Pháo phản lực TOS-1A – “Kẻ hủy diệt” đến từ Moscow
- Tây Y
- 21:01 - 20/10/2015
Hệ thống pháo phản lực TOS-1A là phiên bản mới nhất của hệ thống pháo phản lực TOS-1, được đưa vào biên chế quân đội Nga từ năm 2001. Hệ thống này từng được sử dụng tại chiến trường Chechnya. Nga cũng từng xuất khấu pháo phản lực TOS-1A sang các quốc gia như Azerbaijan, Iraq và Kazakhstan. Iraq từng sử dụng hệ thống này để chống lại những phiến quân khủng bố IS.
Pháo phản lực TOS-1A là biến thể của TOS-1 do phòng thiết kế Omsk Transmash phát triển từ cuối những năm 1980. Loại vũ khí này ra đời nhằm đáp đáp ứng yêu cầu Quân đội Liên Xô đang khá vất vả tại chiến trường Afghanistan trước chiến thuật du kích của phiến quân. Từ tháng 12.1988-2.1989, hai pháo phản lực TOS-1 đã được triển khai ở Afghanistan và ngay lần đầu xuất hiện đã khiến phiến quân phải "sốc" trước sức tấn công khủng khiếp của nó.
Pháo phản lực TOS-1A được dùng hỗ trợ trực tiếp cho bộ binh và các xe tăng trên chiến trường.
Hệ thống TOS-1A được thiết kế để hỗ trợ quân nhân, công sự và xe bọc thép hạng nhẹ. Hệ thống pháo phản lực này giống với hệ thống phóng đa tên lửa, tuy nhiên nó bắn được nhiều chủng loại tên lửa hơn và có tầm bắn ngắn hơn. Hệ thống này đạt hiệu suất tiêu diệt sinh lực của đối phương bố trí tại các cứ điểm ở địa hình trống trải cũng như trong công trình kiên cố, phóng ra mảnh đạn và sóng xung kích trên địa bàn khu vực mục tiêu nhờ sử dụng hàng loạt đạn phản lực tên lửa không điều khiển có phần đầu đạn nhiệt áp và tỏa khói gây cháy.
Pháo phản lực TOS-1A khai hỏa
Cấu thành chính của hệ thống pháo phản lực TOS-1A là xe phóng BM-1. Số lượng ống phóng giảm từ 30 xuống còn 24 và xếp thành 3 hàng, mỗi hàng 8 ống. Chiều dài của ống phóng mới cũng dài hơn so với các ống phóng của pháo phản lực TOS-1 cũ. Có ít nhất hai loại pháo cỡ 220mm. Một loại dài 3,3m nặng 173kg và một loại dài 3,7m nặng 217kg. Pháo phản lực TOS-1A dùng pháo dài hơn nên tầm bắn cũng xa hơn hệ thống cũ. Tầm bắn tối đa đạt 6.000m. Tầm bắn tối thiểu là 400m.
Xe tiếp đạn TZM-T
Có ít nhất hai loại đầu đạn được sử dụng – đầu đạn cháy và đầu đạn nhiệt áp. Đầu đạn nhiệt áp hay còn được gọi là chất nổ chân không hoặc chất nổ nhiên liệu-khí. Loại đầu đạn này khi phát nổ sẽ phủ lên một đám mây khí chất dễ cháy và gây ra nổ mạnh. Các công sự, boongke thực sự là “miếng mồi” ưa thích của loại đầu đạn này. Hệ thống pháo phản lực TOS-1A bắn được mỗi lần một tên lửa, hoặc hai quả liên tiếp trong thời gian 0.5 giây. Thời gian bắn hết 24 quả theo lý thuyết là từ 6 đến 12 giây.
Vũ khí nhiệt áp được giới quân sự gọi là vũ khí nguyên tử nhưng không có phóng xạ. Nguyên lý hoạt động của loại vũ khí này là sử dụng các sóng chấn động hội tụ vào một điểm để tạo sức công phá cao nhất. Ngọn lửa tạo ra khi đốt cháy nhiên liệu sẽ làm không khí giãn nở một cách đột ngột tạo ra các sóng chấn động này. Cũng chính ngọn lửa này tạo ra sức sát thương rất lớn do nhiệt độ của nó tỏa ra xung quanh và rút tất cả không khí vào trong ngọn lửa tạo thành một vùng chân không trong thời gian ngắn tác động đến mọi sinh vật xung quanh vụ nổ và việc rút hết dưỡng khí để cháy khiến cho mọi sinh vật bị ngạt ngất đi thậm chí dẫn đến cái chết.
Mục tiêu sau khi bị dội tên lửa tới tấp. Một vùng phủ kín khói bụi
Bộ máy điều khiển hệ thống BM-1 gồm 3 thành viên gồm chỉ huy, pháo thủ và lái xe. Xe được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tân tiến. Mọi thao tác được thực hiện bên trong xe, đảm bảo an toàn cho tính mạng của tổ đội. Chỉ mất 90 giây để dàn xe này có thể thực hiện được một thao tác bắn phá mục tiêu khi đã phát hiện được kẻ địch.
Bệ phóng pháo phản lực TOS-1A được đặt trên khung gầm cải tiến từ xe tăng T-72A. Động cơ là V84MS chạy diesel với công suất 840 mã lực. Giáp bảo vệ tương tự trên T-72A MBT.
Hệ thống pháo phản lực này được hỗ trợ bởi xe cơ giới nạp đạn TZM-T. Một chiếc cần cẩu cũng được gắn trên xe để tiện vận chuyển tên lửa. Xe TZM-T mang thêm 400 lít nhiên liệu cho hệ thống phóng BM-1. Tổ đội lái TZM-T là 3 người.
Gần đây xe cơ giới chuyên chở tên lửa đặt trên xe tải KamAZ-6350 8x8. Xe này cũng mang theo 24 tên lửa và hệ thống cần cẩu đặt giữa.