CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:41

Phải lấy dân làm gốc khi xây dựng chính sách

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị 

 

Top đầu các Bộ, ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng thể chế

Trình bày báo cáo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hà Đình Bốn cho biết, năm 2017, được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong Bộ, Vụ Pháp chế đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Ông Hà Đình Bốn cho biết, công tác xây dựng pháp luật đã hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng. Bộ đã trình cơ quan có thẩm quyền 31 đề án (9 Nghị định, 4 quyết định và 1 chỉ thị), kết quả hoàn thành đạt 100%; trình Bộ trưởng ban hành 33 Thông tư. Các nhiệm vụ được Chính phủ và cấp trên giao đều xử lý kịp thời đúng hạn, Bộ LĐ-TB&XH được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, thuộc top đầu trong các Bộ, ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng thể chế.

Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực lao động - người có công và xã hội đã góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách và tổ chức thực thi nhiệm vụ của ngành.

Cũng trong năm 2017, Vụ Pháp chế tiếp nhận 2.023 văn bản đến, tham mưu góp ý trên 435 lượt văn bản trong và ngoài Bộ. Về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, năm 2017, đã tổ chức rà soát 70 văn bản thuộc trách nhiệm của Bộ.

Đáng chú ý, công tác cập nhật văn bản trên Cơ sở Dữ liệu quốc gia về pháp luật cơ bản được hòan thành theo các yêu cầu quy định, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thể tiếp cận, tra cứu.

Song song, công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp kịp thời, cũng như tiếp thu các kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời có kiến nghị, sửa đổi bổ sung chính sách.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hà Đình Bốn trình bày Báo cáo tổng kết năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 

 

Cũng theo báo cáo năm 2017, ban hành 10 quyết định công bố thủ tục hành chính (TTHC) trên các lĩnh vực: an toàn lao động, giáo dục nghề nghiệp, việc làm, bảo trợ xã hội, giảm nghèo, bảo hiểm xã hội, trẻ em, quan hệ lao động và tiền lương.

Trong năm qua, đã đăng tải đầy đủ (100%) các hồ sơ TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và Cổng thông tin điện tử của Bộ theo quy định.

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, năm qua, Bộ đã rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ theo Nghị định số 14/2017/NĐ-CP của Chính phủ; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 29/2017/QĐ-TTg ngày 03/7/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Công tác theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm chú trọng thực hiện. Thông qua công tác này, nhiều quy định pháp luật được đánh giá, phát hiện và sửa đổi, bổ sung kịp thời để đảm bảo tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Tập trung sửa đổi Bộ luật Lao động, không đợi thêm

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đánh giá năm 2017, Vụ Pháp chế đã hoàn thành 100% chương trình xây dựng pháp luật được giao. Cùng với đó, Thứ trưởng cũng ghi nhận, CCHC và kiểm soát thủ tục hành chính năm rồi tốt hơn; Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng được chuyển tải đến sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp…

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đánh năm 2017, Vụ Pháp chế đã hoàn thành 100% chương trình xây dựng pháp luật được giao

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hoan nghênh Vụ Pháp chế có Báo cáo bám sát vào 16 nội dung, đặc biệt là 12 nội dung theo Nghị định và Quyết định của Bộ trưởng về quy chế, chức năng nhiệm vụ của Vụ Pháp chế theo quy định của Quyết định số 1676/QĐ-LĐTBXH ngày 24/10/2017 của Bộ trưởng.

Nhìn nhận 2017, toàn ngành nỗ lực lớn, hòan thành tất cả các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ đặt ra. “Trong tổng thể thành công chung của toàn Bộ có sự đóng góp lớn của Vụ Pháp chế”, Bộ trưởng đánh giá.  

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là đối với lĩnh vực an sinh xã hội, Bộ trưởng cho rằng, muốn làm tốt an sinh xã hội thì việc đầu tiên là xây dựng và ban hành hệ thống các chính sách pháp luật liên quan đến an sinh xã hội.

Do đó, trước hết, Bộ trưởng yêu cầu trong xây dựng, từ thể chế chính sách phải bắt đầu từ người dân. Phải đặt dấu hỏi “Người dân được thụ hưởng gì từ trong chính sách này”, thì chính sách ban ra mới phù hợp thực tiễn.

“Câu đầu tiên tôi muốn nói các đồng chí là ở đấy. Tại sao một số văn bản chúng ta đứng ngoài, không thẩm thấu được trong dân, là vì không bắt đầu từ người dân, không đặt chúng ta trong người dân, xa rời cuộc sống. Đấy là cái hàng đầu tôi muốn nói hôm nay, khi xây dựng chính sách thể chế, phải lấy lòng dân làm gốc”, Bộ trưởng lưu ý.

Thứ 2, là phương châm xây dựng thể chế chính sách, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “tôi đề nghị thực hiện đúng cho tôi 3 từ: đúng, đủ và nhanh”.

Thứ 3, phải tập trung đánh giá tổng quát hiệu quả thực hiện chính sách ASXH của toàn ngành trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết 70, đánh giá gắn với phát triển KTXH, nhất là trong việc huy động sử dụng nguồn nhân lực như thế nào. Bộ trưởng yêu cầu tích hợp các văn bản lại, giảm bớt thủ tục hành chính, làm sao công khai trên mạng, để thuận tiện cho người dân…

Cùng với đó, phải tập trung nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; Rà soát hệ thống văn bản, nâng cao chất lượng văn bản.

Thứ 4, tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật; đi liền với đó là theo dõi, đánh giá thực thi pháp luật.

Thứ 5, là sự phối hợp với các đơn vị trong Bộ, và với các Bộ, ngành bên ngoài một cách nhuần nhuyễn.

 Đại diện các đơn vị tham dự đã có những đề xuất liên quan đến các công tác, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế trong năm 2018

 

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018, Bộ trưởng yêu cầu tập trung cho Bộ luật Lao động (sửa đổi). Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng phương châm là không thể đợi thêm nữa, quyết tâm phải làm. Theo Bộ trưởng, việc sửa đổi Bộ luật Lao động cần phải đặt ra quyết liệt, "vì rất nhiều Bộ luật liên quan, Nghị định liên quan phải sửa đổi theo”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với đó, khẩn trương sửa đổi Pháp lệnh Người có công. Trong năm 2018 phải sửa xong pháp lệnh này. Song song, Bộ trưởng yêu cầu rà soát lại toàn bộ hệ thống các văn bản dưới Luật mà ngành và lĩnh vực các Cục, Vụ theo dõi, để đưa vào kế hoạch sửa trong 2018 đến 2020.

 

Trên cơ ở các kết quả đạt được trong năm 2017, năm 2018, Vụ Pháp chế quyết tâm tiếp tục tích cực, chủ động, nâng cao chất lượng thực hiện việc xây dựng các văn bản pháp luật; đẩy mạnh thực hiện công tác CCHC và kiểm soát thủ tục hành chính; Tăng cường công tác kiểm tra thi hành pháp luật, chính sách của ngành…

Đồng thời, gấp rút hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) để trình Quốc hội đúng tiến độ; nghiên cứu, lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) đánh giá tác động đầy đủ các chính sách đối với người có công theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Bộ trưởng vào tháng  9/2018, để trình Chính phủ và trình Ủy ban TVQH cho ý kiến vào tháng 12/2018. 

Bài: THANH NHUNG - Ảnh: MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh