành 100% các đề án được giao (trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 35 đề án). Trong đó có 11 đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ và 24 đề án phát sinh ngoài Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đến hết 31/12/2018, Chính phủ đã ban hành 08 Nghị định và 03 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 Quyết định.

Hoàn thành 100% nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ đúng hạn, không để nhiệm vụ nào quá hạn. 

Cùng với đó, thực hiện Quyết định số 2095/QĐ-LĐTBXH ngày 29/12/2017, trong năm 2018, Bộ đã ban hành theo thẩm quyền 29 thông tư hướng dẫn thực hiện theo các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành.

Cũng trong năm qua, theo ông Bốn, đã tổ chức kiểm tra hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Bộ chủ trì ban hành hoặc liên tịch ban hành và văn bản hành chính do các đơn vị ban hành đang còn hiệu lực với tổng số là 334 văn bản.

Kết quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản cho thấy, về cơ bản việc ban hành các văn bản đều đảm bảo đúng thẩm quyền, căn cứ pháp lý, quy trình, thủ tục.

Cũng trong năm 2018, Bộ đã thực hiện rà soát hoặc phối hợp rà soát văn bản trong nhiều lĩnh vực quan trọng như lĩnh vực điều kiện đầu tư kinh doanh và các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH; lĩnh vực bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, Bộ đã cập nhật các văn bản mới ban hành trong năm 2018 và văn bản đã ban hành cuối năm 2017 trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Tổng số, đã có 45 văn bản quy phạm pháp luật được cập nhật. Đồng thời, hoàn thành việc hợp nhất 12 văn bản trong năm 2018.

Công tác cải cách hành chính được chú trọng. Kết quả, đến cuối năm 2018, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH với việc cắt giảm 36 điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa 34 điều kiện, loại bỏ 05 điều kiện trên tổng số 112 điều kiện kinh doanh của 09 ngành, nghề thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, đạt tỷ lệ 65,42%, vượt hơn 15% so với chỉ tiêu của Chính phủ đề ra; sửa 09 thông tư cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức trong việc thực hiện thủ tục hành chính cũng như giải quyết các công việc, bên cạnh đó tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.

 

Công tác pháp chế: có nhiều nỗ lực, đổi mới

Tại hội nghị, đại diện các ban ngành, và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến. Các đại biểu cho rằng, xây dựng thể chế, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ quan trọng nhất nên các đơn vị phải đảm bảo các văn bản pháp luật phù hợp và mang "hơi thở" thực tiễn; việc xây dựng Bộ luật Lao động, Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi) phải vừa làm, vừa lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, người LĐ và doanh nghiệp và đã đảm bảo đúng tiến độ.

Việc hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu phê chuẩn các công ước phù hợp với thông lệ quốc tế, và Bộ đã thực hiện và hoàn thành được một số công việc quan trọng.

Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao công tác pháp chế trong năm qua đã có nhiều nỗ lực, đổi mới trong nâng cao chất lượng tham mưu, xây dựng thể chế. Việc theo dõi thi hành pháp luật, công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, công tác rà soát, hệ thống hóa cũng được quan tâm. Qua đó nhiều quy định pháp luật được đánh giá, phát hiện và sửa đổi, bổ sung kịp thời để đảm bảo tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Trong tổng thể thành công chung của toàn ngành có sự đóng góp của Vụ Pháp chế vì vấn đề xây dựng thể chế chính sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được lãnh đạo Bộ quan tâm chỉ đạo thực hiện.

”Từ năm 2018 đến nay, công tác xây dựng thể chế đã thực sự được quan tâm sâu sắc. Các đơn vị, Cục, Vụ đã có nhiều chuyển biến tốt trong xây dựng văn bản quy phạm pháp quy, đầu tư nguồn lực. Qua đó đã hoàn thiện khối lượng văn bản khổng lồ; tham mưu Chính phủ trình Trung ương ra những Nghị quyết quan trọng như Đề án cải cách tiền lương và BHXH, trong đó có những nội dung có tính chất chiến lược cho đất nước. Bộ cũng tham mưu cho Quốc hội ban hành một số Nghị quyết sát thực; không để nợ đọng, quá hạn các văn bản”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ cũng đã hình thành hệ thống văn bản để giải quyết các vấn đề phát sinh trong an sinh xã hội, nổi bật là vấn đề hồ sơ người có công tồn đọng; hình thành khuôn khổ pháp lý phù hợp với cơ chế thị trường trong thời kỳ mới; bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ triển khai công việc toàn diện hơn, cơ bản đảm bảo tiến độ, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh; chất lượng được tăng lên.

Bên cạnh đó công tác lãnh đạo, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa hệ thống văn bản đã được thực hiện tốt hơn; quan tâm hơn tới công tác truyền thông; công tác phối hợp, hợp tác quốc tế có nhiều tiến bộ.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý trong năm 2019, công tác xây dựng, thực hiện pháp luật là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cần gắn với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Kiên quyết không để tình trạng “tham mưu ngược, đôn đốc ngược”.

Bộ trưởng đề nghị thời gian tới cần đặc biệt lưu ý về 3 Dự án luật, pháp lệnh là: Bộ luật Lao động sửa đổi, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; triển khai đầy đủ, kịp thời Kế hoạch công tác của Chính phủ; tập trung rà soát, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật, không để xảy ra sai sót, ưu tiên tập trung vào các vấn đề người có công, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực đối với phụ nữ

Cũng theo Bộ trưởng, Vụ Pháp chế cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị để tập trung đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách ASXH của toàn ngành trong thời gian tới, đánh giá phải gắn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tích hợp lại các văn bản quy phạm pháp luật, công khai trên mạng, qua nhiều kênh thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân; tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật và đổi mới cách tiếp cận phù hợp với các tầng lớp nhân dân, đi liền với đó là theo dõi, đánh giá hiệu quả thực thi pháp luật…

Theo đó, năm 2019, Bộ trưởng nêu rõ, xác định công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Năm 2019, Pháp chế sẽ là lĩnh vực bứt phá. Bứt phá một cách ngoạn mục”.

 

Trên cơ sở các kết quả đạt được năm qua, năm 2019, Vụ Pháp chế dành sự ưu tiên hàng đầu cho công tác xây dựng thể chế, huy động mọi nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và UBCVĐXH của Quốc hội hoàn thiện 03 dự án luật, pháp lệnh của Bộ, gồm: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi); Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Triển khai có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật của Bộ năm 2019. Trọng tâm kiểm tra năm nay tập trung vào một số lĩnh vực: phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo trợ xã hội, trẻ em; Tiếp tục triển khai các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người lao động, người sử dụng lao độngvà người dân thông qua nhiều hình thức đa dạng khác nhau.

Đồng thời, quyết tâm tiếp tục tích cực, chủ động, nâng cao chất lượng thực hiện việc xây dựng các văn bản pháp luật...

Bài: Thanh Nhung - Ảnh: Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh